“Mọi người, cả thế giới đang đợi xét nghiệm huyết thanh”, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nói.
Ông Veran nói việc nghiên cứu trên toàn cầu đang tập trung vào cách để hoàn thiện xét nghiệm này. Xét nghiệm này xác định lượng kháng thể trong máu có thể là chỉ dấu cho khả năng miễn dịch với Covid-19.
Ông nói việc sản xuất hàng loạt xét nghiệm trên có thể bắt đầu trong vài tuần, theo AFP. “Đó là yếu tố lớn, đặc biệt là khi chúng ta muốn nới lỏng dần phong tỏa”, ông nói.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nói các xét nghiệm huyết thanh vẫn đang được phát triển và chưa được đánh giá đủ.
Một điểm xét nghiệm ở Denver, bang Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Những giới hạn
Xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 hiện tại, được biết đến với tên viết tắt RT-PCR, mang tính xâm lấn, và dùng phương pháp phân tích gen để xem một người có nhiễm bệnh hay không.
Xét nghiệm huyết thanh thì khác. Cần một giọt máu, xét nghiệm này sẽ tìm kháng thể đối với virus, và nếu có kháng thể tức người đó đã từng có Covid-19 và có thể có khả năng miễn dịch.
Biết được ai có kháng thể, và nhờ vậy có thể miễn dịch, có thể giúp nới lỏng dần phong tỏa. Những người đó có thể quay lại làm việc, không lo lây bệnh cho người khác. Nhưng theo AFP, xét nghiệm huyết thanh không phải hoàn hảo.
Có hai loại kháng thể liên quan tới phản ứng miễn dịch đối với Covid-19: IgM, có thể được tạo ra trong giai đoạn đầu của phản ứng, và IgG, tạo ra sau đó, trong quá trình viêm.
Dù vậy, việc phát hiện có kháng thể IgM hoặc IgG trong máu không có tính khẳng định mắc Covid-19, và có thể có kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Chẳng hạn, “xét nghiệm nhanh” âm tính có thể không khẳng định chắc chắn người đó không mắc bệnh. Với người mới nhiễm, lượng virus có thể thấp, cơ thể chưa sinh ra kháng thể, vẫn có thể cho kết quả âm tính.
“Kháng thể là một phần quan trọng trong phản ứng của hệ miễn dịch. Kháng thể có thể được phát hiện khoảng một tuần sau khi nhiễm bệnh”, Andrew Preston, chuyên viên về sinh bệnh học vi khuẩn ở Đại học Bath, nói với AFP.
Một nhân viên y tế cầm bộ xét nghiệm tại một thành phố ở Israel ngày 26/2. Ảnh: AFP. |
Một hạn chế khác là bệnh nhân dương tính với xét nghiệm kháng thể có thể không hẳn là “từng mắc bệnh”, mà thực ra đang trong giai đoạn hồi phục, và vẫn mang virus.
“Các xét nghiệm này phải được sử dụng cẩn thận. Nếu dùng kết quả xét nghiệm này quá sớm, bệnh nhân đang hồi phục có thể vẫn đang mang trong người virus và lan truyền virus. Vì vậy họ vẫn là nguy cơ đối với mọi người”, Michael Skinner, chuyên viên về virus học ở trường Imperial College London, nói.
Chưa chắc về khả năng “không nhiễm lại”
Vì rủi ro này mà nhiều nước vẫn tiếp tục sản xuất và sử dụng xét nghiệm RT-PCR, và kết hợp với xét nghiệm huyết thanh.
“Có thể hai xét nghiệm được áp dụng: một xét nghiệm để chẩn đoán xem bạn có mang virus, có nguy cơ lây nhiễm hay không, và xét nghiệm huyết thanh để biết bạn có kháng thể hay không”, Francois Blanchecotte, Chủ tịch Hội sinh vật học Pháp, nói với AFP.
Bộ xét nghiệm virus corona ở Nga, ngày 4/2. Ảnh: AP. |
Điểm yếu khác nằm ở chỗ giới khoa học vẫn chưa biết rõ liệu người đã hồi phục Covid-19 có miễn dịch, không thể nhiễm lại hay không.
“Đối với đa số bệnh truyền nhiễm, nếu khỏi bệnh và hệ miễn dịch đã phản ứng, thường sẽ dẫn đến một giai đoạn miễn dịch”, Preston nói.
“Nhưng (đối với Covid-19) chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn rằng người có kháng thể có thể miễn dịch”.
Hy vọng mở cánh cửa phong tỏa
Trên thế giới, các xét nghiệm tiếp tục được nghiên cứu để phát hiện hai loại kháng thể này.
“Có nhiều kỳ vọng dùng xét nghiệm kháng thể để xác định (những người) miễn dịch, để hỗ trợ việc gỡ bỏ phong tỏa”, Preston nói.
Xét nghiệm kháng thể cũng quan trọng vì có số lượng lớn nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể lây virus sang cho người khác.
Các xét nghiệm kháng thể đã tồn tại đối với các bệnh khác. Nhưng đối với Covid-19, xét nghiệm này vẫn đang được hoàn thiện. Một khi hoàn thiện, kết quả có thể được phân tích trong phòng lab sẵn có, với các thiết bị sẵn có, theo AFP.
Phòng thí nghiệm xét nghiệm virus corona ở California. Ảnh: AP. |
Một khi được sản xuất rộng rãi, xét nghiệm này có thể được dùng để xác định ai được quay lại làm việc và thoát khỏi các lệnh phong tỏa, vốn đã được ban hành cho hàng tỷ người trên thế giới.
Ở Italy, Chủ tịch vùng Venice Luca Zaia đã đề xuất kế hoạch cho các nhân viên quay lại làm việc nếu mang theo giấy tờ chứng minh họ không lây nhiễm được nữa. Các biện pháp tương tự đang được đề xuất ở Đức.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cũng nhiều lần nhắc đến xét nghiệm kháng thể, với hy vọng xét nghiệm này có thể giúp kinh tế từng bước mở cửa trở lại.
“Một bác sĩ đa khoa nói với tôi rằng nếu xét nghiệm huyết thanh cho thấy ông đã miễn dịch, ông sẽ tình nguyện tới chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngay lập tức”, Philippe Herent, Giám đốc chuỗi phòng thí nghiệm Synlab Opale, nói với AFP.
Nhưng ông cảnh báo nhu cầu trên toàn thế giới đối với xét nghiệm này có thể sẽ vượt xa nhu cầu, và việc sản xuất vẫn giới hạn.
Tuy vậy, hầu hết quốc gia vẫn thiếu khả năng xét nghiệm, nên dù xét nghiệm kháng thể có là hướng đi đúng đắn, chưa rõ khi nào các giới hạn đi lại có thể được gỡ bỏ.
Nhưng xét nghiệm này hiện là cách duy nhất để biết chắc có bao nhiêu phần trăm dân số đã nhiễm Covid-19, như vậy sẽ giúp chúng ta giải đáp nhiều điều chưa rõ, chẳng hạn tỷ lệ tử vong thật từ Covid-19 là bao nhiêu.