Trong ngày 1/5, hàng trăm công nhân đã tập trung gần đài tưởng niệm quốc gia Indonesia. Họ vẫy cờ sặc sỡ của các nhóm hoạt động vì quyền lợi công nhân và mang theo biểu ngữ yêu cầu bãi bỏ dự luật tạo việc làm mới của nước này. |
Theo ông Said Iqbal, Chủ tịch Liên đoàn Các nghiệp đoàn lao động Indonesia, có khoảng 50.000 công nhân từ 3.000 công ty và nhà máy tham gia vào các cuộc biểu tình. Cảnh sát triển khai 6.300 người đảm bảo an ninh, yêu càu người biểu tình tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội. |
Luật lao động mới này được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động, khi nó cắt giảm thời hạn của các gói trợ cấp nghỉ việc, cho phép các công ty thuê nhân viên từ các công ty bên ngoài, cũng như cắt giảm chế độ nghỉ thai sản và kinh nguyệt của phụ nữ. |
Các công nhân cũng yêu cầu được tiếp cận với việc tiêm chủng phòng dịch Covid-19, trong bối cảnh nước này hiện dẫn đầu ASEAN về số ca nhiễm và tử vong do dịch. Họ cũng kêu gọi chính phủ tăng cường hỗ trợ tài chính, khi nạn thất nghiệp và nạn đói tăng lên cùng đại dịch. |
Những người biểu tình khác lại đặt hình nộm các ngôi mộ lên phố để tượng trưng cho tương lai vô vọng và không chắc chắn của họ. "Dự luật tạo việc làm mới đã chôn vùi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn của chúng tôi", Riden Hatam Aziz, một trong những người tổ chức biểu tình, cho biết. |
Dự luật tạo việc làm trên được Tổng thống Joko Widodo đã ký luật vào tháng 11/2020, bất chấp các cuộc biểu tình biến thành bạo lực tại nhiều thành phố ở Indonesia. Đạo luật mới này đã sửa đổi 77 luật trước đó, và chính quyền của ông Widodo hy vọng nó sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn. |
Liên đoàn Các nghiệp đoàn lao động Indonesia và hàng chục tổ chức khác đã đệ đơn kiện dự luật này lên Tòa án Hiến pháp. "Tình hình khó khăn do đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và đình công hơn trong năm nay", ông Iqbal nói. Trong ngày 30/4, Indonesia ghi nhận 5.500 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 1,67 triệu. |