Trong tuyên bố đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói động thái của Washington là nỗ lực tuân thủ luật pháp quốc tế chống lại chiến dịch “kẻ mạnh thì thắng” mà Trung Quốc đang sử dụng để cưỡng ép và đe doạ các nước ở Đông Nam Á.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tại Biển Đông ngày 6/7. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Bác bỏ "đế chế hàng hải"
“Thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc đối xử với vùng Biển Đông như là đế chế hàng hải của riêng họ”, ông Pompeo nói.
Dù Washington từng nhiều lần tuyên bố tham vọng bành trướng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức bác bỏ các luận điểm cụ thể của Trung Quốc, theo Wall Street Journal.
Động thái này cũng thể hiện sự thay đổi bước ngoặt, khi Washington trước đây luôn không tỏ ra đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông.
Thông thường, Mỹ chỉ kêu gọi các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp một cách hoà bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ ngày 13/7 đã công khai ủng hộ phán quyết của Toà án trọng tài PCA năm 2016 đối với vụ kiện do Philippines khởi xướng.
“Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đơn phương áp đặt tham vọng của nước này với khu vực. Bắc Kinh không đưa ra được căn cứ pháp lý phù hợp nào cho cái gọi là ‘Đường 9 đoạn’ trên Biển Đông kể từ năm 2009”, ông Pompeo nói.
Trong số các nội dung phán quyết của Toà trọng tài PCA, Ngoại trưởng Pompeo nói Mỹ ủng hộ phán quyết rằng Trung Quốc không thể tự tuyên bố chủ quyền hợp pháp với những khu vực mà toà đã phân xử là thuộc về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Philippines, bao gồm khu vực quanh bãi cạn Scarborough.
Bất kỳ hành động quấy rối việc đánh bắt của ngư dân hay cản trở phát triển năng lượng ở khu vực này, hoặc cả hành vi tự ý khai thác của Trung Quốc ở đây, là phi pháp.
Phản bác từng điểm yêu sách của Bắc Kinh
Ngoại trưởng Pompeo nói Mỹ ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với bãi Cỏ Mây và đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa) là phi pháp.
Do Bắc Kinh không thể đưa ra cơ sở hợp pháp cho các tuyên bố chủ quyền của nước này, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Bởi vì Trung Quốc không thể đưa ra cơ sở hợp pháp nào cho yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, Ngoại trưởng Pompeo nói Mỹ bác bỏ bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi đá Luconia ngoài khơi Malaysia, các vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Brunei, và vùng biển quanh đảo Natuna Besar của Indonesia.
Ngoại trưởng Pompeo cũng ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài rằng Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với bãi cạn James, bãi ngầm cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Trong các chiến dịch tuyên truyền sai lệch của mình, Bắc Kinh thường gọi bãi này là “lãnh thổ cực nam”.
Tàu sân bay USS Nimitz vào cảng ở Seoul, Hàn Quốc năm 2013. Ảnh: AP. |
“Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với những tài nguyên xa bờ, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ chiếu theo luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định ở cuối tuyên bố.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra trong bối cảnh các tàu sân bay Mỹ đang tập trận ở Biển Đông.
Ông Greg Polling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nói trên đài NPR rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo thể hiện “Mỹ có thể trung lập trong tranh chấp tại các đảo, nhưng chúng ta không trung lập đối với tình hình vùng biển”.
Theo ông Polling, nếu Mỹ kêu gọi được sự ủng hộ quốc tế đối với lập trường của mình, điều đó sẽ đẩy Trung Quốc vào thế khó xử.
“Bắc Kinh muốn là lãnh đạo toàn cầu. Nhưng anh không thể là lãnh đạo nếu mọi người đều nghĩ anh đang vi phạm luật quốc tế và bắt nạt hàng xóm”, ông nói.