Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 khó khăn khi tiêu diệt IS

Các tay súng len lỏi giữa thường dân, bất đồng sắc tộc giữa các nhóm dân quân và xung đột lợi ích giữa phương Tây, Nga khiến cuộc chiến tiêu diệt IS trở nên khó khăn hơn.

a
Cảnh sát Pháp tấn công nghi can khủng bố ở Saint - Denis. Ảnh: CNN

Theo CNN, "khối u" mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dường như đã “di căn” nhiều hơn dự đoán. Một nhóm phiến quân vô chính phủ có hai nơi để ẩn náu an toàn ở Trung Đông và những phần tử tại châu Âu có khả năng tấn công các mục tiêu dân sự.

Nga, Pháp và liên minh phương Tây, đặc biệt là Pháp đã tuyên bố tiêu diệt IS sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris đêm 13/11 khiến 129 người thiệt mạng. Paris gia tăng tần suất không kích IS. Trong khi đó, quân đội Nga ở Syria cũng tăng gấp đôi các đợt tấn công và phóng tên lửa từ tàu chiến ở Địa Trung Hải.

Cuộc chiến chống IS đang bước vào giai đoạn mới kịch tính hơn. Làm thế nào để tạo ra một kế hoạch quân sự dài hạn nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố này?. Nick Paton, phóng viên kỳ cựu của CNN chuyên nghiên cứu về Trung Đông đã nêu 5 khó khăn đối với giải pháp quân sự trong cuộc chiến với IS.

Bất đồng quan điểm giữa các nhóm chiến đấu

a
Nhóm chiến binh người Kurd tháo lá cờ IS sau khi họ chiếm vùng núi Batnaya gần biên giới Syria từ tay IS. Ảnh: Malaysian Insider

Syria hiện có rất nhiều nhóm quân sự khác nhau, mỗi nhóm lại có mục tiêu và lợi ích riêng. Họ rất đa dạng, có thể nói là “một mớ hỗn độn”.

Lực lượng lớn nhất là người Arab Sunni, còn được gọi là Jaish al-Fateh. Họ là liên minh giữa những người ôn hòa và những người đang cực đoan hóa như Phong trào Hồi giáo Ahrar ash-Sham. Liên minh này còn có al-Nusra Front (chi nhánh al-Qaeda ở Syria) và nhiều nhóm phiến quân nhỏ khác.

Tuy nhiên, khi Nga tiến hành can thiệp quân sự vào Syria khiến nhiều người nghĩ rằng, Moscow đang nhắm vào họ làm cho liên minh này trở nên lúng túng và chùn bước. Trong một thời gian dài, Jaish al-Fateh gần như ngưng hoạt động khi nội bộ liên minh bất đồng về quan điểm chống IS.

Trong khi đó, phương Tây đã tạo ra một lực lượng gọi là New Syria Force (lực lượng Syria mới), đó là sản phẩm của gói viện trợ và đào tạo trị giá 500 triệu USD của Lầu Năm Góc. 54 chiến binh do Mỹ đào tạo đã được gửi đến Syria, tuy nhiên, phần lớn lực lượng này đã đào tẩu và mất hút giữa các cuộc đụng độ.

Một lực lượng khác là Mặt trận Dân chủ Syria có quy mô nhỏ và hậu cần kém. Các nhà phân tích phương Tây xem họ là một nhóm chắp vá của người Arab dòng Sunni. Hiện tại không có nhiều lực lượng ủng hộ Mỹ ở Syria. Một số nhà phân tích cho rằng, người Kurd là đồng minh hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.

Người Kurd không phải giải pháp cho mọi thứ

Chính phủ Mỹ lại không thực sự tin tưởng người Kurd. Việc hợp tác với người Kurd cần vai trò kết nối của người Arab Sunni. Người Sunni là dân tộc thiểu số ở Iraq nhưng lại chiếm đa số ở Syria. Nếu không có sự hợp tác của họ rất khó để có kết quả tốt trong cuộc chiến chống IS.

Đối với người Kurd, vấn đề của họ là giải phóng quê hương ở phía bắc Syria mà họ gọi là Rojava. Điều đó có nghĩa là khi họ giải phóng vùng đất từ tay IS, không có gì đảm bảo họ sẽ chào đón người Sunni từng sống ở đó.

Ngay cả ở Iraq, người Kurd cũng là một vấn đề. Một chỉ huy người Kurd ở Sinjar, Iraq từng nói với nhà báo Nick Paton rằng, ông cảm thấy những người Arab Sunni xung quanh khu vực đó đã ủng hộ IS. Sự mất lòng tin giữa các dân tộc khiến việc đoàn kết và thống nhất mục tiêu chống IS trở nên rất khó khăn.

Thổ Nhĩ Kỳ có vấn đề riêng của họ

Mặc dù là một quốc gia thuộc NATO, Ankara có mục tiêu riêng của họ. Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc chống lại người Kurd mà họ xem là khủng bố nhiều hơn việc tiêu diệt IS. Washington phải mất khá nhiều thời gian để thuyết phục Ankara cho phép sử dụng sân bay Incirlik.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Mỹ sử dụng sân bay để không kích IS ở phía nam Syria và Iraq, người Kurd vẫn là ưu tiên cao của Ankara. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cùng nhau để đóng cửa biên giới phía bắc Syria nhưng phải cần thêm nhiều thời gian.

Chiến lược của Mỹ cần rất nhiều thời gian

a
Cột khói bốc cao khi máy bay Mỹ dội bom một mục tiêu của IS ở Syria. Ảnh: Theweek

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã biện minh về chiến lược sử dụng không kích kết hợp với lực lượng đặc nhiệm đào tạo cho dân quân địa phương. Chiến lược này đã kéo dài hơn một năm nhưng không thực sự hiệu quả.

Trung tá Rick Francona, cựu sĩ quan tình báo Không quân Mỹ cho biết, IS đã phát triển những chiến lược mới để tránh bị không kích. Chúng di chuyển liên tục và sử dụng thường dân làm lá chắn sống. Rất nhiều máy bay Mỹ đã trở về cùng với bom đạn mang theo vì không thể xác định mục tiêu.

Ông Obama cho rằng, chiến lược này cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, vụ khủng bố đẫm máu ở Paris đêm 13/11 đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho Tổng thống Obama về một giải pháp mới.

Danielle Pletka, phó chủ tịch về chính sách đối ngoại thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nói với CNN rằng, Mỹ không có một chiến lược cụ thể trong cuộc chiến chống IS. Chiến dịch không kích của Mỹ là một dạng phản ứng, không phải là chiến lược với mục tiêu rõ ràng.

Trong khi đó, thiếu tướng về hưu James A. "Spider" Marks, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tư pháp và An Ninh, Đại học Phoenix, Mỹ thừa nhận với CNN rằng, Mỹ không thực sự quyết đoán và cứng rắn trong cuộc chiến chống IS. Chiến lược của Washington không đủ nguồn lực và hành động không phù hợp.

Giải pháp chiến tranh ủy nhiệm

IS là một tổ chức vô chính phủ và chúng trà trộn vào sự hỗn loạn ở Iraq và Syria để ẩn náu và thực hiện các hành vi bạo lực. Sự hỗn loạn ở khu vực này càng trở nên phức tạp hơn khi Iran và Arab Saudi đang cạnh tranh để thiết lập uy quyền tối cao ở khu vực.

Để phục vụ cho chiến lược thiết lập uy quyền, hai quốc gia này hậu thuẫn cho những nhóm đối lập riêng làm cho tình hình càng phức tạp hơn. Mỹ phải kéo các bên liên quan đến bàn đàm phán ở Vienna, Áo để bàn về tương lai Syria.

Quá trình tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nhóm đối lập ở Syria là rất khó khăn. Một giải pháp bắt nguồn từ chính lợi ích của những người trong cuộc sẽ giải quyết gốc rễ của vấn đề chứ không phải là một chiến dịch quân sự kiểu áp đặt từ phương Tây.

Rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã đưa ra ý kiến về giải pháp cho cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, sứ mệnh tiêu diệt IS vẫn là một chặng đường đầy chông gai phía trước và nó phải bắt nguồn từ sự đồng thuận giữa các nước lớn cũng như lợi ích của người địa phương.

'Sự tàn bạo sẽ đưa IS tới con đường diệt vong'

Đây là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc Học viện Quốc phòng Australia, trong cuộc trao đổi với Zing.vn quanh các vấn đề về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Tại sao các phần tử khủng bố thường là anh em?

Sự kết nối về huyết thống, đoàn kết và chung tư tưởng trong cùng một gia đình giúp các phần tử khủng bố phối hợp ăn ý hơn trong các hoạt động tấn công liều chết.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm