"Chúng tôi phản đối họ vì việc này không được thực hiện thông qua RPTKA (Kế hoạch Tối ưu Lao động Nước ngoài) đã được phê duyệt bởi Bộ Nhân lực", Sulkarnain, người đứng đầu phân hội Kendari của Hội Sinh viên Hồi giáo, nhóm tổ chức biểu tình, nói.
"Vì vậy, chúng tôi coi những lao động nước ngoài này là bất hợp pháp", anh tuyên bố, theo South China Morning Post.
Người biểu tình tại sân bay Kendari tối 14/7. Ảnh: SCMP. |
Sulkarnain cho biết người biểu tình muốn chính phủ chấm dứt việc cho lao động Trung Quốc nhập cảnh và những người đã ở Sulawesi phải bị trục xuất.
Khoảng 100 sinh viên đã biểu tình bên ngoài sân bay Kendari, thủ phủ tỉnh Sulawesi Tenggara, và ngăn cản phương tiện rời khỏi khu vực để tìm kiếm lao động Trung Quốc.
Sulkarnain cho hay hơn 120 lao động Trung Quốc đã đến vào tối 14/7, được cảnh sát và binh sĩ "có vũ trang đầy đủ" hộ tống rời sân bay. Anh nói người biểu tình không có ý định làm hại các lao động nhập cư mà chỉ muốn họ rời khỏi Indonesia, và cho biết sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình vào tuần tới.
Các công nhân được thuê bởi hai công ty khai khoáng PT Virtue Dragon Niken (VDNI) và PT Obsidian Inox (OSS) có vốn đầu tư Trung Quốc để lắp đặt 33 lò luyện kim cho PT OSS.
Các biểu tình chống công nhân Trung Quốc ở Sulawesi, Indonesia, bắt đầu từ tháng 3. Ảnh: Sulkarnain. |
Jakarta Post dẫn lời các công ty nói rằng họ cần phải đưa công nhân Trung Quốc sang vì thiếu lao động địa phương có năng lực, và một khi thiết bị đã sẵn sàng, họ sẽ thuê 3.000 lao động địa phương. Các lao động nước ngoài dự kiến ở Indonesia trong 6 tháng và sẽ về nước sau khi việc lắp đặt hoàn tất.
Giám đốc đối ngoại của VDNI, Indrayanto, được dẫn lời nói rằng nếu 500 lao động từ Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh, khoảng 3.000 việc làm tại địa phương sẽ gặp rủi ro. Ông nói người biểu tình gây rối trật tự công cộng và ảnh hưởng đến công ty.
Ông cho biết khoảng 300 lao động Trung Quốc đã đến Sulawesi, tính đến hôm 15/7.
Tính đến tháng 5, có 98.900 người nước ngoài làm việc tại Indonesia, chiếm chưa tới 0,1% trong tổng số 124 triệu lao động, theo số liệu của chính phủ. Nhóm lao động lớn nhất - 35.781 người - đến từ Trung Quốc, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt chiếm vị trí thứ hai và thứ ba với 12.823 và 9.097 người.
Trung Quốc là nước có đầu tư trực tiếp lớn thứ hai tại Indonesia, với tổng cộng 4,7 tỷ USD vào năm ngoái.