Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao người Việt xưa xưng 'tôi' với Chúa, với bố mẹ?

Người xưa quan niệm xưng "tôi" là để bày tỏ sự khiêm tốn, hạ mình, còn người bề trên, khi nói với bề dưới thì xưng "tao".

Có lẽ, người Việt có hệ thống đại từ nhân xưng rắc rối nhất trong các ngôn ngữ trên thế giới. Chỉ riêng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất cũng có nhiều cách dùng, lại thay đổi qua từng thời kỳ, vùng miền. Vấn đề này được nhà nghiên cứu Trần Quang Đức trình bày trong bài "Lược khảo về đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Việt", in ở cuối sách Long thần tướng 4 mới ra mắt.

Cach xung ho cua nguoi Viet xua anh 1
Sách Long thần tướng 4 in bài viết của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức.

Trần Quang Đức cho rằng, người xưa dùng từ "tôi" mang tính chất khiêm xung. Cũng giống như văn hóa các nước Á Đông: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, văn hóa Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo. Trong sách Lễ Ký viết: “Xét về Lễ, là tự hạ thấp mình đồng thời đề cao người khác”.

Bởi vậy, trong cách xưng hô, người phương Đông có xu hướng sử dụng từ ngữ có hàm ý tự hạ thấp mình. Từ điển Việt - Bồ - La ấn hành năm 1651 của Alexandre de Rhodes giải thích: “Tôi: Đầy tớ, gia nhân, thuộc hạ. Làm tôi. Cùng một nghĩa. Tôi tá: Tôi tớ”; “Tôi: cách nói khiêm hạ. Tôi lạy ông: Tôi tôn kính sự làm chủ của các ông”.

Cach xung ho cua nguoi Viet xua anh 2
Chi tiết trong truyện Long thần tướng 4, nhân vật Long xưng "tôi" với Trần Quốc Toản, tỏ ý khiêm nhường với vị hầu, hoàng thân triều đình. 

Điều đó cho thấy, trước đây, nguồn gốc từ “tôi” cũng như “tớ”, vốn là chỉ đầy tớ, thuộc hạ, có thân phận thấp kém trong xã hội. “Tôi” từng được sử dụng rộng rãi trong cung đình lẫn dân gian, biểu thị sự khiêm nhường, thấp mọn.

Sách Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam trích dẫn ghi chép của giáo sĩ Marini những năm 1646 - 1658 về hình thức chào của người Việt, khi gặp vua người Việt thưa: “Tôi tâu đức Bua” (Tôi tâu đức vua); gặp Chúa thì thưa: “Tôi đoụ Ciúa” (Tôi dộng Chúa); với hoàng tử và các quan đại thần thì thưa rằng: “Tôi thân đức ôu” (Tôi thân Đức ông); với những người có địa vị cao hơn mình thì thưa: “Tôi cièng” (Tôi chiềng). Các ghi chép này có trong bản báo cáo “Sứ mệnh của những nhà truyền giáo Dòng Tên tại Nhật Bản, đặc biệt là nhiệm vụ tại Đàng Ngoài” của cha Marini.

Cách sử dụng từ “tôi” như vậy vẫn tiếp tục kéo dài đến hết thời Nguyễn. Sau khi nền báo chí xuất hiện và phổ biến tại Việt Nam, từ “tôi” tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong văn chính luận, song vẫn mang tính khiêm xung.

Cho đến nửa sau thế kỷ XX, đại từ “tôi” dần thay đổi sắc thái, chuyển từ thái độ khiêm hạ sang ngang hàng. Trong nhiều gia đình nông thôn hiện nay vẫn còn hiện tượng con cái xưng tôi với bố mẹ. Nhiều người theo đạo trước năm 1945 vào nhà thờ, vẫn có người xưng “tôi” trước Chúa, đến nay nhất loạt đổi sang từ “con”.

Bài viết của Trần Quang Đức bên cạnh nói về cách xưng hô khiêm hạ cũng khảo về cách xưng hô của người bề trên. "Ta", "tao", "min" là những đại từ nhân xưng được sử dụng của người ở vị thế cao. 

Cach xung ho cua nguoi Viet xua anh 3
Chi tiết trong sách Long thần tướng 4, cha của Long xưng "tao" khi nói với gia nô. 

Từ điển Việt - Bồ - La giải thích: “Ta: Người bề trên nói như vậy với người bề dưới, nhưng phải là những người bề dưới trang trọng”. Còn từ “tao” thì được giải thích: “Tao: Người trên nói với những người rất thấp như cha nói với con, người quyền quý nói với tiện dân”. Khi trẻ con cãi nhau, chúng cùng dùng từ “tao”.

Theo ghi nhận của Alexandre Rhodes, đến thời Lê, từ “tao” chỉ đơn giản là lời người bề trên nói với người thấp kém bề dưới. Ngày nay, từ “tao” đã chuyển đổi sắc thái, mang ý sỗ sàng, bỗ bã.

Từ điển từ cổ của Vương Lộc cũng ghi nhận đại từ nhân xưng “min”, dùng để nói với người dưới. Trong Thi cơm rượu, Trần Tế Xương viết: “Kể tuổi nhà min ngoại bốn mươi/ Văn minh khếp khểnh, học min lười”. Còn Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng viết: “Này này sự đã quả nhiên/ Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi”.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng cho rằng, cần phải hiểu cách sử dụng những từ ngữ lịch sử, nhất là đối với những người làm sách, phim, kịch... cổ phong.

Bởi hiểu rõ cách sử dụng từ ngữ tiếng Việt xưa sẽ tránh được sự mô phỏng kệch cỡm lời thoại từ cách sử dụng lời thoại từ những bộ phim cổ trang Trung Quốc; đồng thời mang lại sắc thái cổ phong cho lời thoại Việt. 




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm