Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xây dựng thương hiệu cá nhân để 'tự bán mình' với giá cao

Những lầm tưởng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, cách làm chủ bản thân và công thức xây dựng giá trị bản thân thành công là những ý được các diễn giả bàn luận tối 11/11.

xay dung thuong hieu anh 1

Ngày 11/11 được biết đến là ngày dành cho những người độc thân. Trong không khí ấy, sự kiện giao lưu chia sẻ xoay quanh cuốn sách Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất được tổ chức tại một điểm của Nhà sách Phương Nam, Hà Nội, thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự.

Hà Duy - CEO Học viện Giọng nói và kỹ năng (Thalic Voice) - hóm hỉnh mở đầu sự kiện: “Mong rằng thông qua buổi giao lưu này, mỗi bạn trẻ còn đang cô đơn ở đây sẽ tìm ra cách xây dựng ‘thương hiệu’ cho bản thân để làm chủ chính mình và khiến crush của các bạn chủ động quay ra tỏ tình”.

Xây dựng thương hiệu cá nhân khác với "làm màu"

Cuốn sách Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất được thực hiện bởi nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. Anh được biết đến là người chấp bút và cùng tham gia xây dựng thương hiệu cá nhân cho một số nhân vật nổi tiếng. Từ trải nghiệm cá nhân và quan sát những người xung quanh, anh cho rằng nếu có thương hiệu cá nhân tốt thì những đóng góp cho cộng đồng sẽ lớn hơn rất nhiều và những giá trị nhận lại cũng tăng lên gấp bội.

Do đó, cuốn sách Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất ra đời với mong muốn giúp các bạn trẻ tự tin khám phá bản thân, vươn tới thành công.

Khi nhắc đến cụm từ “xây dựng thương hiệu cá nhân”, nhiều người lầm tưởng mục đích là để trở nên nổi tiếng và chỉ những người nổi tiếng mới cần quan tâm đến hình ảnh cá nhân. Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cho biết khi tạo dựng được giá trị cho bản thân và được công chúng đón nhận, chúng ta sẽ nhận lại nhiều giá trị lớn lao hơn là trở thành người nổi tiếng.

“Xây dựng thương hiệu khác với 'làm màu'. Điều quan trọng là làm tốt chuyên môn của bản thân, đóng góp cho cộng đồng. Việc phô trương sẽ khiến giá trị bản thân không dài lâu được”, tác giả Nguyễn Tuấn Anh lưu ý thêm.

Đặc biệt, anh chỉ ra rằng mỗi người cần xác định đâu là điểm khác biệt của bản thân mà nhiều người khác không có. Khi đó, chúng ta mới dùng những phương pháp khác để thúc đẩy thế mạnh và lan rộng hơn nhằm tạo ra giá trị tích cực. Và dù làm nghề gì, mỗi người cũng nên đặt ra câu hỏi rằng nghề đó có giúp mình thỏa mãn sở trường, sở thích và đem lại nhiều giá trị nhất không.

xay dung thuong hieu anh 2

Cuốn sách giúp xây dựng thương hiệu cá nhân. Ảnh: Thu Huệ.

Từ một cô sinh viên tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, trải qua nhiều lần tự kinh doanh, thất bại và thành công đủ cả, đến năm 27 tuổi, chị Nguyễn Mến (hiện là CEO GBM Group) mới tìm ra con đường theo đuổi đam mê của mình. Chị cho rằng xây dựng thương hiệu cá nhân không quan trọng ở độ tuổi nào, mà quan trọng là được sống với đúng đam mê, sở trường.

“Sinh viên cũng cần xây dựng thương hiệu cá nhân, ngay cả trong môi trường học, chứ không phải xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ cần thiết đối với những người nổi tiếng”, chị Mến nói.

Sách là “của để dành” cho tương lai

Trên quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đúc kết rằng sách có vai trò quan trọng trong việc thu nạp kiến thức bởi trong sách có rất nhiều bài học của những người thành công đi trước.

Hà Duy - CEO Học viện Giọng nói và kỹ năng (Thalic Voice) - cũng cho rằng đọc sách của những người đã thành công là cách để chúng ta học hỏi từ họ, học cả những thất bại bởi nó như một “bảo hiểm” để mỗi người tránh va phải thất bại của người khác.

“Đọc sách không phải để đọc chữ mà phải đọc những giá trị trong trang sách và hãy lưu giữ lại những giá trị đó để làm của để dành cho tương lai. Mỗi người nên biến sách thành từ điển, công cụ tra cứu, là nơi mà chúng ta luôn muốn tìm đến bất cứ khi nào”, CEO Hà Duy nói.

xay dung thuong hieu anh 3

Sự kiện tối 11/11 thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự. Ảnh: BTC.

Trong khi đó, CEO Nguyễn Mến chia sẻ rằng khi đọc sách, cần chú ý đến 2 yếu tố. Thứ nhất, tác giả của cuốn sách đó phải là người có trải nghiệm thực tế, có kiến thức, có thành quả được ghi nhận. Thứ hai, chọn nội dung sách phù hợp với từng đối tượng. Có như thế cuốn sách mới phát huy được hết giá trị.

“Con thấy người nào hay đọc sách thì hãy kết bạn với họ vì họ không bao giờ là người xấu” là câu nói của mẹ mà nhà báo Nguyễn Tuấn Anh luôn nhớ. Với anh, việc đọc sách vừa có ý nghĩa trong mục tiêu xây dựng thương hiệu cá nhân, vừa mang lại triết lý đúng đắn cho cuộc sống. Điều cốt lõi là với những ý trong sách mà bạn đọc thu nạp được, hãy thử áp dụng nó vào thực tế và biến tri thức thành điều có ích cho cuộc sống.

Cuộc chiến giành tâm trí khách hàng trong 'kỷ nguyên định vị'

Thế giới hiện đại có quá nhiều thông tin, quảng cáo. Các doanh nghiệp làm thế nào để “định vị” được thương hiệu và tạo vị trí không thể thay thế trong tâm trí khách hàng?

'Khác biệt hay là chết' - triết lý xây dựng thương hiệu bền vững

Tư duy và cách thức thực thi khác biệt là nền tảng mà các doanh nghiệp cần lấy làm kim chỉ nam để tồn tại, phát triển bền vững.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm