- Tối 27/9, tâm bão Noru áp sát ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ phía đông. Trong đêm, bão tiếp tục di chuyển gần như thẳng hướng tây, vận tốc 20 km/h vào khu vực này.
- Mưa to, gió lớn lớn xuất hiện ở nhiều nơi. Các tuyến đường qua khu vực bão đổ bộ bị cấm.
- Noru được nhận định là cơn bão lớn nhất trong vòng 20 năm qua.
-
Người dân xuống hầm tránh bão
Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, nhiều người dân ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã xuống hầm trú ẩn để tránh bão.
Bà Nguyễn Thị Hiếu (83 tuổi, trú xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) nói đây là lần thứ 2 bà cùng người thân đến hầm ký túc xá trú bão. "Nghe tin bão lớn, các con mang bao cát, thép buộc, giằng chống nhà cửa rồi đưa tôi lên đây trú. Mong sao bão không vào, đỡ phần thiệt hại cho người dân", bà nói.
Ảnh: Phạm Trường.
-
Bão gây mưa lớn 300-400 mm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng bão số 4 có thể gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum với lượng phổ biến 300-400 mm. Mưa bắt đầu từ chiều 27 và kéo dài đến ngày 28/9.
Chuyên gia cảnh báo thời gian có gió bão mạnh nhất trên đất liền là từ đêm nay (27/9) đến trưa 28/9. Thời điểm bão đổ bộ, người dân được khuyến cáo không ra đường, ở nơi an toàn tránh trú cho đến khi bão tan.
Trong ảnh, người dân ở Đà Nẵng chằng chống nhà cửa, hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Lốc xoáy ở Quảng Trị
Ông Trần Văn Hòa, một người dân gần chợ Cửa Việt (Quảng Trị), cho biết có một trận lốc xoáy xảy ra lúc hơn 15h15 chiều 27/9 và kéo dài khoảng 15 phút. Hiện lực lượng chức năng thị trấn Cửa Việt đã đến hiện trường hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Hình ảnh ghi nhận được cho thấy trận lốc đã khiến nhà dân bị bay nóc, các khung sắt chằng chống nhà bị sập. Ảnh: Đoàn Văn Thuận.
-
Sau trận lốc, cơ quan chức năng huyện Gio Linh đang thống kê thiệt hại. Hiện trường cho thấy nhiều nhà dân, chợ ở Cửa Việt bị tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, xung quanh ghi nhận tình trạng cây cối gãy đổ.
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết đến thời điểm hiện tại, thị trấn Cửa Việt có 180 hàng quán, ki-ốt, 120 nhà bị sập, tốc mái, 3 người bị thương, trong đó có một người bị thương tương đối nặng. Hiện, lực lượng chức năng đang hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.
Ảnh: Đoàn Văn Thuận.
-
Bão vào đất liền với sức gió mạnh nhất 149 km/h
Trong bản tin cảnh báo bão lúc 17h ngày 27/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tối và đêm nay, bão Noru giữ vận tốc 20-25 km/h và đi theo hướng tây, tiến vào đất liền các tỉnh, thành phố Trung Trung Bộ. Lúc 4h sáng 27/9, tâm bão nằm trên đất liền khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149 km/h), giật cấp 15.
Hình ảnh vệ tinh bão lúc 17h cho thấy đĩa mây đã ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền Trung Trung Bộ. Ảnh: Windy.
-
Quảng Ngãi ghi nhận sóng cao 3-5 m
17h30 chiều 27/9, nhiều khu vực ở Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa to, gió lớn. Riêng huyện đảo Lý Sơn, gió duy trì cấp 8, giật cấp 11 suốt 2 giờ qua. Dọc các vùng biển gần bờ huyện Bình Sơn đã có sóng cao 3-5 m.
Ảnh: Minh Hoàng.
