Các cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch gia hạn Luật Tự trị Đặc biệt, mà người dân Papua cho là không đủ để giúp vùng nghèo nhất của Indonesia.
“Bất chấp các khoản tiền rót xuống, y tế vẫn không được đảm bảo, giáo dục vẫn chỉ ở mức tối thiểu”, sinh viên Ayus Heluka nói sau khi đi biểu tình ở Jayapura.
Luật Tự trị Đặc biệt năm 2001, dự kiến hết hạn năm 2021, về lý thuyết sẽ cho các tỉnh Papua và Tây Papua một phần doanh thu lớn hơn từ tài nguyên của các nơi này, kèm theo quyền tự trị cao hơn về chính trị.
Hai tỉnh này chiếm nửa phía tây của đảo New Guinea. Quyền kiểm soát về chính trị tại đây đã là chủ đề tranh chấp hơn nửa thế kỷ nay, và Indonesia thường xuyên bị cáo buộc trấn áp bạo lực các phong trào đòi độc lập, theo Guardian.
Người biểu tình đòi độc lập ở tỉnh Tây Papua, phản đối việc Indonesia gia hạn luật tự trị. Ảnh: Guardian. |
Cảnh sát tỉnh Papua cho biết cảnh sát đã bắn cảnh báo, nhưng phủ nhận cáo buộc làm bị thương hai sinh viên hay bắt giữ ba người khác. Video trên mạng xã hội cho người nhiều người phải chạy đi sau khi có tiếng súng.
Căng thẳng giữa cảnh sát và các nhóm ly khai đã gia tăng ở Papua những tuần qua, sau cái chết của hai dân thường và hai lính, trong đó bao gồm một linh mục Thiên chúa giáo nổi tiếng bị bắn chết.
Vùng đất này từng là thuộc địa của Hà Lan, sáp nhập vào Indonesia sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 1969 do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Nhưng cuộc trưng cầu này bị phê phán là gian lận, với chỉ hơn 1.000 người Papua được chỉ định tham gia.
Sinh viên biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta, đòi Mỹ nhận trách nhiệm vì đã ký hiệp định 1962 giữa Hà Lan và Indonesia, trao tỉnh Papua cho Indonesia. Ảnh: AFP. |
Người dân Papua đa phần muốn phản đối quy chế tự trị đặc biệt, và đòi hỏi một cuộc trưng cầu tự do đòi độc lập, theo Guardian.
Lãnh đạo sống lưu vong của tỉnh Tây Papua, Benny Wenda, nói Indonesia đã hứa cho người dân Tây Papua sự tự trị 50 năm nay.
“Giữa lúc luật tự trị đặc biệt hết hạn năm nay... người dân Tây Papua đang đoàn kết lại để bác bỏ ‘sự tự trị’ do Indonesia kiểm soát. Chỉ có một giải pháp cho vấn đề của chúng ta: một cuộc trưng cầu dân ý về mong muốn độc lập”.
Indonesia khẳng định hai tỉnh Papua và Tây Papua là bộ phận không thể tách rời của nước này, và luôn nói đang nỗ lực phát triển khu vực.