Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 147.000 tỷ đồng để hoàn chỉnh cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ đề xuất đầu tư các đoạn cao tốc Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau từ năm 2021, cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đây là bước tiếp nối sau khi triển khai đầu tư 11 dự án thành phần trong giai đoạn 2017-2020.

Ở bước này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các đoạn tuyến còn lại của cao tốc Bắc - Nam gồm Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Mục tiêu là hoàn thiện mạch cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau với tổng chiều dài 2.063 km.

cao toc Bac Nam anh 1

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía đông. Ảnh: Phạm Ngôn.

Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729 km. Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80-120 km/h.

Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 5.481 ha, trong đó đất dân cư khoảng 502 ha. Số hộ bị ảnh hưởng là gần 15.000, số hộ tái định cư gần 12.000. Tổng mức đầu tư sơ bộ của 12 dự án theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng.

Để bảo đảm sớm hoàn thành dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần. Sau khi hoàn thành, các dự án sẽ được tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Theo tính toán sơ bộ, phương án thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trong 5 năm đầu có thể giúp thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng. Nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu) thì trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn Nhà nước và 10 năm là 30.000 tỷ đồng.

Về cấp triển khai thực hiện dự án, từ thực tiễn một số địa phương đã triển khai đầu tư cao tốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần.

Sau hơn 16 năm kể từ khi xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên (tuyến TP.HCM - Trung Lương), đến nay cả nước đã đưa vào khai thác 1.163 km cao tốc. Tốc độ xây dựng bình quân 74 km/năm, bằng 1,5% tốc độ phát triển cao tốc của Trung Quốc.

Chính phủ đánh giá giá kết quả trên chưa đáp ứng được mục tiêu “đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km đường cao tốc” theo Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Việc phân bổ đầu tư các tuyến cao tốc chưa hợp lý, chưa hài hòa giữa các vùng.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.

Các đoạn đã đưa vào khai thác gồm Hà Nội - Chi Lăng (Lạng Sơn), Hà Nội - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương.

Các dự án đầu tư gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Dây, cầu Mỹ Thuận 2.

Bộ Giao thông thúc tiến độ hoàn thành đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Chỉ còn hơn 2 tháng là đến dịp cao điểm Tết Nhâm Dần 2022, dự án sửa chữa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm