Sau 2 ngày kịch tính với những lời tuyên bố "hủy hẹn" rồi "có thể hẹn lại" của Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm qua lại nhen nhóm thêm hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Giới quan sát cho rằng ông Moon xứng đáng hơn ai hết cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực thúc đẩy Triều Tiên và Mỹ tiến gần bàn đàm phán. Ở phía ngược lại, nhiều người cho rằng Trung Quốc đứng sau những diễn biến xấu đối với cuộc gặp Mỹ - Triều. Tổng thống Trump cho rằng sau khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Kim đã đổi giọng cứng rắn với Mỹ.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều với sự tham gia của Hàn Quốc và Trung Quốc thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: Getty. |
Trung Quốc - người khổng lồ trong bóng tối?
Tổng thống Trump cho rằng chuyến thăm của ông Kim Jong Un đến Đại Liên, Trung Quốc hồi đầu tháng 5 đã làm Triều Tiên thay đổi thái độ, phát ngôn đe dọa và thậm chí gọi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là "chính trị gia ngu ngốc".
Nhiều nhà quan sát cũng đồng tình với nhận định trên. "Người thắng cuộc khi khoảnh khắc này xảy ra (Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh) chính là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", cựu đô đốc Hải quân James Stavridis, hiện là người đứng đầu Trường Fletcher về Luật và Ngoại giao tại Đại học Tufts, nhận định.
Dưới góc nhìn của Mỹ, Trung Quốc dường như đang cố gắng nhấn mạnh vai trò then chốt của mình trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Vì vậy, nếu muốn đem các bên lại gần nhau để đàm phán, Mỹ và Hàn Quốc phải "nhờ cậy" đến "người anh cả" của Triều Tiên, tức Trung Quốc.
Từ đó, Trung Quốc có thể đạt được điều họ mong muốn bấy lâu: Mỹ - Hàn phải hoãn tập trận quân sự chung. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho rằng Chủ tịch Tập có thể đã gợi ý ông Kim Jong Un tìm cách đưa việc hoãn tập trận quân sự Mỹ - Hàn trở lại bàn đàm phán.
Theo bà Glaser, ông Tập có thể muốn gây áp lực khiến cuộc thượng đỉnh diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc, hoặc ít nhất không khiến họ gặp bất lợi. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ủng hộ quan điểm phi hạt nhân hóa "theo từng giai đoạn và mang tính đồng bộ", trái ngược yêu cầu từ bỏ chương trình hạt nhân "ngay lập tức, hoàn toàn và không thể đảo ngược" từ Washington.
Ông Trump bất ngờ công bố "thư chia tay" gửi đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 25/5. Ảnh: CNN. |
Một số nhà phân tích có cái nhìn khác về vai trò của Bắc Kinh.
Theo chuyên gia về Triều Tiên John Delury tại Đại học Yonsei, Seoul, Trump dường như đã đánh giá sai ý định của Trung Quốc. "Ông Tập không thể bảo Kim Jong Un phải làm gì. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã giữ khoảng cách với Trung Quốc suốt 6 năm qua. Ông ấy không phải là bù nhìn để họ sai bảo", AP dẫn lời ông Delury.
Cả giới quan sát và quan chức Trung Quốc đều thống nhất cho rằng Bắc Kinh sẽ lợi nhiều hơn khi cuộc gặp diễn ra thành công, vì vậy không có lý do gì để âm mưu "phá hoại".
"Chúng tôi không giấu diếm bất kỳ động cơ nào", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/5 khi được hỏi liệu có phải ông Kim Jong Un đã cứng rắn hơn sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng.
Ông Lục khẳng định Trung Quốc kiên định giữ quan điểm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và thương lượng.
Giáo sư Shi Yinhong thuộc Đại học Nhân Dân, Trung Quốc, cho rằng cáo buộc của ông Trump đối với Bắc Kinh trong việc gây ảnh hưởng đến Kim Jong Un là "vô lý". Theo ông Shi, nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sụp đổ, Trung Quốc chỉ có hại khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm phần căng thẳng.
Ông Kim Jong Un lần đầu tiên hội kiến Chủ tịch Tập hôm 25/3, 1 tháng trước cuộc thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: Reuters. |
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh không diễn ra, Trung Quốc sẽ bị đặt vào "thế khó", theo ông Zhao Tong, một chuyên về Triều Tiên thuộc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua. Bình Nhưỡng sẽ yêu cầu tăng hợp tác song phương về kinh tế với Bắc Kinh, cùng lúc đó, Mỹ sẽ muốn ông Tập Cận Bình tiếp tục trừng phạt Triều Tiên theo chiến lược gây áp lực tối đa.
Ngoài ra, cuộc gặp Mỹ - Triều diễn ra thành công là vì nó phục vụ mục tiêu lâu dài biến Triều Tiên thành một quốc gia "bình thường", không còn quá lệ thuộc vào Trung Quốc.