-
Hàng nghìn người dân Bình Định vào trường học, trụ sở xã tránh bão
Tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cơ quan chức năng đã hoàn tất di dời dân ở những nơi xung yếu đến chỗ tránh trú an toàn.
"Hàng nghìn người dân đã vào tránh trú ở trường học, trụ sở UBND xã. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lương thực, cũng như giúp dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ", đại diện Ban Chỉ huy quân sự xã Hoài Hải cho biết.
Ảnh: Xuân Hoát.
-
Đà Nẵng bắt đầu ghi nhận gió mạnh
Tại Đà Nẵng, từ 17h chiều nay bắt đầu mưa lớn, khu vực ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn gió thổi liên hồi. Theo yêu cầu của nhà chức trách, người dân không còn lưu thông trên các tuyến đường vào chiều tối nay.
“Những đợt mưa kèm theo gió lớn tạt vào cửa sổ liên tục. Chúng tôi có cảm giác bão đang tiến gần đất liền”, chị Châu, trú ở một chung cư thuộc phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), chia sẻ.
Đại tá Hồ Sĩ Hậu, Phó chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, đơn vị đã điều động phương tiện và lực lượng hướng dẫn, đưa ngư dân rời tàu trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng thành phố cũng đã thành lập Trung đội cơ động gồm 50 cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Chính quyền các địa phương ở Đà Nẵng di dời dân đến nơi an toàn. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Phó thủ tướng chỉ đạo chống bão tại Quảng Trị
Chiều 27/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến Quảng Trị kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4. Trong hình là cảnh khu chợ ở thị trấn Cửa Việt bị lốc cuốn qua gây tốc mái, sập tường, tạo nên cảnh tan hoang. Ảnh: Đức Tuân.
-
Cuối giờ chiều 27/9, chính quyền phường Thuận An (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đã đưa các hộ dân ở khu vực nguy hiểm vào các trường học, nhà văn hóa để tránh bão.
Tại trường THCS Thuận An, hơn 200 người dân đến trú. "Nghe tin bão mạnh, gia đình ai cũng sợ. Được sự vận động của chính quyền, chúng tôi đã đến trường học để an toàn hơn", Bà Ngô Thị Con (74 tuổi) chia sẻ.
Ảnh: Điền Quang.
-
Quảng Nam cấm tất cả phương tiện ra đường
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu người dân từ 18h ngày 27/9 không ra đường và cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường.
Trong khi đó, khoảng 500 người dân đang tránh trú bão Noru tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam được bố trí các suất ăn uống và chỗ ngủ. Chị Lê Thị Nữ (ở thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ), cho biết nhà chị có 5 người đi tránh bão và đây là lần đầu tiên cả nhà nghe tin bão lớn đến vậy.
Ảnh: Thanh Đức.
-
Quảng Nam bắt đầu mưa lớn
17h30, nhiều khu vực ở huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ (Quảng Nam) có mưa lớn, gió nhẹ từng đợt. Người dân địa phương chốt cửa, chằng buộc chắc chắn và hạn chế ra đường trước giờ bão Noru đổ bộ. Hiện, chỉ còn một số cửa hàng ăn uống, vật dụng còn mở cửa.
Một số vị trí trên tuyến quốc lộ 1 qua huyện Núi Thành và đường Phan Châu Trinh (TP Tam Kỳ) bị ngập, phương tiện qua lại gặp khó khăn.
Ảnh: Phạm Trường - Thanh Đức.
-
CSCĐ giúp dân chằng chống nhà cửa
Chiều 27/9, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động gồm Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ, tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 đóng quân trên các tỉnh miền Trung gồm Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, ra quân giúp người dân chằng chống nhà cửa di dời tài sản đến nơi tránh trú an toàn.
Đơn vị vừa ứng trực sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ, vừa hỗ trợ khắc phục hậu quả trong và sau khi bão đổ bộ.
Ảnh: Trần Nam - Nguyễn Hằng.
