Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Getty |
- Theo quan điểm của ông, đâu là nguồn gốc của những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây? Xung đột tôn giáo có vài trò gì trong chuỗi vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào Paris?
- Nguyên nhân các vụ tấn công khủng bố và Paris là sự phẫn nộ của những phần tử Hồi giáo cực đoan trước chiến dịch không kích ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, về bản chất, các phần tử Hồi giáo cực đoan tin rằng họ có nhiệm vụ đánh đổ chế độ thông qua thánh chiến hay chiến tranh tôn giáo. Các phần tử này tin rằng, tất cả những người Hồi giáo trên thế giới phải có trách nhiệm hỗ trợ họ. Những người Hồi giáo không tham gia hoặc những người không cùng tôn giáo bị coi như kẻ thù.
- Chính sách của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông có tác động như thế nào tới phong trào thánh chiến cực đoan?
- Chính sách cứng rắn của phương Tây tạo ra những kẻ cực đoan dã man. Các cuộc tấn công của IS nhằm trả đũa cho sự can thiệp của phương Tây. Chúng được lên kế hoạch để khiêu khích nhất, buộc các nước phương Tây thực hiện các hành động đáp trả.
Tuy nhiên, việc đáp trả bị tuyên truyền là hành động chống lại người Hồi giáo, giúp IS chiêu mộ được những chiến binh thánh chiến (Mujahideen) mới. Nó cũng khuyến khích các phần tử cực đoan khác thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây với sự hỗ trợ của IS.
Trên thực tế, chính sách của phương Tây cũng tạo ra thương vong dân sự cùng số lượng lớn người tị nạn. Dù các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh tiêu diệt được nhiều lãnh đạo IS nhưng các vị trí này luôn có những phần tử thay thế. Các cuộc không kích không giúp phương Tây thắng cuộc chiến cũng như dội bom không diệt được quan điểm.
Từ một góc nhìn khác, sự tàn bạo qua những vụ hành quyết cùng chủ nghĩa tôn giáo cực đoan sẽ dẫn IS tới con đường sụp đổ như tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda. Tuy nhiên, chủ nghĩa cực đoan vẫn sẽ luôn tồn tại.
- Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đe dọa như thế nào tới hòa bình thế giới? Nó có kéo lùi sự phát triển của nhân loại?
- Để ứng phó với các phong trào Hồi giáo cực đoan, các quốc gia phải đầu tư nhiều tiền bạc và nhân lực để đảm bảo an ninh cho nhân mạng cũng như cơ sở hạ tầng. Ở thời điểm hiện tại, một phần quyền tự do của con người bị xâm phạm, chẳng hạn như bảo mật thông tin, để ngăn chặn các âm mưu khủng bố.
Khủng bố Hồi giáo cũng dẫn tới sự phân cực trong xã hội, nhất là ở những nơi người Hồi giáo chiếm thiểu số như châu Âu và Australia. Dù chỉ có một số ít tín đồ Hồi giáo cực đoan nhưng một nhóm lớn đang phải đối mặt với sự phân biệt, kỳ thị trong cuộc sống hàng ngày.
Sự can thiệp của phương Tây không thành công trong việc xây dựng một quốc gia, minh chứng là Iraq và Libya. Trong khi đó, chủ nghĩa cực đoan gây tổn thương tới một thế hệ người Hồi giáo ở Trung Đông. Dòng chảy khổng lồ của người tị nạn báo trước sự khan hiếm tài năng nơi quê nhà của họ khi hòa bình lập lại, yếu tố cản trở quá trình phục hồi và phát triển đất nước.
Khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông đã gây ra nội chiến và thương vong trên diện rộng, phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế của nhiều quốc gia. Những nơi giao tranh nổ ra sẽ trở nên vỡ vụn.
- Theo ông, cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?
- Bảo vệ một quốc gia khỏi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đòi hỏi nhiều phương pháp khác nhau, từ gia tăng sự hiện diện của cảnh sát tới đẩy mạnh các hoạt động tình báo chống khủng bố. Ngoài ra, việc thúc đẩy các chương trình nội tại nhằm hòa hợp cộng đồng, ngăn chặn cực đoan hóa trong giới trẻ cũng như tuyên truyền trên Internet để chống lại sự lôi kéo của chủ nghĩa cực đoan. Các nước cũng cần tấn công vào sự lãnh đạo, nguồn kinh phí và phong trào tuyển dụng của IS.
Trong tương lai, việc chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sẽ nằm trên 2 hoặc 3 mặt trận. Trước tiên là địa lý, tập trung vào gốc rễ của các nhóm cực đoan cũng như địa bàn hoạt động của chúng. Mặt trận thứ 2 là dựa vào các cộng đồng người Hồi giáo để chống lại chủ nghĩa cực đoan hoặc bạo lực Hồi giáo có động cơ chính trị. Cuối cùng là mạng lưới ngăn chặn khủng bố liên quốc gia, tránh trường hợp khủng bố mượn nước này để làm bàn đạp tấn công nước khác như IS dùng Bỉ để khủng bố Paris, Pháp.
Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.