Ông Thomas Sanderson. Ảnh: C-span |
- Cách hành động trả đũa của Mỹ sau vụ khủng bố 11/9 đã tạo ra hai cuộc chiến lớn nhất của nước này ở Iraq và Afghanistan. Pháp đã có hành động quân sự mạnh mẽ tương tự đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông nhận định thế nào về quyết định của Paris?
- Pháp sẽ theo đuổi chiến dịch chống IS ở Syria và tại Pháp một cách quyết liệt. Nước này đang tiến hành các hoạt động mạnh mẽ chống al-Qaeda ở châu Phi.
Tuy nhiên, Pháp không có đủ nguồn lực như Mỹ để thực hiện các chiến dịch này ở nhiều vùng. Nếu Mỹ có năng lực, lẫn trách nhiệm, để thực hiện, khả năng này với Pháp khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lợi thế của Pháp là họ sở hữu những đội đặc nhiệm thiện chiến và năng lực tình báo hiệu quả. Động cơ để chống khủng bố của Pháp cũng rất cao.
- Khi liên minh quốc tế tăng cường không kích Syria, ông có nghĩ rằng Syria sẽ trở thành một chiến trường mới như Afghanistan hoặc Iraq?
- Syria có thể trở thành nơi như Afghanistan hoặc Iraq, nhưng điều này cần sự cam kết tham chiến của rất nhiều nước, mà họ đang lưỡng lự với quyết định này.
Chúng ta đều đã thấy những ví dụ về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Đó là những cuộc chiến không thể chiến thắng. Một thế lực bên ngoài không thể đạt được lợi thế so với đối phương đầy quyết tâm để bảo vệ đất nước của họ.
Chúng ta đã có được những bài học từ cuộc chiến chống khủng bố al-Qaeda. Một trong những bài học chính là không nên cử những đội quân lớn đến chiến trường và tránh xa các thành phố.
Pháp điều động 12 máy bay dội bom IS. Ảnh: AFP |
- Mỹ đã bày tỏ tăng cường hợp tác quốc phòng và muốn chia sẻ tình báo với Pháp để hỗ trợ chiến dịch chống IS. Khi Pháp tăng cường tham gia, liệu vấn đề Syria và IS có thể được giải quyết?
- Tôi nghĩ là không. Sẽ không có "giải pháp" nào cho Syria và IS, chỉ có bạo lực ngày càng tăng.
Thậm chí, ngay cả khi chúng ta thực sự tiêu diệt thành công IS (và al-Qaeda), tất cả những điều kiện tạo nên sự trỗi dậy của những nhóm này, cũng như những yếu tố hỗ trợ việc chiêu mộ lực lượng của IS, vẫn còn hiện hữu trong một thời gian dài sau khi các tổ chức khủng bố bị đánh bại. Điều này có nghĩa là những nhóm khác sẽ tiếp tục vượt lên và lấp vào khoảng trống của IS.
Tuy nhiên, việc Pháp tham gia chặt chẽ với Mỹ và các nước khác trong liên minh sẽ nâng cao năng lực chống IS của chiến dịch. Quân đội Pháp sẽ mang lại kỹ năng chiến đấu cao cấp và sự hiểu biết về kẻ thù.
- Liệu Pháp có khả năng sa lầy vào một cuộc chiến lớn?
- Pháp đã tham gia cuộc chiến này và nó sẽ ngày càng lớn hơn. Không ai biết được điểm kết thúc.
Mọi người không nên nghĩ rằng sẽ có một kết thúc chắc chắn đối với cuộc chiến này. Nó sẽ không kết thúc như Thế chiến 2, khi Nhật ký kết đầu hàng trên tàu USS Missouri. Đó cũng không phải là cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào. Chúng ta hay nghĩ rằng luôn có những sự lựa chọn tốt hơn. Trên thực tế, trên chiến trường, thỉnh thoảng chỉ có một lựa chọn trong cách đối mặt kẻ thù. Đó cũng thường là lựa chọn không tốt với nhiều tác động tiêu cực.
Thế giới ngày càng phức tạp, chúng ta đang trải qua "sự mất trật tự có hệ thống". Người dân nên quen dần với sự bất ổn này.
- Khi ngày càng nhiều thế lực như Nga, Pháp tham gia, liệu cuộc chiến chống IS có thể vượt ngoài tầm kiểm soát?
- Tôi nghĩ khả năng này có thể xảy ra. Không phải tất cả các nước trong liên minh chống khủng bố đều có chung mục đích. Mỗi nước nhắm vào các mục tiêu khác nhau và mong muốn kết quả khác nhau về mặt chính trị.
Ông Thomas Sanderson là nghiên cứu viên cao cấp, giám đốc dự án Các mối đe doạ xuyên quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ). Đây là trung tâm nghiên cứu nổi tiếng quy tụ những học giả hàng đầu. Các lãnh đạo Việt Nam khi công du Mỹ đều có bài phát biểu tại CSIS.