Lãnh đạo Incheon United vui mừng khi có được chữ ký của Xuân Trường. Ảnh: Nguyễn Quang |
Xuân Trường sẽ thi đấu cho Incheon United theo dạng cho mượn trong vòng 2 năm, bắt đầu từ mùa bóng 2016. Anh tập trung cùng đội bóng mới sau khi hết nhiệm vụ cùng U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á.
Tiền vệ người Tuyên Quang là cầu thủ Đông Nam Á (ĐNA) đầu tiên thi đấu ở giải VĐQG Hàn Quốc (K.League Classic) trong vòng 30 năm qua. Đây là thương vụ không chỉ liên quan đến đội bóng Incheon United mà còn có sự tham gia của chính quyền thành phố Incheon, cũng như viện nghiên cứu hợp tác Việt-Hàn.
Tại sao Incheon United biết đến Xuân Trường?
Theo tiết lộ từ Giám đốc điều hành Incheon United Jung Eui Suk, họ biết đến Xuân Trường thông qua HLV của đội bóng – Kim Do-hoon. Cuối năm 2014, ông Kim Do-hoon là HLV trưởng U19 Hàn Quốc thắng Việt Nam 6-0 tại VCK châu Á, tổ chức ở Myanmar. Nhận kết quả tồi tệ nhưng Xuân Trường để lại cho nhiều ấn tượng với huyền thoại một thời của bóng đá Hàn Quốc.
Tháng 1/2015, ông được bổ nhiệm dẫn dắt Incheon United thay cho Kim Bong-Gil. Ông giúp đội bóng đạt được thành công trên sân cỏ khi xếp thứ 8 ở K.League và vào chung kết Cup quốc gia. Tuy nhiên ở khía cạnh kinh doanh, Incheon United vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Jung Eui Suk được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành từ tháng 7/2015 với mục tiêu thay đổi điều đó.
“Một trong những yêu cầu bức thiết của đội bóng là phải tìm kiếm những tài năng bóng đá ở Đông Nam Á”, ông tiết lộ với truyền thông Việt Nam chiều 28/12. Sau khi U21 HAGL đánh bại U19 Hàn Quốc tại giải U21 quốc tế vừa qua, Incheon United đặt vấn đề mượn Xuân Trường trong 2 năm.
Đội bóng đã có sẵn một kế hoạch marketing dài hạn với cầu thủ này thông qua sự giúp đỡ của chính quyền thành phố Incheon cũng như sự tư vấn của Viện nghiên cứu Việt-Hàn.
Đậm tính thương mại
Trước khi đi đến thỏa thuận chiêu mộ Xuân Trường, Incheon United đứng trước nguy cơ phá sản. Cuối năm 2014, đội bóng này lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, nợ lương cầu thủ trong vòng 2 tháng.
Hội đồng thành phố Incheon tính đến phương án bán đội bóng cho một doanh nghiệp hưng cuối cùng đã giữ lại. Chính quyền thành phố lớn thứ ba Hàn Quốc cũng không thể hỗ trợ đội bóng sau khi ngân sách chi hết vào công tác tổ chức ASIAD 2014.
Số lượng khán giả trung bình đến sân nhà xem Incheon United thi đấu mùa 2015 chỉ bằng 1/4 so với sức chứa của sân. |
Theo Yonhap, Incheon United phải mượn 500 triệu won của một doanh nghiệp xây dựng để tạm ứng cho cầu thủ. Sau đó, họ bán một loạt các cầu thủ trụ cột như Jung In-Hwan, Jeong Hyuk , Lee Kyu-ro, Han Kyo-won , Kim Nam-il và Ivo.
Đội bóng lâm vào tình trạng này vì các nguồn thu, đặc biệt là bán vé quá thấp, trong khi chi phí trả lương quá cao. Theo thống kê ở mùa bóng 2014, số người ăn lương của Incheon United lên đến con số 61. Họ từng có 4 năm liên tiếp (từ 2006 – 2009) làm ăn có lãi, nhưng sau đó liên tục rơi vào cảnh thu không đủ chi.
Sau khi ổn định ở mùa bóng 2015, Incheon United sớm lên phương án tìm thêm nguồn thu, đặc biệt là từ việc bán vé. Lương Xuân Trường là nhân tố chính trong kế hoạch này. Theo thống kê, tại thành phố Incheon có đến 40.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc. Ngoài ra, còn có đến 60.000 người Việt sinh sống trên các địa phương khác ở Hàn Quốc.
Đây là nguồn lực lớn mà đội bóng chưa thể khai thác. Nhưng với Xuân Trường – một trong những cầu thủ trẻ nổi tiếng nhất của bóng đá Việt Nam, điều này có thể sẽ thay đổi.
Ở mùa bóng 2015, số lượng khán giả đến sân xem Incheon United thi đấu trên sân nhà chỉ đạt con số trung bình 4.863 người/trận (trong khi sức chứa của SVĐ Incheon là 20.891 người). Với sự có mặt của Xuân Trường, chỉ cần 1/10 số người Việt Nam ở Incheon đến xem anh thi đấu, đội bóng Hàn Quốc đã có một khoản thu rất lớn.
Truyền thông Hàn Quốc rất quan tâm đến việc Incheon United chiêu mộ Xuân Trường. Ảnh: Nguyễn Quang |
Bắt đầu từ mùa bóng 2015, đội bóng có nhà tài trợ áo đấu là sân bay quốc tế Incheon. Có mặt tại Việt Nam chiều 28/12, giám đốc thể thao thành phố Incheon không giấu tham vọng qua vụ Xuân Trường sẽ thúc đẩy mối quan hệ về kinh tế, đặc biệt là du lịch giữa hai quốc gia.
Về kế hoạch với riêng Xuân Trường, ông Jung Eui Suk tiết lộ: “Chúng tôi không thể cho mọi người biết những điều khoản về việc Xuân Trường nhận lương bao nhiêu, ra sân bao nhiêu trận. Tuy nhiên, thời gian tới chúng tôi sẽ cho anh ấy tham gia nhiều hoạt động bên ngoài sân cỏ, đặc biệt là những chương trình từ thiện, cộng đồng với người Việt Nam tại Incheon. Cầu thủ bây giờ không như ngày xưa, phải hướng ra bên ngoài chứ không chỉ gói gọn trên sân cỏ”.
Trước Xuân Trường, cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên thi đấu ở K.League là Piyaphong Pue-on, chơi cho Lucky Goldstar-Hwangso từ 1984–1986. Nhưng khi đó, cầu thủ Thái Lan này đã là một ngôi sao thành danh. Ông giúp đội bóng vô địch K.League 1985, á quân năm 1986. Bản thân ông cũng nằm trong top những cầu thủ ghi bàn, kiến tạo nhiều nhất của giải.
Còn với Xuân Trường, anh hiện chỉ là cầu thủ trẻ tiềm năng. Incheon United chắc chắn không mạo hiểm chi nhiều tiền mượn anh để mong gặt hái thành tích.
Cuối tháng 10 vừa qua, Đài truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) đã công bố bản quyền phát sóng K.League từ 2015 – 2017. Các trận đấu của 12 CLB K.League sẽ được phát sóng trực tiếp vào trưa các ngày cuối tuần trên kênh Thể thao TV và Bóng đá TV. Đại diện cầu thủ K.League sang Việt Nam tham dự sự kiện này chính là thành viên của Incheon United, Lee Chun Soo. Đây là một lý do quan trọng để đội bóng xứ kim chi quyết tâm mượn Xuân Trường nhằm quảng bá hình ảnh tại Việt Nam.