-
9 người dân Quảng Nam bị thương khi gia cố nhà
Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) Trần Úc cho biết địa phương ghi nhận 9 người dân bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa để chống bão Noru.
Theo đó, các nạn nhân bị ngã, cây đè gây chấn thương nhưng rất may không nguy hiểm tới tính mạng. “Các trường hợp này nằm rải rác trên địa bàn, không phải gặp nạn ở cùng một nơi”, vị này nói với Zing.
Cũng theo Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, lúc 17h ngày 27/9, khu vực này đã bắt đầu có mưa và nổi gió.
-
Cấm xe vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ 22h ngày 27/9
Thông tin với Zing lúc 17h30, thượng tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, Đắk Lắk, Khánh Hòa đã sẵn sàng bố trí lực lượng túc trực trên trục quốc lộ.
Dự kiến từ 22h tối 27/9, CSGT chốt chặn, hướng dẫn các lái xe đường dài tìm nơi dừng nghỉ, không cho đi vào khu vực tâm bão, chờ bão qua mới tiếp tục di chuyển.
Cũng từ thời điểm trên sẽ cấm xe lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nguyên nhân là tuyến cao tốc này không có khu vực đảm bảo an toàn để dừng, đỗ tránh trú.
Ảnh: Hồng Quang.
-
Quân đội huy động trực thăng, xe đặc chủng chống bão
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho biết đã huy động 53.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 108 xe đặc chủng, xe lội nước tham gia chống bão. Ngoài ra, gần 1.400 ôtô, 715 xuồng máy và một trực thăng cùng 5 xe thiết giáp của Lữ đoàn T-TG 574 sẵn sàng đợi lệnh chỉ huy để cơ động ứng phó bão số 4.
Người dân Đà Nẵng trú bão ở các tòa nhà cao kiên cố, trường học. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Đường phố Quảng Ngãi không một bóng người
18h ngày 27/9, mưa tuôn xối xả, gió rít liên hồi, đường phố Quảng Ngãi vắng tanh không bóng người.
Địa phương này đã sơ tán gần 95.000 dân đến các điểm trường học, trụ sở cơ quan, khu ký túc xá... để tránh bão Noru. Tỉnh cũng ban hành lệnh cấm người dân huyện đảo Lý Sơn ra đường từ trưa nay. Trên địa bàn toàn tỉnh, mọi người được khuyến cáo hạn chế ra đường.
Hàng chục nghìn người dân Quảng Ngãi đã được sơ tán đến các trường học, trụ sở cơ quan, khu ký túc xá tránh bão số 4. Ảnh: Minh Hoàng.
-
55 tàu cá tránh trú bão ở quần đảo Trường Sa
Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tàu thuyền ngư dân đã được hướng dẫn vào âu tàu trên các đào neo đậu an toàn.
Theo Hải đoàn 129, đến sáng 27/9, tình hình thời tiết tại quần đảo Trường Sa tiếp tục diễn biến phức tạp, độ cao sóng 3,5-5 m, gió giật cấp 8, cấp 9. Các âu tàu, làng chài tiếp tục đón các tàu cá ngư dân vào tránh trú bão.
2 âu tàu (đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn) và 2 làng chài (đảo Núi Le, đảo Tốc Tan) đã sắp xếp cho 55 lượt tàu cá ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.
-
Nhiều cây xanh ở Đà Nẵng gãy đổ trước bão
Tại Đà Nẵng, gió đang mạnh dần, nhiều cây xanh đã ngã đổ. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Bình Định yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 21h ngày 27/9
Chiều 27/9, Bình Định ra quyết định cho cán bộ công chức nghỉ làm việc ngày 28/9 (trừ các bộ phận được phân công phòng, chống bão số 4 và lực lượng khác do thủ trưởng cơ quan quyết định).
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà kể từ 21h ngày 27/9 cho đến khi hết bão.
-
Quảng Ngãi yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h tối 27/9
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu người dân nếu không có việc cấp thiết thì tuyệt đối không ra khỏi nhà, cũng như không được rời khỏi nơi trú tránh bão để quay về nhà kể từ 20h tối nay đến khi có thông báo mới.
Cơ quan chức năng khẩn trương sơ tán, di dời dân những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, trũng thấp, đặc biệt là ở các khu vực sát bờ biển, trên các lồng bè thủy sản, tàu thuyền đến nơi tránh trú bão an toàn (dự báo sóng biển có thể cao 6-8 m); sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không đảm bảo an toàn, đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết.
Sở Chỉ huy chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực hỗ trợ người dân ứng phó với bão số 4 tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Phương.
-
Đê biển bị sóng đánh thì ứng cứu thế nào?
Sau khi đi kiểm tra việc phòng chống bão số 4 trên một số địa bàn của tỉnh Quảng Trị, tối 27/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh.
“Chỉ còn mấy tiếng nữa bão sẽ đổ bộ vào đất liền, thời gian rất quý. Do đó, cần nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời phát sinh do cơn bão gây ra”, Phó thủ tướng mở đầu cuộc họp.
Dù bão chưa vào, ông cho biết lốc xoáy ở Quảng Trị đã làm 100 ngôi nhà tốc mái, 3 người bị thương.
Nhiệm vụ đầu tiên được Phó thủ tướng quán triệt là lo sơ tán và bố trí chỗ ăn ở cho người dân. Tiếp đó, cần bảo vệ các công trình trọng điểm, quan trọng như hồ đập, đê điều, đường sá, bệnh viện, hệ thống điện…
Phó thủ tướng cũng đồng thời đề nghị các địa phương báo cáo về việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ứng cứu trường hợp bị chia cắt. “Có thể xảy ra tình huống chưa lường hết như đê biển bị sóng đánh thì ứng cứu như thế nào”, Phó thủ tướng nêu vấn đề.
-
300 người ở đảo Cồn Cỏ trú ẩn trong hầm
Ông Võ Viết Cường, Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị cho biết tại đảo có mưa to, gió mạnh cấp 6-7. Từ 17h chiều nay, lực lượng chức năng đã đưa khoảng 300 người dân, công nhân lao động vào trú ở hầm trú ẩn. Địa phương đã chủ động chằng chống nhà cửa nên chưa có thiệt hại.
Người dân được di dời đến nơi trú ẩn tránh bão. Ảnh: Xuân Đương.
-
Quảng Ngãi bắt đầu có gió mạnh cấp 10
Theo cập nhật lúc 19h tối 27/9, tâm bão Noru cách Đà Nẵng khoảng 186 km, Quảng Nam khoảng 170 km, Quảng Ngãi khoảng 147 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13-14 (134-166 km/h), giật cấp 16. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với vận tốc 20 km/h.
Với bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão và bán kính gió mạnh từ cấp 10 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão, hiện, Đà Nẵng và Quảng Nam có thể ghi nhận gió mạnh cấp 6, giật từ cấp 8; trong khi Quảng Ngãi có thể bắt đầu có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 trở lên.
Hiện, đảo Lý Sơn quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió cấp 6, giật cấp 8. Từ 7h đến 18h ngày 27/9, một số nơi có mưa rất to trên 130 mm như: Vĩnh Kim (Quảng Trị) 215 mm, Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 152 mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 115 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 141 mm.
Hình ảnh vệ tinh bão Noru lúc 19h tối 27/9. Ảnh: NCHMF.
-
253.000 người dân đã được sơ tán an toàn
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến tối 27/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định đã sơ tán hơn 81.000 hộ dân tương ứng trên 253.000 người đến nơi an toàn.
8 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Một số địa phương cũng cho cán bộ, công nhân viên nghỉ làm ngày 27-28/9.
Hiện, gần 4.800 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú.
Người dân ở Bình Định được sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: Xuân Hoát.
-
20h35, TP Huế có mưa nặng hạt kèm theo gió cấp 5-6. Các tuyến đường ở trung tâm thành phố thưa thớt người qua lại. Nhiều ngân hàng đã khóa quầy ATM nhằm bảo đảm an toàn trong lúc bão đổ bộ.
Ảnh chụp tại cầu Trường Tiền tối 27/9, trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Điền Quang.
-
Tối 27/9, hàng chục người dân tập trung tại cầu thang ở khu trú bão thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam xem bóng đá. Ông Phạm Tình, người dân xã Tam Thanh, cho biết bản thân ông rất xúc động khi được chính quyền quan tâm. Ông cũng bất ngờ khi bộ đội trang bị tivi để ông và mọi người được xem bóng đá giải trí.
Ảnh: Thanh Đức.
-
Nhiều khách sạn vùng tâm bão mở miễn phí cho người dân tránh trú
Trao đổi với Zing, Nguyễn Sơn Tùng (chủ khách sạn tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết khách sạn của anh có 28 phòng và sẽ miễn phí tiền phòng, ăn uống trong hai ngày 27 và 28/9 cho khách bị kẹt lại Đà Nẵng. Không chỉ vậy, khách đã đặt lịch từ trước không may đúng đợt bão cũng sẽ không phải trả chi phí tương tự.
Ngoài ra, do còn dư khoảng 18 phòng trống, anh Tùng mở cửa đón người dân xung quanh đến ở miễn phí. Chủ khách sạn này dự kiến hỗ trợ bữa ăn và bữa tối ngày 28/9 cho những ai ở lại.
Anh Sơn Tùng cho người dân chỗ ở trú bão miễn phí trong khách sạn của mình. Ảnh: NVCC.
-
Hỗ trợ bữa ăn cho người dân phải sơ tán
Người dân ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam, được đưa đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tránh trú trước khi bão Noru đổ bộ.
"Tôi ở nhà cấp 4 và gần biển cũng lo sợ và theo lệnh sơ tán lên đây tránh bão. Tại đây, chúng tôi được ăn uống đảm bảo, cán bộ nấu ăn ngon quá", bà Tăng Thị Ngạt (51 tuổi, ở thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh) nói.
Ảnh: Thanh Đức.
-
Bão Noru đạt sức gió 195 km/h khi tiến sát đất liền
Theo trang zoom.earth, lúc 19h ngày 27/9, bão Noru có sức gió 195 km/h (cấp 16). Đến tận 7h sáng ngày 28/9, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm vẫn còn ở mức 165 km/h (cấp 14).
Theo số liệu đo đạc được, cơn bão đạt sức gió cực đại lên tới 240 km/h lúc 7h sáng 27/9.
-
Đà Nẵng mưa xối xả
Đến 20h30, tại Đà Nẵng những cơn gió thổi mạnh, mưa xối xả. Chị Hà, sống tại tầng 5 chung cư gần biển (quận Sơn Trà) cho biết gió rít từng cơn. “Mưa kèm gió thi thổi đập mạnh vào cánh cửa sổ. Ở trong phòng, chúng tôi cảm thấy bão đã đến đất liền”, chị Hà thông tin.
Trong khi đó, nhà chức trách đã đóng cầu Thuận Phước (vì gần cửa biển) để không cho người và phương tiện lưu thông. Ở dưới sông Hàn, nhiều ngư dân vẫn ở lại trên thuyền, chưa chịu lên bờ theo yêu cầu của nhà chức trách.
Trước tình hình đó, Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Thủy đoàn, Bộ đội biên phòng, Công an quận Ngũ Hành Sơn tổ chức xuống từng tàu, thuyền vận động đưa người dân lên bờ trú tránh. Trên các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng rất ít người di chuyển. Tại một số tuyến đường đã xuất hiện cây xanh ngã đổ.
Công an Đà Nẵng vận động ngư dân dưới tàu lên bờ trú bão. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Hội An ngập sâu do mưa lớn
Lúc 21h30, sau nhiều giờ mưa lớn liên tục, nhiều tuyến đường tại TP Hội An bị ngập. Đường Trần Hưng Đạo có đoạn ngập hơn nửa mét, phương tiện di chuyển khó khăn.
Ảnh: Duy Hiệu.
-
Người dân Đà Nẵng chạy vào trạm CSGT trú bão
Đến 21h30, gió rít liên hồi ở Đà Nẵng khiến nhiều người lo lắng. Nhiều hồ dân sinh sống ở vùng trũng thấp của quận Liên Chiểu đã di chuyển tới trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hoà Hiệp tránh bão. Cán bộ, chiến sĩ CSGT của trạm đã sắp xếp giường chiếu, chăn và phát sữa, đồ ăn nhanh cho người dân.
Tại quận Hải Châu, gió lớn đã khiến một số cây xanh trên đường bị gãy đổ, cản trở giao thông. Lực lượng CSGT Công an quận Hải Châu đang cử hàng chục chiến sĩ phối hợp với Công ty cây xanh cưa cây, dọn cây chắn ngang đường đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn trong bão được kịp thời.
CSGT phát sữa cho người dân ở Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Đảo Lý Sơn hứng gió giật cấp 11 liên tục 5 giờ qua
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hứng gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 liên tục 5 giờ qua. Đây là khu vực được nhận định chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão Noru khi sức gió mạnh nhất có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15 ở thời điểm bão đổ bộ.
Hình ảnh ghi nhận tại huyện đảo Lý Sơn lúc 21h30 tối 27/9. Ảnh: Địa phương cung cấp.
-
Hội An mưa lớn nhưng không có gió
Mặc dù rìa phía tây của cơn bão đã lấn sâu vào đất liền, khu vực phố cổ Hội An vẫn yên ắng. Trời mưa lớn nhưng không có gió. Người dân vẫn ra đường lúc 21h.
Dù vậy, chuyên gia cảnh báo từ đêm nay (27/9) đến sáng 28/9 là thời điểm bão ảnh hưởng mạnh nhất tới đất liền. Người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà, tìm nơi an toàn để tránh trú.
Ảnh: Duy Hiệu.
-
Đường phố Tam Kỳ trước giờ bão Noru đổ bộ
-
Nhiều tuyến đường lớn bị cấm
Trao đổi với Zing lúc 22h30, lãnh đạo Cục CSGT cho biết lực lượng CSGT từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã sẵn sàng vào vị trí. Cảnh sát sẽ yêu cầu phương tiện giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ tại hai đầu Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn, trừ phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe phòng chống lụt bão, xe công vụ…
Dự kiến, các tuyến đường sẽ bị cấm là: quốc lộ 1, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… từ 22h đêm nay theo dọc tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và từ các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.
Ảnh: Cục CSGT.
-
Tâm bão vào vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 22h, đảo Lý Sơn quan trắc được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 9; Huế có gió giật cấp 6; Đà Nẵng có gió giật cấp 7; Quy Nhơn và Tuy Hoà có gió giật cấp 6.
Lượng mưa tính từ 7h đến 22h ngày 27/9 có nơi trên 220 mm như: Hồ Thuỷ Yên (Thừa Thiên - Huế) 276,4 mm, Hoà Bắc (Đà Nẵng) 230,6 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 243,6 mm,…
Lúc 22h, tâm bão nằm trên vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất cấp 13 (134-149 km/h), giật cấp 15. Trong 3 giờ tới, bão đi theo hướng tây với vận tốc 20 km/h. Dự kiến rạng sáng 28/9, bão đổ bộ đất liền từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 14.
-
Hội An có gió giật mạnh
0h30 ngày 28/9, bão Noru vào đất liền, khu vực Hội An (Quảng Nam) có gió giật mạnh, mưa to hơn. Ảnh: Duy Hiệu.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.