Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà trùm nội y từng mắc hội chứng baby blues sau sinh

“Tôi bị hội chứng baby blues - trạng thái khóc lóc và ủ rũ sau sinh. Đó là chuyện hoàn toàn bình thường…”, Michelle Mone kể trong cuốn tự truyện.

Bà trùm nội y Michelle Mone. Nguồn: wikifeet.

“Em muốn về nhà”, tôi nức nở.

“Em không thể về nhà được vì bây giờ em đã lấy chồng rồi”, Michael nhắc tôi.

Chàng trai tội nghiệp - tôi khóc lóc suốt cả đêm sau ngày cưới về việc tôi không muốn kết hôn. Trong đêm thứ hai, chúng tôi tới một khách sạn trên sân golf ở Turnberry và tôi khóc suốt thời gian ở đó. Chúng tôi đi nghỉ trăng mật ở Florida và tôi cũng không ngừng khóc. Michael rất ngọt ngào và luôn cố gắng an ủi tôi rằng mọi chuyện sẽ ổn, nhưng tôi đang có bầu, rất dễ xúc động và sợ hãi về cuộc sống mới của chúng tôi.

Một điều khiến tôi hạnh phúc là tôi sẽ không phải quay lại East End. Chúng tôi mua một căn hộ nhỏ xíu ở Shawlands với giá 38.000 bảng Anh ngay trước khi cưới. Căn nhà chỉ có một phòng ngủ, một phòng khách bé xíu và một gian bếp, nhưng điều quan trọng nhất là nó nằm ở một khu vực thượng lưu của Glasgow. Các ngôi nhà ở đó cổ kính và đồ sộ, giống như khu vực Michael sinh ra và lớn lên. Gần đó có một công viên xinh xắn, nơi bạn có thể đi dạo mà không lo bị cướp.

Chúng tôi chẳng có tiền bạc gì, vì thế khi chúng tôi đang đi nghỉ tuần trăng mật ở Florida, bố tôi buộc con lăn vào một cây gậy và sơn trần nhà cùng mọi bức tường từ trên chiếc xe lăn. Ông không bao giờ để cho sự tàn tật ngăn cản mình. Mẹ tôi may tất cả rèm cửa và khâu bộ đồ trải giường. Chúng tôi đã rất bất ngờ khi bước vào nhà.

Chúng tôi vừa ổn định được một thời gian thì Rebecca ra đời vào ngày 8/8/1992. Con bé nặng 3,7 kg, bụ bẫm với tóc màu đen nhánh. Bây giờ con bé giống hệt tôi, nhưng hồi đó trông nó chẳng có nét nào giống tôi cả. Mọi người thường nói đùa là chắc tôi đã bị trao nhầm con ở bệnh viện. Con bé là đứa trẻ tuyệt vời nhất, rất dễ tính, nhưng khi ấy tôi mới chỉ 20 tuổi, tôi không biết phải làm gì.

Tôi không cảm nhận được sự kết nối ngay lập tức. Tất nhiên tôi yêu con bé, nhưng tôi thấy bất lực và không biết phải giải quyết mọi việc như thế nào. Thế giới của tôi đã thay đổi. Michael đi làm ở công ty đầu tư lương hưu, còn tôi ở nhà một mình với con nhỏ và nghĩ, cuộc đời mình sẽ mãi như thế này sao? Tôi không thể chấp nhận điều đó được.

Tôi trở nên suy sụp. Có hôm tôi đờ đẫn nhìn chiếc xe đẩy của con và nghĩ tôi phải làm gì với con bé? Hôm khác tôi lại liên tục khóc và nói chuyện điện thoại hàng giờ với mẹ. Đó là lần đầu tiên tôi tìm đến đồ ăn làm nguồn an ủi.

Một hôm, Rebecca đang ngủ và tôi nghĩ, mình nên làm gì bây giờ? Tôi biết, tôi có thể đi mua đồ ăn. Vì thế tôi gọi chiếc pizza không thể lớn hơn từ cửa hàng đồ ăn Italy tên là Di Maggio’s ở đầu đường. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn: càng ăn nhiều, tôi càng béo và càng cảm thấy suy sụp. Tất cả bạn bè của tôi đều đang tới Ibiza, còn tôi thì đang đẩy xe nôi trẻ em trên đường tới Di Maggio’s.

Tôi bị hội chứng baby blues - trạng thái khóc lóc và ủ rũ sau sinh. Đó là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng lúc ấy tôi không biết mình bị làm sao và phải đối mặt với nó như thế nào. Cuối cùng, Michael bảo tôi phải gặp bác sĩ. Tôi không nói cho bố mẹ biết. Tôi thấy xấu hổ khi phải thừa nhận mình cần sự giúp đỡ. Tôi vẫn nhớ lúc ngồi trong phòng khám với Rebecca và cảm thấy thật cô đơn.

“Tôi không biết mình bị làm sao, tôi không thể ngừng khóc”, tôi thú nhận với bác sĩ. “Tôi không biết phải làm gì với con bé”. Tôi cảm nhận được nước mắt đang trào lên. “Tôi thấy mình không phải là một người mẹ tốt. Tôi không biết phải làm mẹ như thế nào”. Tôi òa khóc.

Bác sĩ bảo tôi bị trầm cảm sau sinh và cho tôi thuốc Prozac. Tôi không cảm thấy khá hơn ngay lập tức, nhưng tôi hết chứng trầm cảm sau khoảng 5-6 tháng. Tôi ngừng uống thuốc, giảm hơn chục cân và bắt đầu yêu thích việc làm mẹ.

Tôi nghĩ lần đầu tiên tôi cảm nhận được sợi dây gắn kết với Rebecca là khi con bé bị ốm do nhiễm trùng. Con bé bị sốt cao và tôi phải lập tức đưa con tới bệnh viện nhi Yorkhill. Tim tôi thắt lại vì lo lắng cho con gái. Ý nghĩ về việc có thể mất Rebecca khiến tôi nhận ra tôi yêu nó đến mức nào.

Đó là giây phút tôi nhận ra sự gắn kết. Tôi trưởng thành hơn một chút sau sự việc ấy. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc với Michael, một người cha tuyệt vời của Rebecca, và tôi nghĩ anh thích được làm người lao động chính - anh là chủ gia đình.

Khi bắt đầu cảm thấy khá hơn, tôi nhớ lại tại sao tôi muốn rời khỏi East End - tại sao chúng tôi phải khổ sở về tiền bạc chỉ để sống ở một khu vực tử tế hơn trong thành phố. Tôi không thể cứ ở nhà nuôi con, và tôi cũng không muốn như vậy. Mục tiêu của tôi là có việc làm và có lương. “Em biết là em không cần phải đi làm mà”, Michael cố dỗ dành tôi.

“Em rất muốn có việc làm, rất muốn học về kinh doanh và rất muốn làm cho một công ty lớn”, tôi nói với anh. Tôi đã kéo được mình ra khỏi nơi tối tăm, và bây giờ tôi muốn tỏa sáng.

Michelle Mone / Alpha Books - NXB Phụ nư

SÁCH HAY