Nhà văn Võ Thị Xuân Hà là một cây bút nữ có sức viết bền bỉ cùng phong cách sáng tạo độc đáo, đa chiều. Nữ văn sĩ xứ Huế đã dành được tình cảm của độc giả qua nhiều truyện ngắn giàu tính nhân văn, đề cao cái tôi và nữ tính như: Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Giấc mơ, Vàng son thạch thủy khí…
Võ Thị Xuân Hà đã có thời gian dài làm việc ở Tạp chí Vì trẻ thơ và Báo Thiếu niên tiền phong. Chẳng có gì lạ nếu các sáng tác cho bạn đọc nhỏ tuổi chiếm một phần không hề nhỏ trong gia tài văn chương của cô. Trong đó, chắc chắn phải kể đến Chiếc hộp gia bảo. Tác phẩm là một chuyến phiêu lưu thú vị với sự kịch tính xen lẫn màu sắc huyền ảo.
Nhân vật chính của tác phẩm là hai anh em Bi, Bê cùng cậu bé hàng xóm tên Lăng. Gia đình của Bi và Bê sống trong một căn hộ tập thể chật chội giữa lòng thủ đô. Trong không gian tù túng ấy, những cuộc cãi vã giữa bố mẹ xảy ra liên miên với đủ mọi chủ đề. Từ chuyện chính trị, kinh tế của thế giới, đến việc làm tóc và đọc tiểu thuyết tình cảm của mẹ.
Thỉnh thoảng, một xô nước bẩn từ nhà tầng trên hắt xuống cũng đủ để châm ngòi cho một cuộc “chiến tranh” mới. Mỗi lần, dự đoán được việc bố mẹ sắp cãi nhau, hai anh em lại lẳng lặng trốn đi chơi.
Truyện dài Chiếc hộp gia bảo ấn bản năm 2018 của NXB Kim Đồng. |
Lăng là cậu bạn hàng xóm tội nghiệp, hay bị trẻ con trong khu tập thể trêu chọc. Nhưng gần đây Bi có vẻ đồng cảm hơn với Lăng, vì nhà cậu ta có vài người họ hàng bị mất tích ngoài biển.
Sau những tháng ngày mòn mỏi chờ đợi của lũ trẻ con thì mùa hè cũng đến. Bi và em gái háo hức lắm, vì hai đứa sắp được đi biển chơi. Một người bạn của bố mời cả gia đình ghé thăm nhà ở đảo Kỳ Nhông nên bố quyết định phải đi ngay. Nhưng rắc rối bắt đầu từ khi cả nhà chưa đặt chân lên đảo!
Cậu bé Lăng muốn đi tìm họ hàng mất tích nên đã lén đi theo gia đình Bi. Vị khách không mời này hóa ra lại là nhân vật luôn gỡ rối trong những tình huống khẩn cấp.
Việc quan trọng nhất của cuộc hành trình này là đi gặp bác Thuận, người bạn chiến đấu của bố. Gia đình Bi, Bê và Lăng choáng ngợp trước sự lộng lẫy của biệt thự Đá Trắng, nơi ở của gia đình người bạn hiếu khách. Nhưng dường như nơi này luôn mang một không khí trầm buồn, u uất khó tả.
Cách đây vài năm, chị Thi con gái của bác Thuận vượt biên sang Hong Kong cùng người chú. Sau đó, để nguôi đi nỗi nhớ con, người cha tội nghiệp đã nhận một người con gái nuôi tên Thơm. Trước khi đi, chị Thi có mang theo chiếc hộp gia bảo của dòng tộc. Nó là vật linh thiêng, tương truyền chứa bản đồ kho báu từ xa xưa, thứ mà nhiều người trong tộc luôn muốn chiếm đoạt.
Trong một lần chơi ngoài vịnh, anh em Bi và Lăng tìm thấy một chiếc chìa khóa vàng rất đẹp. Không ngờ, nó lại chính là chìa khóa mở chiếc hộp gia bảo của dòng tộc họ Đào. Điều này khiến gia đình bác Thuận rất kinh ngạc.
Vài ngày sau, các “thám tử nhí” lại tìm thấy một bức thư bí ẩn được giấu trong chai. Tuy nét mực đã bị sóng biển làm nhòe đi, nhưng những người làm trong nhà vẫn nhận ra đó là chữ viết của cô chủ mất tích. Đáng nói hơn, đó lại là một bức thư kêu cứu.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà. |
Dù bị người lớn ngăn cản không được tham gia vào những việc nguy hiểm, nhưng bản tính tò mò liệu có để cho các “thám tử nhí” ngồi yên. Chiếc hộp gia bảo liệu có cất giữ kho báu hay không? Cô tiểu thư tên Thi liệu có được an toàn trở về bên cha mẹ?
Chiếc hộp gia bảo là một truyện dài dành cho các độc giả nhỏ tuổi. Nhất là đối với những đứa trẻ phải sống ở thành phố đông đúc, ít có cơ hội hòa mình với thiên nhiên. Tác phẩm cũng mang đến cho bạn đọc nhí những bài học ý nghĩa về lòng nhân hậu, tinh thần tương thân tương ái và sự dũng cảm.
Chiếc hộp gia gia bảo đã được chuyển thể thành phim do chính nhà văn Võ Thị Xuân Hà là người chuyển thể kịch bản.