Gần 3 giờ tại buổi tọa đàm về chủ đề mở lại đường bay quốc tế do Báo Giao Thông tổ chức sáng 10/11, nhiều ý kiến đã đề cập đến tầm quan trọng của việc phải nối lại các chuyến bay thường lệ và những điều kiện để làm được việc này.
Hành khách được lợi gì từ chuyến bay thường lệ?
GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, cho biết việc khôi phục các đường bay thường lệ quốc tế là cần thiết. Điều này ngoài thể hiện sự hồi phục của ngành hàng không, còn cho thấy vị thế của Việt Nam về kiểm soát dịch, sẵn sàng cho sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.
Còn ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và phát triển của Vietnam Airlines, cho biết nếu chậm mở cửa thị trường quốc tế thì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng không, du lịch sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, khả năng phục hồi của thị trường cũng sẽ chậm hơn khi các nước trong khu vực mở cửa trước.
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Báo Giao Thông. |
Trả lời câu hỏi của Zing về những thuận lợi cho hành khách khi có chuyến bay thường lệ, Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không, cho biết thông thường chuyến bay giải cứu, charter sẽ có chi phí cao hơn và khách ít hơn.
Ông cho rằng khi mở chuyến bay thường lệ, chi phí sẽ giảm, hành khách sẽ có cơ hội mua vé giá rẻ hơn. Chuyến bay thường lệ có sự cạnh tranh, lựa chọn. Hành khách có thể mua vé sớm để hưởng giá vé rẻ.
Đại diện Vietnam Airlines cũng thừa nhận chi phí các chuyến bay giải cứu sẽ cao hơn thông thường do việc phải bay chuyển sân và chỉ khai thác được một chiều có khách.
"Đối với những chuyến bay giải cứu, chúng ta đang chở khách một chiều, dẫn tới chi phí trên một đầu ghế/khách tăng gấp đôi. Thời gian tới mở lại chuyến bay thường lệ sẽ có khách 2 chiều, thì giá vé chắc chắn sẽ thấp hơn", đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Suốt gần 2 năm qua, các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam đã phải trì hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong thời gian tạm dừng các chuyến bay thường lệ, người nước ngoài đến Việt Nam hoặc người Việt hồi hương chỉ có thể sử dụng các chuyến bay giải cứu, chuyến bay thuê chuyến (charter) hoặc chuyến bay trọn gói (combo).
Đây là những chuyến bay phải lên danh sách hành khách và mất nhiều thời gian chuẩn bị, phê duyệt nên giá vé đắt đỏ hơn chuyến bay thường lệ. Hành khách không thể chủ động đặt vé từ sớm.
Chấp nhận mua tour du lịch để hồi hương
Trong bối cảnh các chuyến bay thường lệ chưa được triển khai, số lượng chuyến bay hồi hương thì có hạn, nhiều người Việt muốn về nước đã phải lựa chọn các chuyến bay thí điểm cho khách du lịch quốc tế.
Phó cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết Bộ Ngoại giao ước tính nhu cầu của công dân về nước khoảng 200.000 người. Một số khách không thể chờ được các chuyến bay combo nên phải đi các chuyến bay du lịch và phải cách ly 7 ngày, sau đó mới được về.
"Nếu tạo điều kiện cho bà con là Việt kiều về nước trong dịp Tết Âm lịch sắp tới, con số có thể gấp đôi. Hay những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và thân nhân của họ muốn đến Việt Nam để thăm thân cũng không nhỏ", lãnh đạo Cục Hàng không nhận định.
Ở góc độ đơn vị khai thác, ông Nguyễn Quang Trung cũng khẳng định yêu cầu 7 ngày cách ly tập trung, cách ly tại nhà 7 ngày chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn thu hút khách du lịch thì phải thay đổi chính sách cách ly.
Về chính sách cách ly, đại diện Vietnam Airlines đề xuất bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát tốt, tỷ lệ dân cư đã tiêm vaccine cao, khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính trước và sau chuyến bay thì có thể cách ly hoặc cách ly một ngày.
Hãng hàng không mong muốn kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế sẽ mở rộng cho tất cả đối tượng khách có visa, hộ chiếu đầy đủ theo quy định, tức là không phân biệt khách hồi hương, khách chuyên gia, khách doanh nhân hay khách đến Việt Nam du lịch.
Ngày 5/11, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam. Hướng dẫn này nêu rõ trong giai đoạn đầu, hành khách buộc phải hoàn thành "chương trình du lịch", tức là phải cách ly 7 ngày tại khách sạn, điểm du lịch đặt trước.
5 địa phương được chỉ định đón khách du lịch quốc tế gồm TP Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Ngay trong tháng 11, đã có 2 chuyến bay đầu tiên đưa khách du lịch đến Cam Ranh (Khánh Hòa).
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Yêu cầu chung đối với hành khách đến Việt Nam là phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2; thực hiện sàng lọc y tế tại sân bay đến theo quy định; phải cài đặt và khai báo y tế trên ứng dụng kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn.
Dự kiến từ quý I/2022, Bộ GTVT sẽ tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam. Đối tượng hành khách có thể là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài.
Các đường bay được khôi phục trong giai đoạn này gồm Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Đức, Nga, Pháp, Anh, Australia (là các nước đã có độ phủ vaccine cao hơn Việt Nam) và các thị trường an toàn khác.
Bộ GTVT dự kiến tần suất bay là 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến tổng lượng hành khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12.000 người/tuần. Phép bay sẽ được cấp dựa theo năng lực tiếp nhận, cách ly của các địa phương.
Hành khách trong giai đoạn này phải tiêm đủ liều vaccine (hoặc đã khỏi Covid-19) và phải cách ly tập trung 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.