Đó là nhận định với Zing của ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố hôm 13/7 bác bỏ chính thức hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Gọi động thái này là “sự tăng cường chính sách của Mỹ”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định “các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế trên biển của họ. Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, thống nhất với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Trung tá Hải quân Mỹ Joseph "CAPS" Hubley trên máy bay F/A-18E Super Hornet trong cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 7/7. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tuyên bố mạnh mẽ chưa từng thấy
Theo đánh giá của Hiebert, tuyên bố của ông Pompeo không chỉ là sự ủng hộ mạnh mẽ mà còn là thông điệp rõ ràng nhất của Mỹ đối với phán quyết của tòa trọng tài PCA.
Cố vấn CSIS chỉ rõ đây là lần đầu tiên Mỹ nêu đích danh các địa điểm cụ thể mà Trung Quốc gây sức ép lên các bên khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, đang phát triển hoặc thăm dò nguồn tài nguyên dầu khí hoặc khai thác đánh bắt cá bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.
Trong tuyên bố, ông Pompeo khẳng định Washington bác bỏ bất cứ tuyên bố nào của Trung Quốc đối với vùng biển “bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý" tính từ các điểm đảo mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.
Vì Trung Quốc không thể đưa ra cơ sở hợp pháp nào cho yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, Ngoại trưởng Pompeo nói Mỹ bác bỏ bất kỳ yêu sách chủ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi đá Luconia ngoài khơi Malaysia, các vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Brunei, và vùng biển quanh đảo Natuna Besar của Indonesia.
Ngoại trưởng Pompeo cũng ủng hộ phán quyết của PCA rằng Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp đối với bãi cạn James, bãi ngầm cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Trong các chiến dịch tuyên truyền sai lệch của mình, Bắc Kinh thường gọi bãi này là “lãnh thổ cực nam”.
Tàu sân bay USS Nimitz vào cảng ở Seoul, Hàn Quốc năm 2013. Ảnh: AP. |
“Tuyên bố của ông Pompeo mạnh mẽ hơn hầu hết tuyên bố trước đó của Mỹ. Chúng ta sẽ theo dõi xem liệu Mỹ có tăng cường áp lực đối với Trung Quốc ở các bước đi cụ thể hay không”, ông Hiebert nói với Zing.
Ông cho rằng những bước đi cụ thể như vậy có thể là việc Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho các bên khác (ngoài Trung Quốc) có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, hoặc Washington có thể trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc liên quan tới phá hoại môi trường do đòi lấn chiếm các đảo ở Biển Đông.
Đồng quan điểm với ông Hiebert, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim, hiện là cố vấn cấp cao CSIS, cũng nhận định với Zing rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo vượt xa lập trường trước đây của Washington về Biển Đông, nêu rõ các yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp, rằng đường chín đoạn là vô nghĩa và phán quyết của Tòa trọng tài The Hague năm 2016 là cơ sở cho chính sách của Mỹ.
“Đây là cảnh báo trước đối với Trung Quốc!", ông Zakheim nhấn mạnh.
"Cú đánh lớn về ngoại giao"
Trong khi đó, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS, cho rằng “về cơ bản Mỹ khẳng định giữ trung lập đối với những câu hỏi ai sở hữu các đảo hay bãi đá ở Biển Đông, nhưng Mỹ sẽ không giữ im lặng với những yêu sách phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này”.
Vị chuyên gia nói thêm rằng “rất nhiều điều còn phụ thuộc vào bước đi tiếp theo Mỹ ra sao” sau tuyên bố ngày 13/7, song ông cũng gọi đó “là cú đánh lớn về ngoại giao”.
Ông Zack Cooper, chuyên gia nghiên cứu tại American Enterprise Institute hướng sự chú ý tới khía cạnh lần đầu tiên Mỹ chính thức bác bỏ từng luận điểm cụ thể của Trung Quốc với các yêu sách trên Biển Đông. Vị chuyên gia nói với CNN rằng “đây thực sự là điểm cốt lõi của tuyên bố”.
“Mỹ đang tuyên bố ủng hộ quyền của các bên khác (ngoài Trung Quốc) trong khu vực. Nay nếu Mỹ muốn trợ giúp một đồng minh hay đối tác ở Biển Đông đang bị Trung Quốc dồn ép thì Mỹ đã có cơ sở pháp lý để nói rằng các hành động của Trung Quốc là phi pháp theo quan điểm của Mỹ”, ông Cooper cho biết.
Chưa đầy 24 giờ sau khi lập trường mới của Mỹ ở Biển Đông được công bố, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á David Stilwell đi xa hơn khi thẳng thừng chỉ trích Bắc Kinh đang đe dọa trật tự đã tồn tại hàng thập kỷ ở châu Á.
"Bằng việc tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi đối với vùng biển rộng hơn cả Địa Trung Hải và xâm phạm quyền của các nước khác, Bắc Kinh đe dọa trật tự đã tồn tại và mang lại thịnh vượng cho châu Á trong nhiều thập kỷ. Trật tự đó dựa trên tự do và cởi mở, những khái niệm Trung Quốc luôn chống lại", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stilwell nói hôm 14/7 tại CSIS.
"Chúng tôi sẽ không tiếp tục nói rằng chúng tôi trung lập đối với các vấn đề hàng hải ở Biển Đông nữa. Trong lần tới, khi một dàn khoan đặt trong vùng biển của một nước Đông Nam Á, chúng tôi sẽ đưa ra tuyên bố với sự chủ động", ông Stilwell khẳng định.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết thêm rằng Washington sẵn sàng tăng cường năng lực quân sự của các quốc gia liên quan.
“Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực ngoại giao đa phương chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Và chúng tôi đang đưa ra các lựa chọn kinh tế để nhấn mạnh rằng các quốc gia không cần thiết dấn sâu vào các sáng kiến về cơ bản chỉ có hại của Bắc Kinh", ông Stilwell nói.
Quan điểm này được Ngoại trưởng Pompeo lặp lại trong cuộc họp báo mới nhất hôm 15/7. Ông nói rằng Mỹ sẽ ủng hộ các nước mà quyền lợi trên Biển Đông đang bị Trung Quốc xâm phạm “thông qua các công cụ mà chúng tôi có”.