Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Một trăm cái bóng’ - bóng tối 'ám' phía sau sự hào nhoáng ở Seoul

“Một trăm cái bóng” của Hwang Jung Eun là cuốn sách độc đáo phơi bày bản chất ngột ngạt và hư vô của đời sống đô thị đương đại Hàn Quốc.

Cuốn sách xoay quanh Eun Gyo và Mu Jae, hai người trẻ tuổi làm việc trong một khu trung tâm thương mại chuyên về đồ điện tử xập xệ, gồm năm tòa nhà chính với một con hẻm và một khoảng sân nhỏ ở thành phố Seoul hào nhoáng.

mot tram cai bong anh 1
Bìa sách Một trăm cái bóng, bản chuyển ngữ tiếng Việt in năm 2018.

Khu trung tâm thương mại đang trong thời kỳ đợi quyết định đập bỏ để xây những công viên, tòa nhà lớn hơn. Chính trong khoảng thời gian chờ đợi này, câu chuyện đã bắt đầu với sự xuất hiện của những chiếc bóng, bên cạnh Eun Gyo và Mu Jae, và những người làm việc tại các cửa hàng nơi đây.

Những cái bóng sống dậy vào lúc cuộc sống của các nhân vật đang gặp khó khăn, căng thẳng, mệt mỏi. Nó như là bóng đen có thể đi lại, có thể bay nhảy, một khi bắt đầu xuất hiện nó sẽ dần hút hết mọi năng lực sống của con người, tách riêng thành một thân xác độc lập. Đến lúc đó, cái chết đang chờ đợi họ.

Một câu chuyện đầy huyễn tưởng với nhiều dấu vết kỳ quái nảy sinh giữa không gian của đời sống đô thị hàng ngày, với những sự việc tiếp diễn hàng ngày, mang đậm hơi thở đời sống như những cơn mưa, những bữa nhậu đêm, những khi tán gẫu, đạp xe, chạy bộ… Tác giả Hwang Jung Eun đã xử lý rất sắc sảo và tinh tế ý tưởng kỳ quái của mình.

Câu chuyện về cái bóng cũng như cái bóng hiện diện trong rất nhiều đối thoại của các nhân vật. Eun Gyo, Mu Jae và những người khác, kể về cái bóng của họ, như việc chấp nhận chuyện phi lý một cách rất tự nhiên, khiến nó không còn phi lý nữa, và độc giả tin rằng, những điều đó đúng là đang xảy ra.

Chuyện xuất hiện cái bóng cũng giống như việc Gregor Samsa trong Hóa thân của Kafka vào buổi sáng thức dậy đột ngột biến thành con bọ, và không ai truy vấn sự vô lý ấy cả.

mot tram cai bong anh 2
Ẩn sâu bên trong sự hào nhoáng của Seoul là bóng tối và cô độc.

Nếu xem cái bóng là một ẩn dụ, trong Một trăm cái bóng, Hwang đã ngầm lý giải ẩn dụ của mình thông qua đối thoại giữa các nhân vật. Cái bóng hay chính là phiên bản ám ảnh của đời sống ngột ngạt và nỗi cô độc. Rất nhiều những biểu tượng được Hwang sử dụng trong tác phẩm cũng nhằm làm bật lên bản chất của cái bóng, với sự cô độc và vô nghĩa của đời sống như xoáy tóc, osuma, hằng tinh, matryoshka… và bóng tối.

Bóng tối lặp đi lặp lại trong những phân đoạn của cuốn tiểu thuyết, bóng tối của đêm, bóng tối khi điện bị ngắt, bóng tối trong thành thị, bóng tối trong rừng, bóng tối trên đảo. Bóng tối bao trùm lên nhân vật, cuốn lấy nhân vật.

Hwang thường tập trung vào những chi tiết vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày, và những chi tiết nhỏ cho người đọc biết rất nhiều.

Đặc biệt, chi tiết về bữa ăn của Eun Gyo và Mu Jae trên đảo, được Hwang miêu tả rất kỹ. Hwang cho người đọc cảm nhận về sự sống, nhưng giọng điệu hư vô vẫn bao trùm tác phẩm của cô. Nó gợi mở tính mơ hồ về đời sống, sự hư vô của kiếp người, và ngay cả tình yêu, cũng trở thành sương khói, không mang dáng hình.

Với sự tồn tại mong manh này, đôi khi tất cả những gì chúng ta có thể làm là ngồi và quan sát, như Mu Jae và Eun Gyo, đã rơi vào im lặng và ngồi đó, ngắm nhìn đêm, trước khi nó biến mất khỏi tầm tay của chúng ta.

Khi hai nhân vật đi bên cạnh nhau, “thoáng chốc bị nhấn chìm trong bóng tối rồi thoáng chốc lại phơi mình giữa ánh sáng, chúng tôi cứ thế bước đi”.

mot tram cai bong anh 3
Nhà văn Hwang Jun Eun.

Cứ như thế, Hwang để cho nhân vật trôi dạt đi, không chỉ trên đảo đêm, mà chính là đời sống. Hwang đã khéo léo để tạo dựng nên cả một hiện thực tê tái về đời sống, bằng ngôn ngữ văn chương đẫm chất thơ mộng và huyền ảo.

Một trăm cái bóng có thể xem là một tiểu thuyết tân hiện thực, đã dùng sự huyền ảo để tái dựng, bóc tách hiện thực cằn cỗi trần trụi của đời sống đô thị Hàn Quốc, cũng như rất nhiều những đô thị đang trong vòng xoáy hiện đại.

Han Kang, tác giả cuốn tiểu thuyết Người ăn chay, Giải Quốc tế Man Booker (2016) đã nhận xét về Một trăm cái bóng:“Cuốn sách nhỏ này chứa đựng một vẻ đẹp lạ lùng khó quên. Đây đó có những yếu tố kỳ ảo, nhưng cùng lúc cuốn sách cũng nghiêm ngặt tới cùng cực, mô tả một cách hiện thực thế giới mà nó dựng lên”.

Tác giả Hwang Jung Eun là một nhà văn nữ độc đáo và giàu nội lực của văn chương Hàn Quốc hiện nay. Cô đã xuất bản 3 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết. Một trăm cái bóng là tiểu thuyết đầu tay của cô, giành giải thưởng Văn học Hanguk Ilbo. Hiện cô sống và làm việc tại Seoul.




Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm