Những người biểu tình phản đối luật lao động mới gồm nhiều điều khoản, dài khoảng 950 trang sửa đổi của hơn 75 điều luật. Luật mới bảo vệ tầng lớp giàu có bằng cách cho phép các công ty cắt giảm lương của người lao động, bỏ bớt ngày nghỉ phép và thuê nhân viên hợp đồng thay cho nhân viên cố định. |
Những người phản đối nói rằng điều luật sẽ ảnh hưởng đến hầu hết phụ nữ vì các công ty được phép cắt giảm chế độ nghỉ thai sản và kinh nguyệt được hưởng lương như trước, theo New York Times. |
“Tổng thống đang trả ơn cho các nhà tài chính giúp ông ấy thắng cử, chứ không phải những người bình thường bỏ phiếu cho ông ấy”, anh Ermawati, 37 tuổi, lãnh đạo một cuộc đình công ở Đông Java, nói. |
Chính phủ Indonesia hy vọng điều luật mới sẽ thu hút đầu tư. 153 công ty đã sẵn sàng đầu tư vào Indonesia khi luật có hiệu lực, tạo ra nhiều việc làm mới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo biểu tình cho rằng chế độ đãi ngộ người lao động sẽ bị suy yếu, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong ảnh, người biểu tình đứng trước đồn cảnh sát đang bốc cháy ngùn ngụt ở Jakarta hôm 8/10. |
Hàng chục nghìn người lao động đã tham gia vào ngày thứ 3 của cuộc đình công toàn quốc để đòi bãi bỏ luật mới. Biểu tình đã lan rộng ra hơn 60 địa điểm của “đất nước vạn đảo”, trải dài từ tỉnh Aceh ở phía tây đến tỉnh Papua cách đó hơn 4.800 km ở phía đông. Những người tổ chức ước tính khoảng một triệu người đã xuống đường mỗi ngày, dù trên thực tế con số này không thể xác minh được. |
Người biểu tình đi bộ, xe đạp hoặc xe tải bấm còi ầm ĩ. Họ lên án quốc hội và Tổng thống Joko Widodo vì đã thúc đẩy thông qua điều luật này. Các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra trong ôn hòa, nhưng tại một số thành phố, người tham gia đã đụng độ với cảnh sát. |
Tại trung tâm thủ đô Jakarta, những người biểu tình đã tụ tập bất chấp lệnh hạn chế của thành phố về phòng chống dịch Covid-19. Họ tuần hành tới dinh tổng thống, một số ném đá về phía cảnh sát, đốt phá một đồn cảnh sát và hai trạm chờ xe. |
Cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và phun vòi rồng để giải tán đám đông ở thủ đô hôm 8/10. Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ hơn 800 người ở Jakarta. Nhưng hiện chưa có thống kê về số người bị thương. |
Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nhưng lại gặp bất lợi khi cạnh tranh với một số nước láng giềng về đầu tư nước ngoài. Jakarta trở thành quốc gia dân chủ kể từ khi chế độ độc tài Suharto sụp đổ hơn hai thập kỷ trước. Kể từ đó, cứ 5 năm Indonesia lại tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lớn nhất thế giới. |
Tổng thống Widodo, người từng là thị trưởng Jakarta và nhà sản xuất đồ nội thất một thời, tự nhận ông luôn hướng đến lợi ích của người lao động. Trên cương vị tổng thống, ông đã tập trung vào phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng đường sá, cảng và sân bay. Trong ảnh, người bán đồ uống dạo lấy tay che mũi, miệng khi đi qua đồn cảnh sát bị đốt cháy gần dinh tổng thống ở Jakarta hôm 9/10. |
Các sĩ quan cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay vào cuộc biểu tình phản đối sửa đổi luật lao động ở Semarang, tỉnh Trung Java, Indonesia, hôm 7/10. |
Người biểu tình xô đổ hàng rào của cảnh sát trong cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Hội đồng Nhân dân ở Semarang, tỉnh Trung Java, Indonesia, hôm 7/10. |
Thành phần biểu tình gồm cả sinh viên. Trong ảnh, một sinh viên đại học phản đối đề xuất sửa đổi luật lao động ở Makassar, tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia, hôm 6/10. |