Hình ảnh ấy được các tác giả tái hiện trong bộ truyện tranh Truyền thuyết Long thần tướng - tác phẩm có bối cảnh Việt Nam thời Trần. Khi kể câu chuyện của quá khứ, bên cạnh thể hiện cốt truyện sao cho hấp dẫn, các tác giả còn chú tâm tái hiện phong tục tập quán, nét sinh hoạt văn hóa của người Việt của một giai đoạn lịch sử.
Trong đó, thú chơi của người Việt xưa là một phần văn hóa được thể hiện. Ở tập 3, bối cảnh truyện diễn ra phần nhiều ở kinh thành Thăng Long, trong phủ và học đường của Chiêu Quốc Vương.
Trang bìa tập 3 sách Truyền thuyết Long thần tướng. |
Trong lịch sử, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc (con thứ 5 của vua Trần Thái Tông, em ruột Thánh Tông, chú của Nhân Tông) được miêu tả là người “thông minh, hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo…” (Đại Việt Sử ký toàn thư).
Khi đi vào truyện Long thần tướng, Chiêu Quốc Vương cũng được thể hiện như một người tài hoa. Mọi thú chơi của giới quý tộc thời Trần được gửi gắm qua nhân vật này. Hình ảnh Chiêu Quốc Vương tâng bóng da được chọn làm tranh bìa cho cuốn sách tập 3.
Trang 79 cuốn sách, khi nhân vật Long được đưa đến học đường của Chiêu Quốc Vương, hình ảnh đầu tiên Long thấy là hai cậu học trò đang chơi đá bóng da ngoài cửa phủ. Khi vào trong phủ, Long cũng nhớ tới hình ảnh từng chơi đá bóng da, ăn bánh đúc cùng chú Hoàng Năm (chính là Ích Tắc) khi xưa.
Tuy nhiên, bộ truyện này không thể hiện rõ luật chơi, hình thức tổng thể của môn đá bóng da của người Việt xưa.
Bên cạnh đá bóng da, người Việt xưa còn chơi bóng trên lưng ngựa (thời đó gọi là mã cầu, thời nay gọi là Polo). Môn cờ vây lâu nay nhiều người nghĩ là trò chơi của riêng người Trung Hoa, trên thực tế, vào thời Trần, người Việt cũng đã chơi môn trí tuệ này.
Tuy là bộ truyện hư cấu, song các chi tiết trên đều được nhóm tác giả Long thần tướng thực hiện dựa trên các cứ liệu lịch sử. Thú chơi của người Việt xưa được viết trong An Nam chí lược, quyển Đệ Nhất, phần Phong tục: "Tháng hai dựng Xuân Đài, bọn ca kỹ hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài. Vua coi các trò tranh đua trước sân, coi bọn lực sĩ và con trẻ đấu vật, ai thắng thì được thưởng. Các công hầu thì đánh bóng trên lưng ngựa. Quan nhỏ thì chơi các trò như đánh cờ vây, đánh vu bồ (bài thẻ), đá bóng, giác đấu, sơn hô hầu".
Một trận mã cầu (Polo) do các họa sĩ Long thần tướng vẽ. |
Long thần tướng là bộ tiểu thuyết hình ảnh kể về một truyền thuyết song phần nhiều các nhân vật trong truyện đều có thật trong lịch sử. Tác phẩm là sự đan xen, hòa quyện của hai tuyến truyện hiện đại và quá khứ. Mỗi chi tiết lịch sử đều là kết quả của những nỗ lực tìm kiếm khảo chứng tư liệu tương quan, đánh dấu sự cầu toàn, dụng công của nhóm tác giả. Từ kiến trúc, trang phục, phong tục tới những vật dụng, sự kiện của quá khứ đều được thể hiện cẩn trọng.
Long thần tướng là tác phẩm tâm huyết của họa sĩ Thành Phong, Mỹ Anh, biên kịch Khánh Dương, với sự tham gia cố vấn của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức. Bộ sách đã đạt nhiều thành tựu như: Giải bạc cuộc thi Truyện tranh Quốc tế tại Nhật Bản, tác phẩm đã có bản tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và xuất bản tại một số nước trong khu vực Mỹ La tinh.