Con số này cho thấy nỗ lực đoán trước chiều hướng của dịch bệnh và giảm sự lây lan sẽ còn gặp nhiều phức tạp.
“Điều này giúp giải thích làm thế nào mà virus tiếp tục lây khắp nước Mỹ”, giám đốc CDC Robert Redfield nói với đài phát thanh NPR ngày 31/3.
Dữ liệu mới này đang buộc CDC “xem xét lại một cách nghiêm khắc” khuyến nghị của mình, vốn vẫn luôn cho rằng người dân không cần đeo khẩu trang trừ khi đang bị ốm, theo New York Times.
Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện Elmhurst ở Queens. Ảnh: New York Times. |
Tỷ lệ đáng kể người nhiễm không triệu chứng
Các nhà nghiên cứu không biết chính xác bao nhiêu người nhiễm virus mà không cảm thấy có triệu chứng. Nhưng hiện tượng đó đã được ghi nhận ở nhiều trường hợp đơn lẻ, chẳng hạn “bệnh nhân Z”, 26 tuổi, từ Quảng Đông, bị phát hiện dương tính vào ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc với người bệnh, lúc đó virus đã sinh sôi trong mũi và cổ họng của anh. Nhưng anh không cảm thấy gì lạ.
Giờ đây các nhà nghiên cứu nói “bệnh nhân Z” không chỉ là trường hợp đơn lẻ. Chẳng hạn, có tới 18% số người nhiễm bệnh trên du thuyền Diamond Princess không hề có triệu chứng. Một nhóm nghiên cứu ở Hong Kong nói khoảng 20-40% số ca lây bệnh ở Trung Quốc xảy ra trước khi có triệu chứng.
Tỷ lệ lan truyền khi chưa có triệu chứng cao như vậy có thể giải thích vì sao virus corona chủng mới SARS-CoV-2 là virus đầu tiên không phải cúm mà gây ra đại dịch.
Virus này lan nhanh như cúm, và “có bao giờ chúng ta nghĩ làm sao để chặn cúm lây lan đâu, giả sử không có vắcxin”, tiến sĩ Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Minnesota, nói với New York Times.
Trong khi vắcxin vẫn đang được nghiên cứu, cách tốt nhất để kiềm chế đại dịch này là duy trì khoảng cách khi tiếp xúc, theo các chuyên gia. Vì người bệnh có thể đang lây cho người khác ngay cả khi đang cảm thấy khỏe mạnh, nếu chỉ yêu cầu những người đang ốm ở nhà là chưa đủ.
Đó là lý do vì sao nhiều chuyên gia đã đi ngược lại khuyến nghị của CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và yêu cầu tất cả mọi người đeo khẩu trang - để ngăn những người không biết mình có bệnh lây cho người khác.
Khả năng virus lây khi thở, không chỉ khi ho, hắt hơi
Cũng giống cúm, nhiều chuyên gia giờ đây cho rằng virus lây lan thông qua các giọt bắn có chứa virus, cả đường kính lớn lẫn đường kính nhỏ hơn 5 micromét, mà người nhiễm thải ra môi trường, không chỉ lúc ho mà ngay cả lúc thở.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng nồng độ virus trong các giọt bắn là thấp, vì vậy nếu chỉ chạy bộ qua hay đi qua người nhiễm thì vẫn chưa đủ để chúng ta gặp nguy cơ.
“Nếu bạn chỉ tiếp xúc qua với người nhiễm, bạn có khả năng rất, rất thấp bị lây”, tiến sĩ Benjamin Cowling, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, nói với New York Times.
Nguy cơ tăng lên đối với tiếp xúc lâu dài, như nói chuyện trực tiếp, hoặc ở chung trong một không gian trong một khoảng thời gian. Tiến sĩ Cowling cho rằng ngoài việc có lập trường khó hiểu đối với khẩu trang, “Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn thường nói các giọt bắn từ đường hô hấp không gây lây nhiễm, một khuyến nghị hết sức khó hiểu”.
Tranh cãi về ca nhiễm không triệu chứng
Đây không phải lần đầu tiên việc người không có triệu chứng có thể lây bệnh được nhắc đến. Giới khoa học vẫn có những ý kiến hoài nghi liệu điều đó có thực sự chuẩn xác hay không. Chẳng hạn, một nghiên cứu cho thấy nhiều người được cho là không có triệu chứng nhưng sau đó thừa nhận rằng họ thực ra đã cảm thấy một số triệu chứng nhẹ.
Dù vậy, tiến sĩ Jeffrey Shaman, chuyên về bệnh truyền nhiễm ở Đai học Columbia, nói cuộc tranh luận trên chỉ xoay quanh ngôn từ, xem “lây nhiễm khi không có triệu chứng” phải được định nghĩ chính xác như thế nào. Và thực tế, việc người nhiễm thực sự không có triệu chứng, hay đã quên mất mình có triệu chứng, không quá quan trọng.
