Trump thử tiếp cận Triều Tiên một cách rất khác: gặp trực tiếp Kim Jong Un và đàm phán nhằm đạt được điều chưa tổng thống hay nhà ngoại giao nào của Mỹ dám cố gắng làm trong suốt 65 năm qua, kể từ ngày thực thi thỏa thuận đình chiến không dễ dàng trên bán đảo Triều Tiên.
Đó là một cách tiếp cận táo bạo, sáng tạo, đáng để thử, để thực hiện các mục tiêu liên quan cho một hiệp ước hòa bình và tiêu diệt kho vũ khí hạt nhân lớn của Triều Tiên.
Ông Trump đã tiếp cận Kim Jong Un như thể ông là một nhà buôn giàu có thích ganh đua tiếp cận một tài sản quý và cho rằng cuối cùng ông Kim sẽ sẵn sàng từ bỏ tất cả, tin tưởng lời hứa hẹn của mình về thịnh vượng trong tương lai cho Triều Tiên. Vì vậy, ông bắt đầu bằng những lời đe dọa về "hỏa lực và cuồng nộ", sau đó chuyển sang những sáng kiến bất ngờ và những lời ve vuốt dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
"Ông ấy sẽ được an toàn, ông ấy sẽ hạnh phúc, đất nước của ông ấy sẽ giàu có", ông Trump nói về ông Kim hôm 22/5, khi ông gặp lại người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae Inn. Tổng thống Hàn Quốc rất lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, và cố vấn an ninh quốc gia của ông Moon cũng đã dự đoán "99,9%" hội nghị thượng đỉnh ở Singapore sẽ diễn ra.
Nhưng rõ ràng với ông Trump và các cộng sự, những kỹ thuật liên quan đến đàm phán bất động sản không thể dễ dàng được áp dụng vào đàm phán về vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ đứng trước nhiều thách thức sau khi hủy cuộc gặp với ông Kim Jong Un dự kiến diễn ra ngày 12/6. Ảnh: New York Times. |
Khó khăn từ mọi phía
Ông Kim chắc chắn cần tiền, đầu tư và công nghệ. Nhưng hơn thế nữa, ông cần phải thuyết phục giới tinh hoa Triều Tiên rằng mình không đánh đổi hình thức an ninh duy nhất mà ông nắm quyền kiểm soát hoàn toàn: di sản hạt nhân của cha và ông nội mình.
"Với họ, 'trở nên giàu có' chỉ là mối bận tâm thứ hai", New York Times dẫn lời William Perry, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ và là một trong những người gần đây nhất đàm phán với Triều Tiên về các hiệp ước hòa bình, giải trừ vũ khí hạt nhân và tên lửa hồi năm 1999, khi ông làm đặc phái viên của Tổng thống Bill Clinton.
"Nếu tôi đã học được điều gì trong việc đối phó với họ, thì đó là an ninh của họ ở mức ưu việt. Họ biết chúng tôi có khả năng đánh bại họ và họ tin rằng chúng tôi có ý định làm như vậy".
"Và cách duy nhất để giải quyết vấn đề đó là một quá trình từng bước, mà chính xác là cách tiếp cận Trump nói không muốn theo đuổi", Perry, hiện 90 tuổi, nhận định khi Triều Tiên đưa ra những đe dọa mới nhất.
Những khó khăn khác cũng ngăn cản các cuộc đàm phán. Khi hai nhà lãnh đạo "vờn quanh" về những mục tiêu tầm xa mà họ sẽ đồng ý ở Singapore, ngày càng rõ ràng rằng cả Washington và Bình Nhưỡng đều đã nghĩ đến thất bại.
Những người sáng tạo lực lượng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là tinh hoa thực sự của đất nước. Để mất kho vũ khí là đánh mất vị thế và ảnh hưởng của họ.
