Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bài học từ việc dùng ngân sách công xây cao tốc Bắc - Nam

Sau 3-4 năm loay hoay lựa chọn phương thức đầu tư, cao tốc Bắc - Nam vẫn phải quay về với đầu tư công. Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần rút kinh nghiệm trong thu hút đầu tư PPP.

xay cao toc Bac - Nam anh 1

Đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía đông bằng vốn đầu tư công là một trong những nội dung quan trọng sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp bất thường đầu năm 2022.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Song 3-4 năm qua, dự án vẫn loay hoay quanh việc lựa chọn phương thức đầu tư, và cuối cùng phải quay về với đầu tư công.

Tìm cách gỡ vướng

Theo tính toán sơ bộ của Chính phủ, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ gần 147.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí hơn 119.000 tỷ đồng, còn hơn 27.000 tỷ cho giai đoạn 2026-2030.

Với hơn 47.000 tỷ đã được bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung 72.497 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc - Nam và số tiền này được Chính phủ kiến nghị cân đối từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn nhận việc mất một thời gian dài loay hoay chuyển đổi phương thức đầu tư với các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam nhưng cuối cùng vẫn quay về đề xuất đầu tư công, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cho rằng việc thực hiện chủ trương, kế hoạch về huy động nguồn vốn kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân trong dự án này đã không thành công.

xay cao toc Bac - Nam anh 2

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ảnh: Thuận Thắng.

Theo ông, đã có Luật PPP vẫn không huy động được nguồn lực là điều cần suy nghĩ, vì chắc chắn có vướng mắc về cơ chế khiến nhà đầu tư không thực hiện được mong muốn đầu tư.

“Trường hợp không thể kêu gọi được PPP thì đương nhiên Chính phủ phải bỏ tiền đầu tư, nhưng tôi cho rằng đó chỉ nên là giải pháp cuối cùng”, ông Cường nêu quan điểm.

Trường hợp không thể kêu gọi được PPP, Chính phủ phải bỏ tiền đầu tư, nhưng đó chỉ nên là giải pháp cuối cùng.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch như hiện nay rất cần có thêm nguồn vốn phục hồi kinh tế. Số tiền này cần được đầu tư vào những dự án, lĩnh vực đang bị đình trệ do dịch gây ra hoặc những dự án có vai trò tháo nút thắt cho phục hồi kinh tế.

“Nếu trong chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ nêu rõ đầu tư vào tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ mở được nút thắt cho phục hồi kinh tế, thì đề xuất dùng nguồn lực phục hồi kinh tế làm cao tốc có thể chấp nhận được.

Trường hợp có nhiều dự án, chương trình khác cấp thiết hơn, cần cân nhắc để tính toán vì ngân sách lúc này rất khó khăn, hạn hẹp, phải huy động đầu tư tư nhân, ngân sách không có nhiều dư địa để chuyển các dự án không huy động được đầu tư tư nhân sang đầu tư công”, ông Cường phân tích.

Ông đề nghị Chính phủ phải tìm ra nguyên nhân vướng mắc để tháo gỡ, hỗ trợ tư nhân có thể tìm được nguồn lực đầu tư thay vì khoán trắng cho tư nhân tự bơi và “quay lưng” khi họ gặp khó khăn trong huy động vốn.

Nhà đầu tư không mặn mà, các kế hoạch bị “quay xe” liên tục

Còn đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (nguyên Chủ tịch VCCI) nhìn nhận kiến nghị của Chính phủ về việc dùng 72.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 là giải pháp đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông, chủ trương huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư để thực hiện phần lớn các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam rất đúng đắn, nhưng việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn do có rất nhiều điểm nghẽn chưa được khai thông.

xay cao toc Bac - Nam anh 3

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (nguyên Chủ tịch VCCI). Ảnh: Hoàng Hà.

“Muốn khai thông phải điều chỉnh các quy định, mất nhiều thời gian và sẽ làm cho mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII khó thành hiện thực”, ông Lộc ủng hộ dùng ngân sách đầu tư các dự án của cao tốc Bắc - Nam, nhưng “có phần tiếc nuối”.

Nếu đề xuất này được thông qua, theo ông Lộc, sẽ thúc đẩy ngay việc triển khai các dự án, Chính phủ có thể chủ động triển khai từ khâu thiết kế, lập dự án, tổ chức đấu thầu, thi công, xây lắp ngay. Còn nếu triển khai theo phương thức PPP sẽ phải qua khâu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và nhiều thủ tục hành chính phức tạp khác.

“Triển khai cao tốc Bắc - Nam càng sớm càng có cơ hội thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất vật liệu, vận tải, cung ứng vật tư thiết bị… và tạo được việc làm cho hàng vạn công nhân xây dựng, các cán bộ kỹ thuật đang mất việc do đại dịch Covid-19. Dự án có tác động lan tỏa, cải thiện được năng lực kết nối, lưu thông của nền kinh tế”, ông Lộc phân tích.

Tuy vậy, ông cho rằng đây cũng là thử thách và sức ép rất lớn cho Bộ GTVT.

Các nút thắt để thực hiện luật PPP chưa được gỡ nên nhà đầu tư rất khó có thể tham gia.

Đại biểu quốc hội Vũ Tiến Lộc.

Chủ trương của Chính phủ sau khi xây dựng xong 12 dự án từ vốn đầu tư công sẽ nhượng quyền thu phí cho tư nhân, theo ông Lộc, là áp dụng hình thức hợp đồng O&M - một dạng hợp đồng của PPP. Loại hình này đã được áp dụng phổ biến ở một số quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Trung Quốc...

Nhưng để áp dụng được ở Việt Nam rất cần nghiên cứu thêm, có các quy định minh bạch, rõ ràng để Nhà nước thực hiện được các cam kết và nhà đầu tư phải thực sự có năng lực. “Đây là chìa khóa quyết định thành bại của hợp tác đối tác công tư”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích luật PPP có hiệu lực từ 1/2021, song các nhà đầu tư tư nhân không mặn mà, làm cho các kế hoạch bị “quay xe” liên tục. “Đây là một thất bại của phương pháp làm luật hiện hành. Luật để điều chỉnh hành vi nhưng khi vận hành không phù hợp thì phải xem và điều chỉnh sớm, không nên chờ đợi theo thứ tự, quy trình”, ông Lộc nêu quan điểm.

Từ câu chuyện này, ông cho rằng điều quan trọng hơn cả là phải nghiên cứu thực tiễn kỹ hơn để đưa vào luật. Theo ông, các vướng mắc về sự bất bình đẳng giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư; các trở ngại về thị trường vốn, lãi vay; giải phóng mặt bằng; ứng dụng khoa học quản trị và công nghệ mới hay các xung đột pháp lý khi áp dụng luật PPP đều đã được đề đạt lên Chính phủ, các bộ ngành… nhưng rất tiếc là đã chưa được tiếp thu thỏa đáng, nên các nút thắt để thực hiện PPP chưa được tháo gỡ. Vì thế, nhà đầu tư rất khó có thể tham gia.

xay cao toc Bac - Nam anh 4

Nhà thầu thi công tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đồng thuận với đề xuất của Chính phủ trong việc dành vốn đầu tư công cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, song đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) cho rằng bên cạnh việc này phải chú trọng thêm những gói đầu tư công cho các công trình trọng điểm hoặc những vùng động lực có khả năng tăng thu ngân sách.

“2 năm qua, thu ngân sách của cả nước giảm hơn 150.000 tỷ so với năm 2019; đặc biệt, riêng đầu tàu động lực tăng trưởng như TP.HCM giảm 40.000 tỷ. Vì vậy, phải nghĩ đến việc đầu tư, tái tạo nguồn thu ngân sách trong tương lai để trả nợ”, ông Ngân nêu quan điểm.

Vị đại biểu kiến nghị tăng thêm khoản đầu tư công cho vùng Đông Nam Bộ - khu vực đóng góp 40% tổng thu ngân sách.

Thách thức khi đầu tư cao tốc Bắc - Nam bằng tiền ngân sách

Sau bài học từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, công tác quản lý 12 dự án cao tốc Bắc - Nam sắp tới sẽ là thách thức lớn với Chính phủ và Bộ GTVT.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm