Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi như ngừng thở khi nghe chuyện của nạn nhân bị Pol Pot tra tấn'

Theo tác giả "Về từ hành tinh ký ức", cuốn sách ghi lại ký ức những nạn nhân của quân diệt chủng Pol Pot, còn có những góc khuất kinh hãi hơn nhưng nạn nhân đã chết.

Về từ hành tinh ký ức là một cuốn ký sự ghi lại lời kể của những nhân chứng trong vụ quân Pol Pot thảm sát Ba Chúc (An Giang). Ghê rợn và phi nhân tính, ám ảnh, đầy sợ hãi nhưng cũng không thiếu sự quả cảm, cuốn sách tái hiện thảm sát của quân diệt chủng. Tác giả Võ Diệu Thanh kể về hành trình đi vào ký ức của các nhân chứng mang đầy thương tổn trên mảnh đất thấm đẫm máu năm nào.

Chúng ta trở thành nô lệ và con mồi của nỗi sợ

- Điều gì thôi thúc chị viết một ký sự về ký ức của những người ở vùng đất đã trải qua thảm sát kinh hoàng?

- Tôi không chứng kiến một lần đạn pháo nào cả. Nhưng do muốn có một đóng góp gì đó cho quê hương nên tôi viết về tất cả những buồn vui trên vùng đất nuôi lớn tôi, vùng đất oằn mình trong vết thương chiến tranh. Tôi trò chuyện với những quân nhân lẫn những người ngoại cuộc hết ngày này sang ngày khác.

Ai cũng từng đau khổ. Mà trong hình dung của tôi mọi thứ diễn ra tường tận như chính tôi là người trong cuộc. Tôi bị ám ảnh hết câu chuyện này tới câu chuyện khác. Tôi kể cho những người bạn nghe nỗi ám ảnh của mình. Nó sinh động tới mức bạn tôi trợn mắt với tôi: Trời ơi những câu chuyện khủng khiếp này một mình bà ôm sao mà chịu nổi, viết đi, bản thân nó đã đủ hình dung về một cuộc chiến tranh thảm khốc.

Vo Dieu Thanh va am anh ve hoa diet chung Pol Pot anh 1
Tác giả Võ Diệu Thanh. 

-  Để viết nên cuốn sách này, chị đã trải qua quá trình thu thập tư liệu như thế nào? Ngoài tư liệu đi thực tế, chị có tham khảo thêm sách báo viết về vụ thảm sát Ba Chúc?

- Vì những nhân vật đều là những người xung quanh tôi, duyên phận thế nào đó mà tôi gặp họ, ám ảnh những câu chuyện của họ. Tôi khôn lớn mấy mươi năm thì những gì tôi biết cũng gần chừng đó thời gian. Tôi không chủ động nhớ nhưng mọi thông tin đến rồi nó ở lại. Sao tôi có thể quên được.

Khi bắt tay viết tôi tốn một năm dọc theo biên giới. Từ câu chuyện người này tôi phăng ra người kia. Là để bổ sung, để xác minh những gì mình từng lưu giữ. Nghe thật nhiều, hệ thống thật nhiều. Tôi có đọc một số ít sách nhưng gần như không dùng tới vì tôi muốn đi một con đường khác.

- Chị có nghĩ các nhân chứng chị có được và chuyển tải trong sách là tiêu biểu cho thảm sát Ba Chúc? 

- Những nhân chứng trong Về từ hành tinh ký ức là một phần tiêu biểu của cuộc thảm sát. Mỗi người một góc, họ chứng kiến quá rành mạch cuộc thảm sát. Nhưng có những góc khuất kinh hãi hơn mà những nạn nhân đã chết rồi chỉ có thể kể lại bằng những tàn tích còn sót lại.

- Trong các nhân chứng, nhiều người đã cao tuổi, sức khỏe không tốt, thậm chí không còn minh mẫn nữa. Vậy chị làm cách nào để tiếp cận quá khứ của họ một cách chân thực nhất?