Khi ông Trump cử một trong các cố vấn an ninh quốc gia của mình đến Singapore cách đây một tuần cho một cuộc họp được sắp xếp trước để phục vụ hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh, Triều Tiên đã cho vị này "leo cây". Họ không trả lời điện thoại suốt tuần qua, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nói với các phóng viên vào chiều 24/5.
Triều Tiên cũng có những phàn nàn của mình. Sau khi ông Trump chấp nhận đề nghị gặp mặt trực tiếp ông Kim, ông đã thay thế cố vấn an ninh quốc gia của mình bằng John R. Bolton. Vài tháng trước, Bolton vừa xuất bản bài bình luận có tựa đề "Trường hợp pháp lý cho việc tấn công Triều Tiên trước", cho rằng việc Mỹ tự vệ bằng cách tấn công Triều Tiên trước là hoàn toàn hợp pháp.
Bolton sau đó bắt đầu đề cập công khai "mô hình Libya" về việc chuyển vũ khí hạt nhân, ám chỉ đến một thỏa thuận mà ông đã giúp hình thành vào năm 2003, trong đó Muammar Gaddafi hủy chương trình hạt nhân mới hình thành để đổi lấy chính xác những mời mọc kinh tế mà ông Trump đề nghị với Triều Tiên.
Bolton biết rằng ví dụ về Libya đồng nghĩa với đưa ra quyết định đơn phương giải giáp hạt nhân theo quan điểm của Triều Tiên. Theo ông, người Triều Tiên sẽ không đứng lên lên lật đổ chính phủ như phiến quân Libya làm hồi năm 2011 và khi ấy Washington đã vui lòng giúp làm thay điều đó.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên không chấp nhận yêu cầu giải giáp đơn phương. Ảnh: KCNA. |
Tính toán của các bên
Tuy nhiên, những ý tưởng với Triều Tiên chưa hoàn toàn "chết". Ông Trump cẩn thận để ngỏ cửa cho ông Kim, "gọi hoặc viết cho tôi" nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định chấm dứt đe dọa đối đầu hạt nhân và muốn lên lịch lại cho hội nghị thượng đỉnh.
Tuy nhiên, hôm 24/5, ông Trump vẫn không thể cưỡng lại việc lặp lại tweet vài tháng trước về kích thước nút hạt nhân trên bàn làm việc của mình: khả năng hạt nhân của Mỹ "rất lớn và mạnh mẽ".
Đó có thể chỉ là chiêu thị uy, nhưng cũng có thể sẽ kích thích ông Kim đưa ra những "minh chứng" mới về khả năng tiếp cận các thành phố Mỹ của tên lửa Triều Tiên.
Trên thực tế, câu hỏi về Triều Tiên hiện nay cũng giống như thắc mắc của Washington về Iran: Nước cờ tiếp theo của họ là gì? Họ có thể leo thang không?
Hiện tại, Iran đang không vội vàng. Nhưng lịch sử cho thấy phản ứng của Triều Tiên đối với kết thúc của những cuộc đàm phán gần như luôn luôn là tạo ra một cuộc khủng hoảng, và xem liệu điều đó có buộc Mỹ trở lại đàm phán hay không.
Khi thỏa thuận khung với chính quyền Clinton sụp đổ, cố lãnh đạo Kim Jong Il đã chuyển sang những vụ thử hạt nhân đầu tiên của đất nước.
Khi các hiệp định bị đánh đắm vào cuối thời chính quyền Bush, Bình Nhưỡng đã "thử" tổng thống mới, Barack Obama, với một loạt vụ thử hạt nhân lớn hơn và sau đó là cuộc đua chế tạo tên lửa liên lục địa.
Ngay từ trước khi ông nhậm chức, ông Trump đã phàn nàn rằng các phương pháp tiếp cận mà những người tiền nhiệm của ông theo đuổi đều thất bại.
