Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, đã điều động tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng các tàu hộ tống làm nhiệm vụ trên Biển Đông và biển Philippines. Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ tập trận trong những ngày tới. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tiêm kích F/A-18 chuẩn bị cất cánh trên boong tàu sân bay Reagan ở biển Philippines. Trung úy Joe Jeiley, phát ngôn viên Hạm đội 7, cho biết hoạt động trên Biển Đông cung cấp cơ hội huấn luyện nâng cao cho hạm đội, đáp ứng các tính huống phức tạp trong khu vực. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Sự hiện diện của hai tàu sân bay không đối phó với bất kỳ sự kiện chính trị nào trên thế giới. Khả năng tiên tiến này là một trong những cách mà Hải quân Mỹ thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", phát ngôn viên Jeily nói. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Cuộc tập trận của hai tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng nó được thúc đẩy bởi các cuộc tập trận liên tục của hải quân Trung Quốc trong khu vực mà Mỹ và các nước khác đã lên tiếng chỉ trích. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Mỹ đồng ý với các đối tác Đông Nam Á rằng cuộc tập trận của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp là rất khiêu khích. Chúng tôi phản đối yêu sách phi lý của Bắc Kinh", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tweet hôm 3/7. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Asheville (SSN 758), lớp Los Angeles bên cạnh tàu chỉ huy USS Blue Ridge (LCC 19) trên biển Philippines. Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết cuộc tập trận sắp tới của 2 tàu sân bay sẽ cách xa các địa điểm đang tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tiêm kích F/A-18E Super Hornet chuẩn bị hạ cánh trên tàu sân bay Reagan. Trong một tuyên bố hôm 2/7, Lầu Năm Góc nói các cuộc tập trận của Trung Quốc là hành động mới nhất trong chuỗi các hành động đẩy yêu sách phi lý, gây bất ổn và bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tiêm kích F/A-18 hạ cánh sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Sự xuất hiện cùng lúc của hai tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông là một phản ứng mạnh mẽ của Washington đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tiêm kích F/A-18 cất cánh trên tàu sân bay Nimitz. Thời gian gần đây, Hải quân Mỹ tăng cường phô trương sức mạnh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung tuần tháng trước, 3 tàu sân bay Mỹ cùng lúc tuần tra Thái Bình Dương, lần gần nhất họ làm điều này là vào năm 2017. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Một kỹ thuật viên đang đẩy động cơ tiêm kích F/A-18 trên tàu sân bay Nimitz đi bảo trì. Rất hiếm khi các cuộc tập trận lớn của Mỹ và Trung Quốc diễn ra cùng lúc trên một khu vực. Hôm 1/7, hải quân Trung Quốc bắt đầu tập trận trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1974. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Mục đích là nhằm phát đi tín hiệu rõ ràng tới các đối tác và đồng minh, rằng chúng tôi cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực", Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, tuyên bố. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tàu sân bay Nimitz tiếp nhiên liệu hàng không từ tàu hậu cần trên biển Philippines. Chuẩn đô đốc Wikoff không tiết lộ khu vực cụ thể nơi hai tàu sân bay của Mỹ tiến hành tập trận. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Ông Wikoff nói cuộc tập trận không nhằm đáp trả trực tiếp cuộc tập trận của Trung Quốc, tuy nhiên việc Bắc Kinh ngày càng hung hăng tại Biển Đông là lý do cho sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại khu vực. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Các thủy thủ chuẩn bị tiếp nhiên liệu cho máy bay trên boong tàu sân bay Nimitz. Khi được hỏi về lo ngại khi tổ chức cuộc tập trận tại khu vực trùng với thời gian cuộc tập trận của Trung Quốc, Chuẩn đô đốc Wikoff cho biết "mong đợi tất cả quốc gia hành xử và phản ứng chuyên nghiệp trên biển". Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Cuộc tập trận của hai tàu sân bay Mỹ phát đi tín hiệu rằng Hải quân Mỹ đã trở lại sau thời gian gián đoạn vì Covid-19. Lần gần nhất hai tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông là vào năm 2014. Ảnh: Hải quân Mỹ. |