Lực lượng cứu hộ tại hiện trường sau vụ động đất ở Dingri, thành phố Shigatse, thuộc khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tâm chấn của trận động đất có cường độ 6,8 này nằm cách Núi Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, khoảng 80 km về phía bắc.
Các đợt rung chấn cũng làm rung chuyển các tòa nhà ở các nước láng giềng Nepal, Bhutan và Ấn Độ. Tác động được cảm nhận trên khắp vùng Shigatse thuộc khu tự trị Tây Tạng, nơi sinh sống của 800.000 người.
Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) xác định trận động đất có độ lớn 6,8 độ xảy ra ở vị trí 28,5 độ vĩ Bắc và 87,45 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu 10 km.
Ngoài 126 người thiệt mạng, hãng thông tấn Tân Hoa xã công bố 188 người khác bị thương trong trận động đất ở Tây Tạng. Hiện chưa có ghi nhận thương vong ở khu vực khác.
Các hình ảnh phát trên kênh truyền hình nhà nước CCTV cho thấy những người cứu hộ thực hiện hô hấp nhân tạo cho một người bị thương và các binh sĩ đang dựng nơi trú ẩn tạm thời.
Ngay sau khi xảy ra trận động đất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra chỉ thị quan trọng, yêu cầu triển khai toàn diện công tác tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thấp nhất thương vong, bố trí chỗ ở hợp lý cho những người bị ảnh hưởng, đảm bảo cho những người bị ảnh hưởng vượt qua một mùa đông an toàn và ấm áp.
Tân Hoa xác cho biết hơn 1.500 lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ đã được điều động đến các khu vực bị ảnh hưởng. Khoảng 22.000 đơn vị hàng cứu trợ bao gồm lều, áo khoác, chăn và giường gấp cũng đã được gửi tới vùng gặp nạn.
Theo Reuters, các ngôi làng ở Tingri, nơi có độ cao trung bình khoảng 4.000-5.000 m ghi nhận sự rung chuyển mạnh trong trận động đất, sau đó là hơn 150 dư chấn có cường độ lên tới 4,4.
Có thể thấy mặt tiền các cửa hàng bị đổ nát trong một video trên mạng xã hội cho thấy hậu quả ở thị trấn Lhatse. Ba thị trấn và 27 ngôi làng nằm trong phạm vi 20 km tính từ tâm chấn, với tổng dân số khoảng 6.900 người và hơn 1.000 ngôi nhà bị hư hại, Tân Hoa xã đưa tin.
Các khu vực phía tây nam của Trung Quốc, Nepal và miền Bắc Ấn Độ thường xuyên xảy ra động đất do sự va chạm của các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu.
Kể từ năm 1950, đã có 21 trận động đất có cường độ 6 trở lên ở nơi được gọi là khối Lhasa, trong đó trận lớn nhất là trận động đất có cường độ 6,9 độ ở Mainling vào năm 2017, theo CCTV.
Mainling nằm ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo của Tây Tạng, nơi Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Một trận động đất có cường độ 7,8 độ xảy ra gần thủ đô Kathmandu của Nepal vào năm 2015, khiến khoảng 9.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Đây được ghi nhận là trận động đất tồi tệ nhất từ trước đến nay ở đất nước này. Trong số những người thiệt mạng có ít nhất 18 người tại base camp Núi Everest khi nơi này xảy ra hiện tượng tuyết lở.
Hôm 7/1, cư dân phản ánh cảm nhận được chấn động ở Kathmandu, cách tâm chấn khoảng 400 km, và nhiều người dân trong thành phố đã chạy ra khỏi nhà.
"Chiếc giường rung chuyển và tôi nghĩ con tôi đang quậy làm di chuyển giường... Tôi không để ý nhiều lắm nhưng tiếng rung chuyển phía cửa sổ khiến tôi hiểu rằng đó là động đất", cư dân Kathmandu - Meera Adhikarii - cho biết. "
"Tôi vẫn còn run vì sợ hãi và bị sốc".
Một người bị thương ở Kathmandu vì nhảy từ trên nóc nhà xuống sau khi cảm thấy rung lắc mạnh, người phát ngôn của Cảnh sát Nepal Bishwa Adhikari cho biết.
Trận động đất cũng làm rung chuyển Thimphu, thủ đô của Bhutan, và tiểu bang Bihar ở phía bắc Ấn Độ giáp với Nepal.