Business Insider dẫn nguồn tin chính phủ Ba Lan cho biết, Warsaw sẽ mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, nhằm đối phó với kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga ở Kaliningrad.
Hiện tại, 5 nước khối NATO đang sử dụng hệ thống phòng không Patriot có thể bắn hạ tên lửa, máy bay và các vũ khí đường không khác. Nhưng không quốc gia nào có Patriot nằm gần Nga như Ba Lan và cũng không quá gần Kaliningrad, một khu vực vốn tập trung nhiều hệ thống tên lửa và thiết bị quân sự tiên tiến của Nga.
Ba Lan đang trong quá hình hội đàm kéo dài nhiều năm với các nhà thầu quốc phòng để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Nhưng kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander đến Kaliningrad vào năm 2019 dường như đã “trói tay” Warsaw.
Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz từng nói rằng: “Chúng ta cần có câu trả lời cho việc triển khai tên lửa, Iskander không chỉ có thể tấn công Ba Lan mà còn cả Đức”. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 6/9, ông Macierewicz tiết lộ, Ba Lan sẽ mua khoảng 8 khẩu đội tên lửa Patriot.
Tên lửa Patriot khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Defence Talk |
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan không tiết lộ về chi phí, nhưng giới phân tích nhận định hợp đồng mua Patriot có thể trị giá khoảng 5,6 tỷ USD. Ngoài ra, Ba Lan cũng xem xét mua các hệ thống khác như, hệ thống phòng không tầm trung mở rộng MEAD hợp tác giữa Mỹ và châu Âu, hay David Sling của Israel.
Tuy nhiên, 2 hệ thống trên vẫn đang trong giai đoạn phát triển, trong khi Ba Lan cần một giải pháp nhanh chóng hơn. Giới phân tích nhận định, kế hoạch mua tên lửa phòng không Patriot của Ba Lan sẽ làm phức tạp thêm cuộc chạy đua tên lửa giữa Nga và các nước NATO.
Phía Nga biện luận rằng, kế hoạch triển khai Iskander nhằm đối phó với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania, mà Moscow xem đó là mối đe dọa trực tiếp. Kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa Aegis trên mặt đất đã được triển khai trong nhiều năm. Các quan chức Mỹ và NATO biện hộ là để bảo vệ châu Âu trước mối đe dọa từ tên lửa của Iran.
Bản đồ khu vực bố trí hệ thống phòng không của Nga. Đồ họa: Viện Nghiên cứu Chiến tranh |
Nhưng Moscow bác lời giải thích đó. Dmitry Peskov, phát ngôn viên Tổng thống Nga từng nhấn mạnh rằng: “Ngay từ đầu, chúng tôi nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa là mối đe dọa đối với Nga. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp để duy trì an ninh của Nga ở mức độ cần thiết”.
Trong khi Nga than phiền NATO đang tìm cách thu hẹp không phận của họ, Moscow đã thiết lập hệ thống phòng thủ bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến kéo dài từ Syria đến biên giới Phần Lan.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh Kathleen Weinberger từng lập luận, việc Nga triển khai hệ thống phòng không S-400 đã tạo ra một “vùng cấm bay” đối với máy bay NATO trên các quốc gia Baltic, một phần đáng kể ở Ukraine, Biển Đen cũng như miền bắc Ba Lan, Syria và một bộ phận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống phòng không S-400 ở Nga, bán đảo Crimea, Syria cùng với mạng lưới phòng không ở Belarus và Armenia có thể cản trở khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh NATO. Các hệ thống phòng không này có thể ngăn chặn Không quân Mỹ bay vào các khu vực xung đột.