Ông phải đối phó với một Triều Tiên đã khai thác sự mất tập trung của Mỹ trong các cuộc đàm phán Iraq, Afghanistan và Iran để có trong tay 20 đến 60 vũ khí hạt nhân. Triều Tiên hầu như chưa từng phải "trả giá". Vì vậy, Trump làm những gì ông đã được học từ thị trường bất động sản New York: yêu cầu tối đa, trừng phạt nặng nề và sau đó bắt đầu một cuộc đàm phán.
Nhưng cách tiếp cận với "hỏa lực và cuồng nộ" của ông dẫn đến những phản ứng mà ông chưa từng thấy khi còn làm việc trong ngành bất động sản. Ông Moon trở nên lo ngại rằng tổng thống Mỹ mới nổi tiếng không kiên định có thể tham gia vào một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, đến mức ông đã chạy đua để đưa ông Trump vào một cuộc thương lượng sẽ khiến Mỹ khó có thể khởi động cuộc tấn công phủ đầu mà ông Bolton đã ủng hộ.
Sau đó, ông Moon thuyết phục ông Trump bằng những lời khen ngợi đầy khích lệ, thậm chí đã đề cập giải Nobel Hòa bình.
"Vai trò của Moon là hoàn toàn mới trong thời gian này", Perry lưu ý, vài giờ trước khi kế hoạch về hội nghị thượng đỉnh sụp đổ. Tổng thống Hàn Quốc tự coi mình là người có vai trò trung tâm trong việc dỗ dành cả hai bên trở lại con đường đã định, khi những khoảnh khắc khủng hoảng như thế này phát sinh.
Bây giờ là lúc ông kiểm tra những kỹ năng hòa giải của mình.
Ông Moon và ông Trump có cuộc họp tại Washington hôm 22/5. Ảnh: AP. |
"Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và xây dựng hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo là một nhiệm vụ mà chúng tôi không thể từ bỏ hoặc trì hoãn", ông Moon cho biết tại Seoul hôm thứ 24/5, nói việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh "gây bối rối và rất đáng tiếc". Ông cũng hối thúc ông Trump và ông Kim nói chuyện trực tiếp.
Nhiệm vụ của ông Moon là xây dựng lại những gì đã đổ vỡ. Nhưng trước tiên phải ông phải suy xét về những gì đã đi lệch kế hoạch.
Kết thúc từ khi chưa bắt đầu
Những lời lẽ quá khích từ cả hai phía chỉ là một phần. Vấn đề lớn hơn là Mỹ và Triều Tiên không bao giờ đồng quan điểm về mục tiêu đàm phán. Ông Trump, ông Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều hướng đến "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược".
Nhưng đó là cái nhìn một chiều, họ chưa từng đề cập khả năng Mỹ cũng sẽ phải từ bỏ điều gì đó.
Ông Kim cũng sử dụng cụm từ "phi hạt nhân hóa", nhưng dường như ông đang thảo luận điều gì đó giống như kiểm soát vũ khí hơn. Ông sẵn sàng từ bỏ một phần kho vũ khí, nhưng chỉ khi Mỹ rút quân tại Hàn Quốc và dần dần từ bỏ khả năng đe dọa Triều Tiên.
Ông Trump đã tuyên bố Bình Nhưỡng phải từ bỏ toàn bộ vũ khí ngay lập tức trước khi nói rằng ông có thể sẵn sàng thử một cách tiếp cận từ tốn hơn chỉ vài ngày trước.
Nhưng có lẽ đã là quá muộn.
Robert S. Litwak, phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm học giả quốc tế Wilson, đã viết một nghiên cứu chi tiết về cách đối phó từ từ với thách thức từ Triều Tiên. Ông cho biết ông Trump cần phải chuyển sang một phương pháp gần hơn với thỏa thuận Iran năm 2015, vốn hạn chế nhưng không loại bỏ khả năng hạt nhân của Tehran.
Đó lại thỏa thuận mà ông Trump vừa xé bỏ từ vài tuần trước, và có nghĩa giờ đây tổng thống Mỹ sẽ đối mặt cùng lúc hai cuộc khủng hoảng hạt nhân.