Dù có ý định "phá hoại" cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều hay không, điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không đóng vai trò trung gian cho cuộc gặp thượng đỉnh, Giáo sư Shi chỉ ra thế khó mà Hàn Quốc vướng phải khi "đứng giữa" Mỹ và Triều Tiên. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ củng cố mối quan hệ và đưa tay giúp đỡ Bình Nhưỡng trong phạm vi pháp lý của Liên Hợp Quốc.
Bước đi gian truân của Hàn Quốc
Sau cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Tổng thống Moon Jae In đã phải đi đi về về giữa Triều Tiên và Mỹ. Ông hội đàm cùng Tổng thống Trump ngày 22/5, rồi lại sang phần lãnh thổ Triều Tiên ngày 26/5 để gặp ông Kim. Tất cả nỗ lực trên chỉ nhằm một mục đích: đảm bảo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công, theo New York Times.
Tuy nhiên, vai trò trung gian tự ấn định này bị hoài nghi khi ông Trump tuyên bố hủy thượng đỉnh hôm 25/5 mà không thông báo cho người đồng cấp Hàn Quốc. Nhà Xanh "chóng mặt" trước nguy cơ công sức chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh trong nhiều tháng trời trở thành "công cốc".
"Moon Jae In đã hành động quyết đoán để bảo vệ người dân của ông khỏi chiến tranh", chuyên gia về hạt nhân Adam Mount tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết.
Ông Mount ám chỉ việc tổng thống Hàn khả năng cao là người đề xuất cuộc hội kiến lần thứ hai với ông Kim Jong Un hôm 26/5 (dù trong cuộc họp báo ngày 27/5, ông Moon đã nói người đề xuất gặp bất ngờ là ông Kim).
Cuộc hội kiến thứ hai đầy bất ngờ của nhà lãnh đạo trong vòng 1 tháng nhằm mục đích nối lại thượng đỉnh Mỹ- Triều. Ảnh: Phủ tổng thống Hàn Quốc. |
Nhiều chuyên gia cho rằng việc ông Trump đơn phương đưa ra quyết định hủy cuộc gặp tại Singapore là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đồng minh không còn quá thân thiết hoặc ông Trump không coi trọng tiếng nói của Hàn Quốc như những người tiền nhiệm.
Ngoài ra, quyết định của tổng thống Mỹ còn đến từ sự nghi ngờ rằng ông Moon có thể đã truyền đạt sai ý định sẵn sàng từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên. Điều duy nhất Hàn Quốc có thể đưa ra để thuyết phục Mỹ ngồi xuống bàn đàm phán, Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, lại bị đánh giá là mập mờ và mang tính hình thức hơn là thực tiễn.
Sau khi "lá thư chia tay" của Tổng thống Trump được công bố, hình ảnh từ Nhà Xanh cho thấy một Tổng thống Moon buồn bã trong cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn an ninh vào giữa đêm. Phát biểu trước báo giới, ông bày tỏ cảm xúc "lúng túng" và "vô cùng tiếc nuối", theo Reuters.
Mối quan hệ với Triều Tiên là bận tâm lớn nhất của ông Moon trong năm đầu đảm nhiệm vai trò tổng thống Hàn Quốc. Tổng thống Moon sẽ không thể thực hiện thỏa thuận mà ông đã cam kết với Kim Jong Un trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi cuối tháng 4 nếu việc giải quyết vấn đề hạt nhân không có tiến triển. Theo cựu thư ký tổng thống về chiến lược an ninh Cheon Seong Whun, để làm được điều này, ông Moon cần sự hợp tác từ Mỹ.
Tổng thống Moon Jae In và ông Donald Trump cùng đưa ra tuyên bố chung hồi tháng 6/2017 tại Washington. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, có vẻ ông Moon đã tiếp cận vấn đề sai hướng, chuyên gia Chun nhận xét.
"Đáng lẽ Hàn Quốc nên tập trung vào việc giúp Kim Jong Un từ bỏ chương trình hạt nhân. Thay vào đó, họ lại quá cứng nhắc trong việc thúc đẩy thượng đỉnh giữa Trump và Kim xảy ra bằng cách này hay cách khác và khăng khăng tập trung vào việc khởi xướng hòa bình", ông Chung bình luận.
"Hoài bão của ông Moon trong việc thay đổi cục diện trên bán đảo Triều Tiên, không nghi ngờ gì, sẽ phải đối diện một bước lùi", chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, những gian truân mà ông Moon phải đối diện không thể ngăn cản ông tiếp tục theo đuổi mục tiêu đem hai miền bán đảo Triều Tiên xích lại gần nhau, đồng thời thúc đẩy Washington và Bình Nhưỡng mở cửa đàm phán.
"Ông Moon xem đây là sứ mệnh của mình", theo nhà nghiên cứu Lee Seong Hyon tại Viện Sejong.