Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

50.000 binh sĩ NATO bắt đầu tập trận lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh

50.000 binh sĩ, 10.000 phương tiện chiến đấu, 65 tàu chiến và 250 máy bay bắt đầu cuộc tập trận Trident Juncture. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong vòng 20 năm trở lại.

Sáng sớm 25/10, hàng chục nghìn binh sĩ bắt đầu cuộc tập trận Trident Juncture 18 tại Na Uy. Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến 23/11 và nhằm chứng minh rằng NATO vẫn thống nhất, bất chấp những nghi ngờ về tính đoàn kết của liên minh kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, AFP đưa tin.

Trident Juncture 18 quy tụ 50.000 binh sĩ, 10.000 phương tiện chiến đấu, 65 tàu chiến và 250 máy bay từ 31 quốc gia, gồm 29 nước thành viên NATO và 2 nước đối tác là Thụy Điển và Phần Lan. Cuộc tập trận mô phỏng kịch bản quân đội NATO bảo vệ quốc gia thành viên bị xâm lăng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Trong những năm gần đây, môi trường an ninh ở châu Âu đã xấu đi rất nhiều. Trident Juncture gửi một thông điệp rõ ràng đến bất kỳ kẻ thù tiềm năng nào rằng NATO không tìm kiếm sự đối đầu nhưng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ đồng minh chống lại bất kỳ mối đe dọa nào”, ông nói với các phóng viên hôm 24/10.

Nhằm vào Nga

Người đứng đầu NATO không nói rõ kẻ thù tiềm năng là ai nhưng giới phân tích cho rằng mục đích cuộc tập trận nhằm vào Nga. Quốc gia này có chung biên giới dài 198 km với Na Uy ở phía bắc. Trong những năm gần đây, Nga thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn, điển hình là tập trận Vostok 2018 vừa qua được đánh giá là có quy mô lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

NATO tap tran lon nhat 20 nam anh 1
Xe thiết giáp Mỹ vượt sông bằng phà đến khu vực tập trận tại Na Uy. Ảnh: US Army.

Đại sứ quán Nga tại Oslo gọi Trident Juncture là cuộc diễn tập nhằm chống Nga. “Hoạt động như vậy rõ ràng là hành động khiêu khích quá giới hạn, ngay cả khi họ cố gắng biện minh bản chất của nó là phòng thủ”, đại sứ quán Nga cho biết trong một tuyên bố.

Trong những tháng gần đây, Moscow tỏ ra giận dữ với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của phương Tây trong khu vực gần biên giới Nga. Quân đội Mỹ, Anh đã tăng cường triển khai quân đến Na Uy để làm quen với điều kiện thời tiết lạnh giá.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên án những gì bà gọi là “cuộc đấu tranh” của NATO và tuyên bố Moscow sẽ có hành động đáp trả thích ứng. Căng thẳng giữa Mỹ và Nga tiếp tục gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga vào cuối tuần trước, một động thái mà Moscow cảnh báo có thể làm tê liệt an ninh toàn cầu.

Quân đội Mỹ gặp nhiều rắc rối

Bất chấp những lo ngại về cam kết của Tổng thống Trump với liên minh, quân đội Mỹ là lực lượng có quân số lớn nhất trong cuộc tập trận với 14.000 binh sĩ, gồm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN-75).

NATO tap tran lon nhat 20 nam anh 2
Tàu đổ bộ của Mỹ buộc phải quay lại cảng vì biển động quá mạnh gây hư hại cho boong tàu. Ảnh: US Navy.

Quân đội Mỹ đã triển khai lực lượng đến Na Uy nhiều ngày trước để chuẩn bị cho cuộc tập trận, nhưng mọi việc diễn ra không suôn sẻ. Hôm 23/10, 4 lính Mỹ bị thương vì tai nạn giao thông khi họ chuyển hàng hóa đến Kongens Gruve, Na Uy, để hỗ trợ cho cuộc tập trận.

“Vụ tai nạn xảy ra khi 3 chiếc xe va chạm với nhau và chiếc thứ 4 trượt khỏi mặt đường và lật ngửa khi cố gắng tránh những chiếc xe phía trước”, Reuters trích thông báo của Trung tâm thông tin quân đội Mỹ cho biết.

NATO tap tran lon nhat 20 nam anh 3
Bản đồ khu vực tập trận ở Na Uy. Đồ họa: Quân đội Na Uy.

Trên biển, tàu chiến Mỹ cũng gặp sự cố. Tàu đổ bộ USS Gunston Hall, một phần của nhóm tàu vận tải đảm nhận việc vận chuyển phương tiện chiến đấu cho Thủy quân lục chiến Mỹ phải quay lại cảng Reykjavik, Iceland vào ngày 22/10, sau khi biển động mạnh gây hư hại tàu và gây thương tích cho thủy thủ.

Hạm đội 6 cho biết boong chìm và phương tiện đổ bộ bên trong bị hư hại. Tàu buộc phải quay trở lại cảng để đánh giá thiệt hại và chưa biết khi nào sẽ trở lại hoạt động. USS New York, một tàu đổ bộ khác trong nhóm tàu vận tải cũng phải trở lại cảng  Reykjavik vì biển động quá mạnh.

Phát ngôn viên Hạm đội 6 cho biết các tàu đổ bộ sẽ ở lại cảng cho đến khi điều kiện thời tiết trên biển tốt hơn. 2 tàu đổ bộ này chở theo 4.000 thủy thủ và thủy quân lục chiến. Hạm đội 6 không cho biết việc 2 tàu đổ bộ vắng mặt có ảnh hưởng đến cuộc tập trận hay không.

Tàu sân bay Mỹ lần đầu trở lại Bắc Cực từ khi Liên Xô sụp đổ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman cùng nhóm tàu hộ tống lần đầu tiên trở lại Bắc Cực kể từ khi Liên Xô sụp đổ để tiến hành cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm