Được sự ủng hộ từ Trung Quốc từ mùa xuân năm nay, Triều Tiên bắt đầu thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Mỹ khi hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim dự kiến diễn ra ngày 12/6 tại Singapore đến gần, Kyodo dẫn nguồn ngoại giao từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phản ứng của Trump lại vượt xa tính toán của Bình Nhưỡng, buộc Kim Jong Un phải xem xét lại chiến lược của mình để đạt mục tiêu hằng ấp ủ là được Mỹ bảo đảm an ninh, các nhà ngoại giao cho biết.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: KCNA/Kyodo. |
Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên đã được cải thiện rất nhiều thời gian gần đây. Hồi tháng 3, ông Kim đã đến Bắc Kinh để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và đầu tháng này, họ tiếp tục gặp nhau trong hai ngày ở thành phố Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc.
Chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ lên nắm quyền năm 2011. Một số quan chức cao cấp của hai nước đã thực hiện các chuyến thăm qua lại sau đó.
Nhiều chuyên gia ngoại giao cho biết Bắc Kinh đã đồng ý ủng hộ Bình Nhưỡng trong việc thúc đẩy đàm phán với Washington. Các nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh cũng theo dõi sát sao những tương tác giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Trước cuộc gặp Trump - Kim, Washington vẫn luôn "thực sự quan tâm tới những vấn đề mà Trung Quốc và Triều Tiên đã cùng thảo luận, những thỏa thuận Trung Quốc và Triều Tiên có thể ký kết, và ảnh hưởng của mối quan hệ ấm lên giữa Trung Quốc và Triều Tiên tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều", nguồn tin cho hay.
Ông Trump tỏ ra chán nản trước việc nhà lãnh đạo Triều Tiên gần gũi hơn với chủ tịch Trung Quốc và nói rằng ông đã nhận ra sự thay đổi trong giọng điệu của Triều Tiên sau cuộc gặp của họ ngày 7-8/5 tại Đại Liên.
"Có một thái độ hơi khác sau cuộc gặp đó, và tôi hơi ngạc nhiên", Trump nói khi tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng hồi đầu tuần này, "Tôi không thích điều đó. Tôi không thể nói là mình vui trước chuyện này".
Người dân Seoul theo dõi tin tức về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim. Ảnh: Getty. |
Hôm 25/5, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Bắc Kinh "không có ý đồ bí mật nào".
Tuy vậy, Tong Zhao, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc và Triều Tiên có quan hệ "đặc biệt" và chắc chắn họ có liên lạc hậu trường trước cuộc gặp Trump - Kim.
Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao khác từ châu Á cho biết Trung Quốc có thể đã đồng ý hỗ trợ Triều Tiên hoàn tất đàm phán với Mỹ, trong khi khuyến khích ông Kim cứng rắn với ông Trump.
Từ tuần trước, Triều Tiên đã đe dọa hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh, khẳng định không từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi nhận được lợi ích đối ứng. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ còn đi xa hơn ông Kim Jong Un. Ngoài tuyên bố hủy bỏ đột ngột hội nghị thượng đỉnh, ông Trump còn nhắc lại cảnh báo rằng Mỹ có thể sử dụng biện pháp quân sự.
Phó giáo sư Tetsuo Kotani từ Đại học Meikai của Nhật Bản cho biết trong một chương trình truyền hình rằng Triều Tiên "đã có thái độ sai lầm".
Vài giờ sau tuyên bố của Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan nhanh chóng đưa ra tuyên bố thúc giục Mỹ cân nhắc lại việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh.
"Một lần nữa, chúng tôi muốn phía Mỹ hiểu rằng chúng tôi có ý định ngồi lại với họ để giải quyết vấn đề bất kể theo cách nào và vào bất cứ thời gian nào", KCNA dẫn tuyên bố trên. "Chúng tôi vẫn không thay đổi trong mục tiêu của mình và sẽ làm mọi thứ có thể cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và nhân loại", tuyên bố viết.