- Rất may là cô Tư Nga, nạn nhân không còn minh mẫn đã kể rất nhiều lần câu chuyện bản thân và những người thân bị giết trước khi cô không còn khả năng diễn đạt. Tôi đi tìm tất cả những người từng thân cận với cô để nghe một câu chuyện. Tôi không tin một ai hoàn toàn nhưng nhiều nguồn cùng một câu chuyện thì tôi tin tính xác thực của câu chuyện rất cao. Nhân vật chị Sương thì vẫn còn đủ tỉnh táo để xác định đúng sai khi những người xung quanh kể lại chuyện của chị.

- Quá trình đi thực tế, câu chuyện nào ám ảnh chị nhất?

- Trước khi đi thực tế tôi đã có khá nhiều thông tin tình cờ có được do tính hay thu thập. Nhưng khi đi thực tế, nhìn cô Tư Chỉnh và chú Tư Long kể chuyện, đối diện với khúc cây đập vào đầu và chết, rồi tỉnh lại giữa đống xác chết của người thân, tôi cảm giác ngột ngạt tưởng như sắp ngừng thở. Sự sống quá hiếm hoi, đặt mình trong hoàn cảnh họ... ?Tôi cứ thẫn thờ như người mất hồn như vậy.

Chuyện của thím Ba ở gần nhà thì ám ảnh tôi hơn. Người thân thím chết hay sống. Họ đang ở đâu. Hình dung về sự sinh ly suốt đời, nỗi nhớ nó còn lớn hơn cả tử biệt trong khi tử biệt đã là vô cùng đáng sợ.

Vo Dieu Thanh va am anh ve hoa diet chung Pol Pot anh 2
Sách Về từ hành tinh ký ức. Ảnh:

- Xộc thẳng vào độc giả khi đọc cuốn sách này là tội ác kinh hoàng của quân diệt chủng Pol Pot. Nhưng ngoài tố cáo cái ác, chị muốn gửi gắm điều gì sâu xa hơn trong cuốn sách?

- Chúng ta trở thành nô lệ và con mồi ngon lành của nỗi sợ. Sợ bất công, sợ chết nhưng cuối cùng kéo nhau xuống mồ. Pol Pot sợ bất công mới xây dựng một xã hội không tưởng và giết chóc. Trong trung tâm của cái ác, hai người phụ nữ không sợ gì hết đã đem lại sự sống yên lành cho hàng vạn người.

Tôi muốn nói đừng sợ và đừng chiến. Đừng nên đẩy con người ra khỏi vòng tay thiên nhiên. Bài học cho những ý tưởng muốn bẻ gãy quy luật tạo hóa.

- Đã có những bài viết về chiến tranh biên giới, chị làm thế nào để tác phẩm của mình đặc sắc và mới mẻ?

- Đó là khả năng diễn đạt sống động những gì nhân vật kể lại. Tôi có khả năng hình dung rất rõ nét, chuyển tải sinh động. Những nhân vật đã đọc lại những lời kể của mình qua cách viết của tôi hàng chục lần mà vẫn còn ngạc nhiên. Họ đi tìm sự kỳ lạ trong chính câu chuyện mình đã kể.

"Chiến tranh hằn lên từng phận đàn bà quanh tôi"

- Đọc “Về từ hành tinh ký ức” thấy phảng phất tư duy, nỗi niềm của người trong cuộc. Liệu chị hoặc người thân có liên quan gì đến vụ thảm sát không?

- Người thân tôi không liên quan vụ thảm sát nhưng liên quan đến chiến tranh. Vết thương chiến tranh hằn lên từng phận đàn bà quanh tôi. Họ gần như đã mất hết sự sống. Tôi đã sống với họ và nhìn trong mắt, trong nếp nhăn của họ là những giọt nước mắt khô cứng như những mảnh thủy tinh, mà ngay cả máu cũng ngưng vận chuyển. Trời ơi, sao mà họ sống được.

- Có ý kiến cho rằng cuốn sách của chị hơi ít dữ liệu, trong khi đó, tính văn chương lại đậm đặc hơn rất nhiều, ở một số đoạn, cảm giác như ký ức nhân vật qua lời kể của chị đã văn chương hóa hơn là một tư liệu lịch sử. Chị nghĩ sao về nhận định ấy?

- Độc giả cảm thấy ngột vì dữ liệu quá thảm khốc. Nhiều đoạn tôi đã phải giãn ra cho người đọc được nhẹ nhàng hơn. Nhưng khá đông độc giả đã phải đọc thành nhiều đợt vì họ không đủ sức chứng kiến liên tục dòng chảy bạo liệt của chiến tranh. Văn chương thì hẳn rồi. Nhưng dữ liệu lịch sử là xác thực và đầy đặn trong phạm vi câu chuyện. Chỉ có điều nó được văn chương tạo nên một sức sống mới, dễ hấp thụ nhất.

- Có nhiều vụ thảm sát của Pol Pot như ở Hà Tiên hay Thổ Chu, chị có nghĩ mình sẽ tiếp tục đề tài này ở một vùng đất khác?

- Tôi vẫn cứ luôn chối từ với chiến tranh. Liệu tôi có sống nổi không khi cứ tư duy với những chất liệu giết nhau và giết nhau nhiều hơn nữa. Nhưng vì nó cần thiết, nếu ở một thời gian khác, một cách khác.

Vo Dieu Thanh va am anh ve hoa diet chung Pol Pot anh 3
Xương nạn nhân được phân loại để bảo quản trong nhà mồ Ba Chúc. Ảnh: baotanglichsuvn

- Là một giáo viên, điều gì khiến chị theo đuổi công việc viết lách, tìm tòi tư liệu như vậy? Chị đã sắp xếp thời gian như nào để có thể theo đuổi công việc này?

- Tôi từ chối viết văn từ rất sớm vì thấy nó quá xa xỉ. Chòm xóm tôi, ngay cả những thầy cô giáo còn dạy nhau lấy thúng đong lúa chớ không ai lấy thúng đong chữ. Nhưng tôi đã bất lực với những bi kịch trong cảm xúc. Chỉ có tìm hiểu tận tường kiểu văn chương mới giải mã được những góc khuất đầy ẩn ức của từng phận người, mới giúp tôi nhìn những mảng đen cuộc sống không còn định kiến nữa.

Tôi viết trong tất cả những giờ không đứng lớp. Có đôi khi chỉ đủ thời gian cho tôi viết được một vài câu, vài chữ.

- Cuộc sống của những nhân chứng Ba Chúc trong cuốn sách của chị giờ ra sao?

- Có những người bị tổn thương nặng quá đã không còn nhớ gì nữa. Có người vẫn bình thường, sống rất vui tươi lạc quan. Những đau thương cứ muốn kể mãi nhưng kể ra càng mệt mỏi đau buồn. Cuốn sách như một người kể thay họ. Họ cảm thấy hình như nỗi đau đớn sợ hãi kia không còn của riêng mình nữa. Nó đã là nỗi đau chung nên lòng cũng thấy ấm áp hơn nhiều.

Võ Diệu Thanh sinh năm 1975, hiện là giáo viên mỹ thuật tại THCS Chợ Vàm, Tân Phú, An Giang. Chị là tác giả của một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết như: Cô con gái ngỗ ngược, Gạt nước mắt đi, Lần đầu thấy trăng, Siêu nhân cua.

Chị đạt một số giải thưởng như: Giải nhì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20; giải C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải nhì Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tội ác kinh hoàng của quân Pol Pot qua ký ức người An Giang

Có hàng nghìn câu chuyện ghê rợn về Pol Pot đã kể, và Võ Diệu Thanh phơi bày tội ác quân diệt chủng khi dìm người dân Ba Chúc trong biển máu thông qua ký ức người sống sót.





Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm