"Chủ tịch Tập là tay chơi bài đẳng cấp thế giới".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như vậy hôm 22/5 khi ông mô tả vai trò của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Đó là khúc dạo đầu cho việc ông Trump thông báo hủy bỏ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hai ngày sau đó.
Tổng thống Trump mô tả Chủ tịch Tập là "tay chơi bài đẳng cấp thế giới" khi nói đến vấn đề Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ sự không hài lòng đối với ông Tập Cận Bình trong một tweet. "Chuyện là gần đây biên giới càng ngày càng được nới lỏng và có nhiều thứ lọt qua", ông Trump nói, đề cập đến vùng biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Sự hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh nhằm ngăn chặn dòng hàng hóa và người qua biên giới Trung - Triều đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa ông Trump và ông Tập. Niềm tin đã khiến cả hai đồng ý rằng nếu Mỹ tấn công quân sự vào Triều Tiên, và chiến tranh nổ ra, việc này sẽ không dẫn đến đối đầu giữa hai cường quốc lớn của thế giới.
Dòng tweet của Trump là biểu hiện của sự khó chịu rằng nhận thức này đã bị phá vỡ.
Trung Quốc giành lại quyền kiểm soát
Việc Trung Quốc hợp tác với Mỹ kiểm soát chặt chẽ biên giới với Triều Tiên là một trong những nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Kim Jong Un quay sang đối thoại với Mỹ, sau một năm ông Kim và ông Trump liên tục buông ra những lời đe dọa, bao gồm tấn công quân sự.
Bắc Kinh đã chọn Đại sứ Mỹ Terry Branstad làm đối tác trong các cuộc đàm phán về Triều Tiên vì sự gần gũi giữa ông với Tổng thống Trump. Tháng 11/2017, chính phủ Trung Quốc đã mời ông Branstad đến châu tự trị Diên Biên thuộc tỉnh Cát Lâm để tận mắt quan sát vùng biên giới Trung - Triều.
Đó là chuyến đi thứ hai của ông Branstad đến vùng biên giới được xem tâm điểm trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, sau một chuyến đi vào tháng 9. Sau đó, ông cũng đã đến thăm thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh.
Bắc Kinh đã chọn Đại sứ Mỹ Terry Branstad (trái) làm đối tác trong các cuộc đàm phán về Triều Tiên vì sự gần gũi giữa ông với Tổng thống Trump. Ảnh: Getty. |
Việc đại sứ Mỹ thường xuyên đến vùng biên giới Trung - Triều đã không lọt khỏi tai mắt của các quan chức ở Bình Nhưỡng. Hồi tháng 2, ông Kim đã có hành động. Nhân thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, ông khởi xướng quá trình hòa hoãn với Seoul. Việc này cuối cùng dẫn đến lời đề nghị gặp gỡ tổng thống Mỹ.
Thế nhưng, quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đang diễn ra quá nhanh so với ý muốn của Trung Quốc. Ông Tập có thể lo ngại rằng ông Trump và ông Kim sẽ trở nên thân thiết đến mức Trung Quốc sẽ không có tiếng nói về tương lai của bán đảo Triều Tiên.
Ông Tập nhìn thấy một đoàn tàu đang di chuyển nhanh và quyết định cần phải hãm phanh. Cuối tháng 3, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mời ông Kim đến Bắc Kinh.
Sự hợp tác với Mỹ dọc biên giới Trung - Triều bắt đầu sụp đổ.
Các phóng viên từng đến vùng biên giới này đã nhìn thấy dòng người lao động Triều Tiên quay lại Trung Quốc và việc mua bán hàng hóa đang hồi phục. Bằng chứng là sự tăng giá bất động sản tại thành phố Đan Đông của Trung Quốc. Đây là đô thị nằm bên bờ sông Áp Lục được xem là biên giới tự nhiên với Triều Tiên. Điều tương tự có thể được nhìn thấy ở châu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên, nằm ở phía thượng nguồn dòng sông.
Cây cầu bắc qua sông Áp Lục, nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc và trung tâm công nghiệp Sinuiju của Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Không khó để tưởng tượng rằng Bộ Ngoại giao Mỹ, Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thông báo cho ông Trump về những diễn biến này. Dòng người di chuyển qua biên giới càng trở nên rõ ràng sau cuộc gặp thứ hai giữa ông Tập và ông Kim ở Đại Liên vào ngày 7-8/5.
Với ông Trump, bước đi của ông Tập là sự can thiệp không mong đợi. Ở đây, tổng thống Mỹ đang chờ đợi để trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chế ngự được ông Kim Jong Un và chủ tịch Trung Quốc đã "chiếm mất sân khấu". Nếu cuộc gặp ở Bắc Kinh là chưa đủ, ông Tập đầu tháng 5 đã mời ông Kim trở lại Trung Quốc, lần này là đến Đại Liên.
Tại thành phố cảng ở phía nam tỉnh Liêu Ninh, ông Tập nói với ông Kim rằng "quan hệ hữu nghị truyền thống" giữa Trung Quốc và Triều Tiên là "kho báu" của cả hai nước cũng như "sự lựa chọn đúng đắn" cho mỗi nước.
