Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có nguồn lực “chim sẻ” không thuộc dạng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thì làm sao hóa “đại bàng”, trở thành “kỳ lân”? Câu trả lời nằm ở chỗ xây dựng thương hiệu kiểu “đặc công, đặc nhiệm”: tinh gọn, mạnh mẽ, hiệu quả.
Với nhiều startup, thậm chí với không ít SME đã “đủ lông đủ cánh”, việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho chiến lược tiếp thị và phát triển thương hiệu vẫn là hành trình gian nan.
Vất vả khi giải bài toán chi phí - hiệu quả
Khi đã có thương hiệu nhiều startup, SME lại đau đầu với thực trạng thương hiệu mờ nhạt, bị chìm lấp trên thị trường vì chưa biết cách xây dựng, phát triển gây ấn tượng mạnh, thu hút sự chú ý của khách hàng và giới truyền thông.
Nếu biết đến một số cách xây dựng, phát triển thương hiệu “không đụng hàng” thì startup, SME cũng thường lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, không biết vận dụng thế nào khi tài nguyên, nguồn lực hạn chế nhưng phải có thương hiệu theo chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp hay gặp vấn đề vì phải duy trì sự nhất quán khi kết hợp thương hiệu với phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị nội dung và trải nghiệm khách hàng, nhất là trong kỷ nguyên số.
Tất cả bài toán hóc búa trên có thể được giải quyết tận gốc nếu startup, SME vừa nắm vững lý thuyết, hiểu rõ bản chất những câu chuyện, giải pháp sáng tạo từ các thương hiệu nhỏ có sức sống mãnh liệt đến các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Đồng thời, vận dụng chúng một cách linh hoạt trong thực tế.
Những lý thuyết ấy, những case study ấy đã được một chuyên gia - doanh nhân vừa chắc lý thuyết vừa giỏi thực hành cô đọng trong cuốn sách in màu hơn 200 trang. Đứa con tinh thần “rút ruột nhả tơ” từ hơn 17 năm kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của tác giả Nguyễn Thanh Tuấn có tên Xây dựng thương hiệu tinh gọn (Nhà xuất bản Công Thương, Alpha Books vừa phát hành).
Tác giả là nhà sáng lập và điều hành hệ sinh thái về truyền thông thương hiệu và chuyển đổi số, là giảng viên thỉnh giảng chương trình cao học của CFVG (Pháp), trực tiếp tư vấn thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp lớn trong danh sách VNR500. Đây là lý do sách của Nguyễn Thanh Tuấn mang tính thực chiến cao.
Xây dựng lợi thế cạnh tranh
Xây dựng thương hiệu tinh gọn gồm 9 chương, đề cập các vấn đề cốt lõi, bước đi cụ thể để xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu đi kèm mổ xẻ, phân tích hàng chục case study trong và ngoài nước, hình ảnh, biểu đồ ấn tượng, dễ nhớ.
Sau chương 1 và chương 2 cô đọng, giới thiệu về vai trò của thương hiệu đối với doanh nghiệp, những hiểu lầm thường gặp, lợi ích của xây dựng thương hiệu tinh gọn… tác giả dành nhiều tâm huyết để trình bày, minh họa sinh động 6 bước trong quy trình xây dựng thương hiệu tinh gọn. Bao gồm: phân tích bối cảnh thương hiệu, xây dựng chiến lược thương hiệu, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, truyền thông thương hiệu tinh gọn, xây dựng kế hoạch truyền thông, quản lý và bảo vệ thương hiệu.
Khi xây dựng chiến lược thương hiệu, cần lưu ý 4 vấn đề chính: điểm khác biệt thương hiệu, định vị thương hiệu, hình mẫu thương hiệu và tính cách thương hiệu.
Nhằm giúp bạn đọc dễ dàng tìm ra điểm khác biệt thương hiệu, tác giả trình bày quy trình 3 bước: điểm bán hàng, điểm tương đồng, điểm khác biệt. Anh cũng giới thiệu 12 hình mẫu thương hiệu phổ biến như Nhà thông thái, Người nguyên tắc, Tình nhân, Chú hề, Người ngây thơ, Kẻ nổi loạn, Anh hùng, Người chăm sóc…
Đạm Cà Mau (nổi tiếng với sản phẩm phân bón) chọn hình mẫu là Người chăm sóc với đặc trưng là quan tâm, phục vụ, nhưng logo của công ty rất khó thể hiện thông điệp này. Vì vậy, doanh nghiệp đã sử dụng hình ảnh nhân vật đại diện thương hiệu (mascot) là một nhà khoa học trẻ đội mũ tai bèo từ trong phòng thí nghiệm bước ra cánh đồng để giải bài toán thông điệp cho Đạm Cà Mau.
Chiếm lĩnh tâm trí khách hàng
Trong chương 5 Thiết kế nhận diện thương hiệu tinh gọn, Nguyễn Thanh Tuấn đã dày công trình bày 4 tiêu chí đặt tên thương hiệu hấp dẫn, 5 phương pháp đặt tên thương hiệu ấn tượng, 4 yếu tố quan trọng trong sáng tác slogan… Tác giả phân tích kỹ lưỡng trường hợp đặt tên Cosiana (một từ ghép xuất phát từ Cosy - ấm cúng, thân mật và Asian - nét Á châu) và slogan cho khách sạn này (Where cozy memory lasts - Nơi nồng ấm đọng mãi).
Sau đó, tác giả trả lời kỹ càng, thuyết phục các câu hỏi: Thiết kế logo thế nào cho đúng, Tạo một website chuẩn thương hiệu như thế nào, Làm sao xây dựng hồ sơ công ty để luôn trúng thầu, Cách xây dựng hình ảnh thương hiệu trên bao bì sản phẩm…
Với chương áp chót, chuyên gia Nguyễn Thanh Tuấn tổng kết 7 phương pháp đo lường hiệu quả của thương hiệu tinh gọn trong thời đại kỹ thuật số, giúp doanh nghiệp hiểu rõ sự thành công của chiến lược, chiến dịch truyền thông - tiếp thị để điều chỉnh, mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp. Đó là: đánh giá nhận diện thương hiệu, theo dõi lưu lượng truy cập trang web, đánh giá tương tác trên mạng xã hội, đánh giá tăng trưởng doanh số bán hàng, đo lường sự hài lòng của khách hàng, so sánh với đối thủ cạnh tranh và báo cáo thường xuyên.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Xây dựng thương hiệu cá nhân để 'tự bán mình' với giá cao
Những lầm tưởng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, cách làm chủ bản thân và công thức xây dựng giá trị bản thân thành công là những ý được các diễn giả bàn luận tối 11/11.
Cách xuất bản thế giới tiếp thị và kiếm tiền từ sách self-help
Bốn xu hướng marketing sách self-help hiện nay: Mở rộng câu chuyện trong sách; Phát triển ứng dụng; Tận dụng nền tảng truyền thông mới; Xây dựng thương hiệu cá nhân tác giả.
Xây dựng thương hiệu khác với 'làm màu' thế nào
Trong sách "Xây dựng thương hiệu cá nhân cho người làm kinh doanh", tác giả Nguyễn Mến đã trình bày khái quát các bước để xây dựng thương hiệu cá nhân một cách chuyên nghiệp.