“Mấu chốt ở đây là những người đó vẫn lây lan trong khi không biết mình đã nhiễm bệnh”, tiến sĩ Shaman nói.
Hiện tượng người không có triệu chứng lây bệnh cũng đã được nhắc đến ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Cowling đã phân tích dữ liệu ở Trung Quốc, và cho thấy những tuần đầu dịch, Trung Quốc đã đặt tiêu chuẩn cao cho việc xác nhận ca nhiễm, yêu cầu phải có triệu chứng hô hấp, sốt và chụp X-quang phải có dấu hiệu viêm phổi.
Định nghĩa khắt khe như vậy bỏ đi các ca nhẹ và không có triệu chứng, và kết quả là phái đoàn WHO tới Trung Quốc đã kết luận hầu hết người nhiễm virus có triệu chứng đáng kể. Nhưng tiến sĩ Cowling nói “chúng tôi ước tính ở Trung Quốc, khoảng 20-40% ca lây nhiễm xảy ra trước khi có triệu chứng”.
Một phân tích riêng biệt trên hàng trăm ca bệnh trên du thuyền Diamond Princess, neo đậu ở Nhật, cho thấy 18% hành khách nhiễm virus không hề có triệu chứng trong khoảng thời gian hai tuần được khảo sát.
“Tỷ lệ người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng là đáng báo động”, tiến sĩ Gerardo Chowell, nhà dịch tễ học tại Đại học Bang Georgia thực hiện phân tích trên, cho biết.
Ông Chowell lưu ý rằng tỷ lệ không triệu chứng trên du thuyền Diamond Princess là thấp hơn vì hành khách du thuyền thường là người cao tuổi và dễ biểu hiện triệu chứng hơn. Ông ước tính nếu tính toàn bộ các thành phần dân số thì tỷ lệ không có triệu chứng có thể vào khoảng 40%.
Nhân viên y tế tại khu ổ chuột Paraisopolis (Sao Paulo, Brazil) vào ngày 30/3. Ảnh: Reuters. |
Nguy cơ từ giọt dịch siêu nhỏ
Cho đến nay, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy virus có thể lây qua các giọt dịch siêu nhỏ. Chẳng hạn, 60 thành viên một dàn hợp xướng ở Mount Vernon, bang Washington tập trung ngày 10/3 để tập hát hai tiếng rưỡi. Không ai bị ốm, và không ai tiếp xúc với nhau. Nhưng đến cuối tuần, hàng chục thành viên bị ốm, và hai người sau đó tử vong.
Điều đó dẫn đến giả thuyết về lây nhiễm qua các giọt dịch siêu nhỏ (aerosol), vốn có thể đi xa hơn các giọt dịch lớn như WHO và CDC vẫn khuyến cáo.
Một nghiên cứu cho thấy virus lan truyền chủ yếu thông qua các giọt bắn có kích thước lớn từ ho hay hắt hơi (có tầm bay xa tới 8 m). Nhưng các nghiên cứu về cúm và các virus hô hấp khác cho thấy con người cũng có thể thải ra các hạt aerosol siêu nhỏ khi thở hoặc nói chuyện - hoặc khi hát, như trong trường hợp dàn hợp xướng.
“Tôi nghĩ ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy virus lây lan không chỉ qua các giọt bắn đường kính lớn mà còn qua các giọt dịch siêu nhỏ”, tiến sĩ Chowell nói với New York Times. “Như vậy việc yêu cầu đeo khẩu trang ở các nơi đóng kín như siêu thị là có lý”.
“Đối với dịch SARS chúng ta đã may mắn, vì nó không thực sự lây lan cho tới khi người nhiễm có triệu chứng, như vậy việc phát hiện và ngăn chặn bằng các biện pháp y tế cộng đồng dễ hơn nhiều”, tiến sĩ Carl Bergstrom, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đai học Washington ở Seattle, nói với New York Times.
Xét nghiệm nhanh sẽ giúp phát hiện ca bệnh không cảm thấy triệu chứng, và khẩu trang có thể giúp giảm lây lan. Nhưng các chuyên gia liên tục nhắc đến giữ khoảng cách là biện pháp tốt nhất về lâu dài để ngăn chặn đường lây nhiễm.
Đóng cửa, phong tỏa là không nhất thiết, nhưng cần hủy sự kiện đông người, làm ở nhà nhiều nếu có thể, và đóng cửa trường học.
“Chúng ta không thể chắc chắn rằng mình không phải là nguồn lây nhiễm”, tiến sĩ Bergstrom nói. “Đó là vì sao ngay cả khi tôi cảm thấy ổn, và chưa tiếp xúc với ai bị ốm, thì ra ngoài bây giờ vẫn sẽ là thiếu trách nhiệm”.