Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nguy cơ sau quyết định hủy gặp Triều Tiên của ông Trump

Giới quan sát cho rằng tổng thống Mỹ có lý khi hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng cũng chỉ ra những nguy cơ của quyết định đột ngột này.

Sau khi thắp lên kỳ vọng về một hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự dập tắt nó. Sự rút lui của ông khỏi cuộc gặp được sắp xếp vội vã với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa thu hút những lời chỉ trích mạnh mẽ, vừa có được một số lời khen ngợi từ Washington.

Những người phản đối Trump cho rằng ông đã bước chệch nhịp trong một điệu nhảy ngoại giao tinh tế với Triều Tiên, có nguy cơ gây căng thẳng với những đồng minh như Hàn Quốc và khiến Trung Quốc bớt mạnh mẽ trong việc tạo sức ép kinh tế lên Bình Nhưỡng.

Nhưng một số chuyên gia về Triều Tiên nhận định quyết định của Trump là đúng đắn. Theo họ, Trump đã không tin Bình Nhưỡng nghiêm túc về việc từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, vì vậy tổng thống có quyền bỏ hội nghị thượng đỉnh ngay bây giờ và tiếp tục thử mức độ quan tâm của ông Kim đối với những cuộc đàm phán quan trọng.

Trump huy gap Kim Jong Un anh 1
Tổng thống Trump quyết định hủy cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày 12/6. Ảnh: AP.

"Tôi không nghĩ điều này khiến cảnh cửa đối thoại đóng lại", AP dẫn lời Olli Heinonen, cựu phó tổng giám đốc tại cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc. "Ông ấy đang thử quyết tâm của ông Kim. Chúng ta phải nhớ vì sao ông Kim đến cuộc gặp. Các biện pháp trừng phạt là nặng nề đối với Triều Tiên. Tôi không nghĩ đây là đoạn cuối con đường".

Câu hỏi lớn giờ đây là về cách mà Kim Jong Un sẽ phản ứng.

Chờ câu trả lời từ Bình Nhưỡng

Triều Tiên nhận tin tức về cuộc gặp bị hủy đúng vào ngày chính thức loại bỏ bãi thử hạt nhân của mình trước những nhà báo quốc tế đã được cấp quyền tiếp cận chưa từng có địa điểm xa xôi này. Đây được coi là một hành động không thể đảo ngược để hướng đến việc phi hạt nhân hóa.

"Họ sẽ cảm thấy bị phản bội", Mark Fitzpatrick, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh, nhận định. "Rất có thể Triều Tiên sẽ tiếp tục việc thử nghiệm tên lửa mà họ đã tạm dừng trong sáu tháng, bắt đầu với các hệ thống tầm ngắn."

Lá thư Trump gửi cho Kim giữ cánh cửa mở ra đối thoại, nhưng cũng mang gợi ý về mối đe dọa từ năm ngoái khi Triều Tiên đang mài giũa khả năng tấn công lục địa bằng một tên lửa hạt nhân. Trong những tháng căng thẳng đó, tổng thống Mỹ, bực tức vì ngôn từ hiếu chiến từ Bình Nhưỡng, đã cảnh báo Kim Jong Un về kích thước nút hạt nhân của ông.

Còn trong dịp này, Trump viết rằng ông đang cầu nguyện với Chúa, Mỹ sẽ không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân "khổng lồ và mạnh mẽ" của mình.

"Tôi nghĩ rằng nhìn chung, tổng thống đã đưa ra một thông điệp lịch sự, dù việc đề cập kho vũ khí hạt nhân có vẻ hơi mang tính đe dọa", Christopher Hill, nhà đàm phán chính của Mỹ tại Triều Tiên dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói.

Hill cho biết triển vọng cho một hội nghị thượng đỉnh có lẽ đã kết thúc.

Trump huy gap Kim Jong Un anh 2
Một phần lá thư ông Trump gửi ông Kim. Ảnh: AP.

Một loạt tuyên bố chống Mỹ đặc trưng từ Triều Tiên, gọi Phó tổng thống Mike Pence là "chính trị gia ngu ngốc" và đe dọa đối đầu hạt nhân với Mỹ, cho thấy rõ ràng Bình Nhưỡng không sẵn sàng từ bỏ ngay lập tức vũ khí hạt nhân như cố vấn an ninh John Bolton đã yêu cầu.

Hill nói Trump có thể cần phải hủy hội nghị thượng đỉnh bởi vì "ông đột nhiên nhận ra rằng Triều Tiên không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình một cách vô ích".

Điều này không thực sự gây ngạc nhiên. Hồi tháng 3, Trump đã gây sốc cho thế giới bằng cách đột ngột đồng ý một cuộc gặp chưa từng có với nhà lãnh đạo Triều Tiên, dự kiến được tổ chức tại Singapore vào ngày 12/6. Dù cơ hội thành công không chắc chắn, Nhà Trắng thậm chí còn tiết lộ một đồng xu kỷ niệm khắc mặt hai nhà lãnh đạo để hưởng ứng "những cuộc đàm phán hòa bình".

Tổng thống Trump rõ ràng đã thích thú trước viễn cảnh được hiện thực hóa năng lực của mình với tư cách một nhà đàm phán để có được "thỏa thuận của mọi thỏa thuận", làm giảm bớt mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Đó vẫn luôn là một nỗ lực khó khăn.

Hệ quả

Trump có thể chỉ ra một số tiến bộ được thực hiện, bao gồm việc Bình Nhưỡng trả tự do cho ba công dân Mỹ, như một cử chỉ thiện chí. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có cuộc gặp với ông Kim, mở cánh cửa cho tiếp xúc cấp cao nhất.

Thế nhưng, chính quyền của Trump hiện bị chỉ trích do thất bại trong việc đặt nền tảng cho một cuộc gặp cấp cao như vậy.

"Vội vàng đồng ý một hội nghị thượng đỉnh và sau đó lại là người bỏ đi, Tổng thống Trump phải hiểu rằng ông đã làm yếu đi và tiếp tục cô lập Mỹ", Thượng nghị sĩ Robert Menendez của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết.

James Acton, đồng giám đốc Chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie (Carnegie Endowment for International Peace), cho rằng Trump hiện đi trên con đường ngoại giao khó khăn trong việc duy trì chiến dịch "sức ép tối đa" do Mỹ đi đầu để khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trump huy gap Kim Jong Un anh 3
Triều Tiên khẳng định đã phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: Digital Globe.

Acton cho biết Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng, sẽ tán tụng việc phá hủy bãi thử hạt nhân của Triều Tiên và có khuynh hướng giảm bớt trừng phạt kinh tế. Ông cũng lưu ý rằng thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã được khởi động lại.

"Triều Tiên hiện đã làm đủ để xoa dịu Trung Quốc và Trung Quốc sẽ trả lại cho Triều Tiên đường sống về kinh tế", ông nói.

Hủy gặp Kim, Trump cũng có thể làm tổn thương mối quan hệ của Mỹ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Ông Moon vừa có cuộc gặp với ông Trump tại Phòng Bầu dục trong tuần này. Tổng thống Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều "vốn liếng chính trị" vào việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên, dù Bình Nhưỡng vừa phá vỡ một cuộc họp cấp cao với Seoul để phản đối Mỹ - Hàn tập trận quân sự.

Ông Moon là một trong những nhân tố dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, nhưng chính phủ của ông dường như bị bất ngờ bởi quyết định đột ngột của Trump, một dấu hiệu đáng lo ngại về kết nối ngoại giao giữa các đồng minh.

"Chúng tôi đang cố gắng hiểu ý định của Tổng thống Trump," phát ngôn viên tổng thống Kim Eui Kyeom cho biết, theo hãng tin Yonhap.

100 máy bay Mỹ - Hàn ồ ạt tập trận trước hội đàm với Triều Tiên Mỹ và Hàn Quốc đang tổ chức cuộc tập trận không quân bắn đạn thật quy mô lớn với hơn 100 máy bay chiến đấu, trong đó có tiêm kích tối tân F-22 và pháo đài bay B-52.

Trump tuyên bố quân đội Mỹ 'đã sẵn sàng' sau khi hủy gặp Kim

Tổng thống Trump giữ thái độ cứng rắn sau khi hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng khẳng định vẫn sẵn sàng đàm phán.

Trump huỷ cuộc gặp với Kim Jong Un

Nhà Trắng vừa công bố lá thư của Tổng thống Donald Trump gửi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong đó ông Trump nói rằng cuộc gặp tháng tới giữa 2 người sẽ không diễn ra.

Hoa Hạ

Bạn có thể quan tâm