Một nguồn thạo tin về quan hệ Trung - Triều giải thích đây là dấu hiệu cho thấy dòng người và hàng hóa qua biên giới hai nước sẽ tiếp tục. "Đó là thông điệp hoàn toàn khác so với một năm trước", nguồn tin cho biết. Ông Tập cũng ủng hộ giải pháp phi hạt nhân hóa "từng bước và đồng bộ" theo ý Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Tập và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau hôm 7/5 tại Đại Liên. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Ai đã lên kịch bản cho Tập?
Chính trong khoảng thời gian này, nhân vật được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Tập, "ông trùm" chống tham nhũng tại Trung Quốc, Vương Kỳ Sơn, nổi lên như là người lĩnh xướng mới cho chính sách đối ngoại.
Sáng 15/5, một tuần sau sự kiện Đại Liên, ông Vương, người hiện là phó chủ tịch nước, tham dự cuộc họp đầu tiên của ủy ban trung ương về đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ủy ban này, kết quả của cuộc tái cấu trúc đảng và chính phủ mới đây, đóng vai trò là trung tâm chỉ huy trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Trong một động thái rất bất thường, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc giới thiệu ông Vương thứ ba sau ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Vương Hỗ Ninh và Hàn Chính, hai ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cấp bậc cao hơn phó chủ tịch nước, lại được đề cập sau ông Vương với tư cách là người dự họp, không phải là thành viên chính thức của ủy ban.
Hoàn toàn có thể kết luận rằng Vương Kỳ Sơn đang nắm vai trò chỉ huy về ngoại giao của Trung Quốc trên thực tế.
Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, cựu tướng "đả hổ diệt ruồi", được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Tập. Ảnh: Nikkei. |
Cuộc họp trên diễn ra cùng lúc Phó thủ tướng Lưu Hạc, một thân tín và cố vấn khác của ông Tập, lên đường sang Mỹ với nhiệm vụ giúp Bắc Kinh tránh chiến tranh thương mại với Washington.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên nóng hơn. Tháng trước, chính quyền Trump ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho tập đoàn nhà nước ZTE của Trung Quốc, nhà cung cấp thiết bị viễn thông và sản xuất điện thoại thông minh đang phát triển nhanh. Washington nói ZTE tái xuất khẩu bất hợp pháp công nghệ của Mỹ sang Iran và Triều Tiên, đi ngược các lệnh trừng phạt.
Trong khi ông Lưu là nhà đàm phán chính, thì ông Vương, chiến lược gia, nắm giữ mọi quyền lực. Ông Lưu chưa bao giờ dẫn đầu trong các cuộc đàm phán không tuân theo bất kỳ luật lệ nào.
Đối với ông Vương, vấn đề lớn hơn phải giải quyết là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Trump nhận thức rõ về một thỏa thuận mà những người khác có thể nhìn thấy hai vấn đề: cắt giảm thâm hụt thương mại lớn mà Mỹ đang chịu với Trung Quốc và thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Điều này buộc ông Tập phải suy nghĩ về thương mại với Mỹ và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên một cách song song, trong khi cố gắng đoán xem ông Trump có thể đang tính toán điều gì. Nó cũng mang lại nhiều quyền lực hơn cho ủy ban trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề đối ngoại.
Suy nghĩ của ông Vương Kỳ Sơn có thể đã ảnh hưởng đến cách mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sụp đổ vào tuần trước. Một ngày, một trợ lý của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói cuộc gặp Trump - Kim chắc chắn diễn ra đến 99,9%. Hôm 24/5 tại Washington, ông Trump tuyên bố hủy bỏ hội nghị. Song đến ngày 26/5, ông lại nói hội nghị có thể vẫn được tiến hành với thời gian, địa điểm như cũ.
Hôm 24/5, ông Vương đã tới St. Petersburg để tham dự một hội nghị kinh tế. Ở đó, ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Chủ tịch Tập đánh giá cao Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, và đó là lý do tại sao ông cử tôi tới đây với tư cách là đại diện của Trung Quốc", ông Vương nói, theo Điện Kremlin.
Lời lẽ của phó chủ tịch nước Trung Quốc cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa ông với Chủ tịch Tập. Cuộc trò chuyện xoay quanh bán đảo Triều Tiên.
Ông Vương Kỳ Sơn gặp Tổng thống Putin hôm 24/5 tại St. Petersburg. Ảnh: Xinhua. |
Tổng thống Putin sẽ đến Trung Quốc vào đầu tháng 6 để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Thanh Đảo. Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và 5 quốc gia Trung Á diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim dự kiến được tổ chức vào ngày 12/6. Ông Vương cũng là một nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nga.
Ở St. Petersburg, ông Vương nói cuộc gặp cấp cao giữa Washington và Bình Nhưỡng là "cần thiết" để đảm bảo an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Những phát biểu của ông Vương được chuẩn bị cẩn thận để tránh việc Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự sụp đổ của hội nghị thượng đỉnh. Miễn là được cung cấp thông tin, Trung Quốc không có vấn đề gì với một cuộc gặp như vậy, đặc biệt là giờ đây khi Trung Quốc tin rằng nhà lãnh đạo Kim dứt khoát không đặt Bắc Kinh sang một bên.
Với việc ông Trump dường như đang chuẩn bị gặp ông Kim sau tất cả những trắc trở, Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của ông Vương, sẽ là một người chơi quan trọng. Ông Vương thậm chí có thể bay đến Mỹ trước ngày 12/6.