Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tội ác kinh hoàng của quân Pol Pot qua ký ức người An Giang

Có hàng nghìn câu chuyện ghê rợn về Pol Pot đã kể, và Võ Diệu Thanh phơi bày tội ác quân diệt chủng khi dìm người dân Ba Chúc trong biển máu thông qua ký ức người sống sót.

Chiến tranh đã trôi qua từ lâu, đóng lại trong một quá khứ đen tối. Nhưng những vết thương mà nó gây nên trong tâm hồn và trên cơ thể của những người sống sót qua cái chết đạn bom, đã trở thành những vết sẹo xấu xí - những vết sẹo mang trong chúng những câu chuyện thấm đẫm máu và nước mắt của những số phận Về từ hành tinh kí ức.

Không thiếu những tiểu thuyết hay truyện ngắn viết về thời chiến, nhưng đến với Về từ hành tinh ký ức, Võ Diệu Thanh tái hiện một cách chân thật đến tàn nhẫn nạn diệt chủng Pol Pot đã lấy đi tính mạng hàng ngàn người ở Ba Chúc và nhiều nơi khác trên vùng đất An Giang.

Nỗi đau những người sống sót

Những mảnh đời may mắn thoát khỏi móng vuốt tử thần nhưng mất gia đình mất con, những nữ chiến sĩ dũng cảm đương đầu với địch, những đứa trẻ tội nghiệp hoặc phải chứng kiến cái chết ngay trước mắt hoặc bị giết một cách dã man….

Toi ac Pol Pot qua ky nguoi Ba Chuc anh 1
Ký sự Về từ hành tinh ký ức của Võ Diệu Thanh. Ảnh: TĐ.

Bao nhiêu năm trôi qua, Ba Chúc lại sống dậy, sự sống vẫn tiếp tục trên mảnh đất đã từng thấm đẫm tang thương đó, còn quá khứ tuy không bị lãng quên nhưng bị đẩy đi, bị xếp tất cả vào một góc sâu kín trong tâm hồn, như thuộc về một hành tinh mà Võ Diệu Thanh sẽ dẫn chúng ta qua những ngóc ngách tối tăm, lạnh lẽo nhuộm màu đỏ của nó. Mà chính cô, người tự nhận mình là “kẻ ngoại cuộc”, cũng phải bước vào một “cuộc chiến” mà mình không thể tránh khỏi, để trở thành người “ôm những miền ký ức”.

“Mấy mươi năm đã qua, tôi ôm những miền kí ức của ai? Không phải của tôi, mà sao nặng nề quá đỗi. Nó thường đáo lại trong tôi qua cơn ác mộng, ví như một cuộc tử hình, một cuộc đối đầu trực diện và xả súng vào nhau. Như chính tôi là người làm nên những đau đớn đó”.

Võ Diệu Thanh lên đường đi tìm những người sống sót từ nạn diệt chủng Ba Chúc, và ghi chép lại những câu chuyện, tận mắt chứng kiến nỗi đau hiện lại trên những gương mặt khắc khổ, những thương tích cả thể xác lẫn tâm hồn.

Có những người vì quá khứ mà bao năm trôi qua, họ đã miễn nhiễm với những nỗi sợ. Cô giáo ở Châu Phong, An Giang chứng kiến cảnh người cha thân thương của mình bị đập đầu, bị giết một cách tàn nhẫn, “một dòng lạ lẫm bắn vào mặt tôi. Rất mau tôi định hình được cái dòng lạ lẫm đó là sự sống, là linh hồn, là tất cả những gì anh chị em và má tôi nương tựa”, năm cô mới mười tuổi. Cô nói rằng mình đã có thể chết lắm, hoặc tê liệt vì những ám ảnh, nhưng sự sống bên trong vẫn cứ mạnh mẽ tiếp tục, nhưng một phần trong cô đã chết rồi cùng với sự ra đi của người cha. Cô không còn gì để sợ nữa.

Chị Sương, cô bé mười một tuổi trong những năm tháng tàn khốc của nạn diệt chủng sống sót cho dù mang hai vết thương nặng ở ngực và đầu, vẫn cố lê lết trong ngôi làng tan hoang như một bóng ma, bẻ những trái xoài, me nước ăn cầm hơi. Đêm đêm cô bé lại quay về nằm ngủ bên xác người cha mình, cứ như vậy suốt mười ngày ròng. Vết thương đã cướp đi tiếng nói của chị Sương, vậy mà trong những ngày tận thế lang thang trong ngôi làng chết chóc toàn xác người, dòi bọ cùng mùi tanh hôi, chị đã đánh gạt Tử Thần để tiếp tục sự sống.

Toi ac Pol Pot qua ky nguoi Ba Chuc anh 2
Nhà mồ Ba Chúc chứa sọ hơn 1.000 sọ nạn nhân trong vụ thảm sát.

Rồi cô Tư Chỉnh, hai lần chết đi rồi sống lại, mang vết thương trên đầu cùng những người khác vật lộn trong rừng vừa đói khát, đau đớn vừa phải trốn bọn Pol Pot săn đuổi… Những người mẹ, người cha mất con. Anh Út Nam phải hi sinh đứa con đỏ hỏn mới hai tuổi, những người ông, người cha xót xa phải bịt mũi những đứa bé khiến chúng im lặng mãi tiếng khóc, để quân Pol Pot không nghe thấy mà phát hiện ra và giết chết những người khác.

Rồi họ vẫn sống, vẫn tiếp tục bám trụ trên mảnh đất đẫm xương máu đó, rồi sinh con đẻ cái, mà một phần cuộc đời quá khứ được cất đi trong một góc, nén giữ thật sâu trong trí nhớ, nhưng vẫn luôn hiện hữu, ám ảnh… “Quên ám ảnh, quên những gì từng chứng kiến thì có muốn cũng không được. Nhưng nếu nhớ, liệu ta còn ngồi đây được mà tỉ mẩn với chén cơm manh áo nữa không?... Nhưng ta vẫn sống vẫn trang giành này nọ và mọi chuyện vẫn hiện rất rõ”.

Những người phụ nữ không sợ quân Pol Pot

Những câu chuyện về nữ tù chính trị, những cô gái mới mười chín, đôi mươi xung phong ra mặt trận để chiến đấu chống quân địch, bảo vệ cho những người thân, gia đình mình được nhà văn ghi chép thật cẩn thận, khiến ta nhói đau khi đọc. Họ dũng cảm chiến đấu, đương đầu đối mặt với những tên Pol Pot tàn ác; bị tra tấn một cách tàn độc bằng đủ hình thức, nhưng bao nhiêu đớn đau thể xác cũng không đủ mạnh để quật ngã tinh thần của những nữ tù nhân kiên cường.

Hình ảnh cô gái trẻ mới tuổi đôi mươi quyết định rời cuộc sống êm ả theo đuổi lý tưởng cao cả, bất chấp tính mạng mình lội đồng ngập nước trong màn đêm tối đen như mực về báo tin chiến trường cho những người dân làng ngày ngày mong chờ, rồi xin lương thực, thuốc men để giúp đỡ cho bộ đội chiến đấu. Kể cả khi bị giặc bắt, sử dụng đủ những ngón trò tra tấn đến nát bấy cơ thể người con gái tội nghiệp, ngay cả cái chết cũng không thể bẻ gãy được ý chí thép của cô.

Đó là câu chuyện về hai nữ chiến sĩ Hai A và Năm Chăm, quyết chiến tới cùng với quân địch nơi mặt trận để bảo vệ mạng sống của bao bà con vùng biên, sẵn sàng xả thân nếu cần. Có những giờ phút nguy hiểm và cái chết cận kề, những đồng đội hy sinh hay bị giết ngay trước mặt, pháo đài bị đe dọa, nhưng hai người phụ nữ cùng những người lính vẫn không lùi bước.

Toi ac Pol Pot qua ky nguoi Ba Chuc anh 3
Cuốn sách còn là câu chuyện của những người kiên cường xả thân bảo vệ quê hương.

Khi đó, nỗi sợ cái chết bị gạt sang bên, chỉ còn chỗ cho lòng dũng cảm: “Chiến tranh, cái đáng sợ nhất là cái chết thì tôi cũng xem nó là bình thường. Ngày nào mà không nhìn thấy cái chết… Mọi người vẫn chết đó mà tôi thấy có gì đáng sợ đâu. Bùm một cái xong cuộc chơi”.

Chiến tranh có tang thương, có tàn khốc đến đâu thì không thể dập tắt nổi sự sống và hy vọng. Những nỗi đau nay thành sẹo, những quá khứ cũng thành kỷ niệm và vùng đất Ba Chúc ngày nào vẫn tiếp tục đi lên, gây dựng từ những miền ký ức…

“Họ vẫn sống nơi họ từng chết, hay thật nhiều yêu thương từng bị giết. Cây dầu đứng giữa đất Ba Chúc chứng kiến sự chết như vũ bão cũng chứng kiến sự sống trở về ngày càng ngồn ngộn”….




Phó Minh Châu

Bạn có thể quan tâm