Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao các phần tử khủng bố thường là anh em?

Sự kết nối về huyết thống, đoàn kết và chung tư tưởng trong cùng một gia đình giúp các phần tử khủng bố phối hợp ăn ý hơn trong các hoạt động tấn công liều chết.

a
Anh em nhà Kouachi, thủ phạm vụ xả súng ở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo. Ảnh: Telegraph

Trong vụ tấn công đẫm máu đêm 13/11 ở Paris, cảnh sát Pháp đã xác nhận danh tính 2 nghi can Ibrahim Abdeslam và Salah Abdeslam là anh em trong một gia đình người Pháp gốc Bỉ. Ibrahim đã chết sau khi đánh bom tự sát, Salah đang chạy trốn ở Bỉ. Cảnh sát Bỉ đã bắt người anh thứ 3 trong gia đình là Mohammed. Người này được thả sau nhiều giờ thẩm vấn.

Abdel-Hamid Abu Oud, kẻ bị nghi ngờ chủ mưu thực hiện cuộc tấn công đẫm máu ở Paris từng đem em trai 13 tuổi của y đến Syria. Sau đó​ y và em trai đã xuất hiện trên một chiếc xe bán tải kéo theo xác binh lính quân đội Syria trong một clip được đăng trên mạng.

Trước đó, trong vụ xả súng ở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, thủ phạm chính là anh em nhà Kouachi. Thủ phạm gây ra vụ đánh bom cuộc đua Marathon ở Boston, Mỹ năm 2013 cũng là anh em nhà Tsarnaev.

Còn nhiều vụ tấn công thánh chiến đẫm máu xảy ra trên thế giới với các tên khủng bố là anh em trong cùng một gia đình. Ngoài ra, các chiến binh thánh chiến tại Syria, Iraq, Afghanistan và Pháp thường gọi nhau là “anh em”. Cách xưng hô này nhằm thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, bản sắc và nỗ lực chung của các thành viên.

Theo Guardian, một lý do rất quan trọng là những tên khủng bố là anh em trong một gia đình có thời gian dài lớn lên và chung sống cùng nhau nên rất hiểu tính cách của nhau. Là anh em, những kẻ này sẽ đoàn kết, quyết tâm hơn trong các hoạt động khủng bố. Khi sự việc bại lộ hoặc không suôn sẻ, chúng có thể liều chết để bảo vệ cho nhau mà các đồng bọn là người dưng khó lòng thực hiện được.

Ngoài ra, các thành viên trong gia đình thường che giấu hành vi tội phạm của người thân khiến việc phát hiện sớm các âm mưu khủng bố trở nên khó khăn hơn.

Gia đình thánh chiến

a
Anh em nhà Tsarnaev thủ  phạm gây ra vụ đánh bom ở Boston năm 2013. Ảnh: The Guardian

Theo thống kê của cơ quan xuất nhập cảnh các nước, quan hệ anh em rất phổ biến trong những người từng đi du lịch đến Iraq, Syria hay những khu vực chiến sự khác. Hầu như những cuộc hành trình đến Trung Đông của người Hồi giáo ở châu Âu đều là những thành viên trong một gia đình.

Cảnh sát Anh cho biết, 3 anh em trong độ tuổi từ 17 đến 21 đã rời Brighton, Anh để gia nhập chi nhánh Al Qaeda ở Syria. Trong tháng 10, tòa án Portsmouth, Anh đã kết án anh em nhà Jaman về tội tư vấn và giúp đỡ cho công dân châu Âu đầu quân cho IS.

“Gia đình thánh chiến” là thuật ngữ mà những kẻ chỉ huy các tổ chức khủng bố đang khai thác một cách triệt để nhằm chiêu mộ các thành viên mới. 10 năm trước, một quan chức tình báo quân sự tại Iraq từng cảnh báo, các phần tử Hồi giáo cực đoan có quan hệ máu mủ có thể làm gia tăng hoạt động khủng bố trên khắp thế giới.

Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức phi chính phủ New America, Mỹ, một phần tư số tay súng phương Tây có kết nối đến gia đình thánh chiến ở Iraq hoặc Syria. Những người này có thể thông qua người thân đang chiến đấu ở Iraq và Syria, hoặc qua hôn nhân và một số kết nối khác.

Jason Burke, phóng viên kỳ cựu của Guardian nhận xét, ý thức hệ có vai trò rất quan trọng trong việc lôi kéo các thành viên trong gia đình vào các hoạt động cực đoan. Khi một thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng bởi các hoạt động tuyên truyền của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, họ có thể lôi kéo các thành viên khác trong gia đình tham gia vào hoạt động bất chính.

Tiến sĩ Rik Coolsaet, chuyên gia nghiên cứu về mạng lưới chiến binh thánh chiến người Bỉ lập luận: “Quan hệ họ hàng, tình bạn là rất quan trọng trong việc lôi kéo các thành viên vào hoạt động khủng bố. Thậm chí nó còn quan trọng hơn cả yếu tố tôn giáo hay vùng miền”.

Ông cho biết thêm, rào cản về tâm lý và xã hội để tham gia vào hoạt động khủng bố cao hơn nhiều so với những hoạt động khác, nhưng cơ chế của quá trình lôi kéo mọi người tham gia là như nhau.

Một nghiên cứu khác của Đại học Pennsylvania về yếu tố gia đình trong 120 vụ khủng bố chỉ do một cá nhân thực hiện. Kết quả cho thấy, 64% trường hợp gia đình nhận thức được ý định về hành vi khủng bố của các cá nhân thông qua những cuộc trò chuyện.

Các thành viên trong gia đình có thời gian chung sống cùng nhau khá lâu nên họ có thể nhận thấy những hành vi bất thường của một trong những thành viên. Tỷ lệ gia đình thánh chiến trong các vụ khủng bố ngày một gia tăng, điều đó làm cho cuộc chiến chống khủng bố trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong bối cảnh IS đang vươn “vòi bạch tuộc" ra khắp thế giới.

Chân dung kẻ chủ mưu vụ khủng bố đẫm máu ở Paris

Abdel-Hamid Abu Oud, kẻ bị tình nghi chủ mưu chuỗi vụ thảm sát đẫm máu ở thủ đô Paris, Pháp, đang bị truy nã sau vụ đấu súng ở Bỉ hồi tháng 1.

Xác định danh tính chiến binh nhận trách nhiệm khủng bố Pháp

Nguồn tin từ nhóm điều tra cho hay, họ đã xác định được giọng nói của phiến quân trong đoạn âm thanh tuyên bố nhận trách nhiệm tấn công Paris của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm