Wikipedia là một trong số các trang sẽ khó hoạt động nếu không được bảo vệ bởi Điều 230. Ảnh: Mashable. |
Một điều khoản pháp lý của Mỹ, Điều 230 trong đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (hay Communications Decency Act), từ lâu đã là “tấm khiên” vững chắc cho các nền tảng mạng xã hội.
Điều luật này nói rằng các nền tảng không thể bị kiện về nội dung có hại do người dùng đăng tải, với điều kiện họ gỡ bỏ nội dung có hại hoặc bất hợp pháp, chẳng hạn như nội dung khiêu dâm hoặc bán vũ khí, khi phát hiện ra.
Nếu Điều 230 bị loại bỏ hoặc diễn giải lại bởi Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ Gonzalez kiện Google được xét xử vào cuối tháng 2 này, các công ty mạng xã hội có thể phải chịu trách nhiệm về các nội dung trên nền tảng.
Trọng tâm của vụ kiện là trách nhiệm thuộc về ai khi các nội dung có hại được đề xuất trên nền tảng. YouTube, Facebook và TikTok triển khai các thuật toán gần như "gây nghiện" để làm công việc này.
Nhưng với các trang như Wikipedia hay Reddit, cộng đồng người dùng đóng vai trò quyết định nội dung nào được xuất hiện, và có thể bị trở thành đối tượng chịu trách nhiệm.
Nguy cơ bị kiện vì dùng Reddit
“Sẽ là một tổn thất to lớn đối với các cộng đồng ngôn luận trực tuyến nếu việc đóng góp nội dung trở nên thực sự nguy hiểm", Emma Llansó, Giám đốc Center for Democracy and Technology’s Free Expression Project, cho biết.
Nội dung Reddit thường được đề xuất dựa trên đánh giá của người dùng. Ảnh: Silicon Republic. |
Trong một bản cung cấp thông tin bên thứ ba do Reddit đệ trình lên Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng 1, công ty lập luận rằng thông qua tính năng upvote/downvote người dùng trực tiếp xác định nội dung nào được quảng bá hoặc ít được hiển thị.
“Tất cả những hoạt động này đều được bảo vệ bởi Điều 230, mà Quốc hội Mỹ đã tạo ra để miễn trách nhiệm cho cả người dùng Internet chứ không chỉ các nền tảng", các luật sư của Reddit viết.
Reddit cho biết họ có 50 triệu người dùng hoạt động hàng ngày và trang web ưu tiên nội dung tùy theo việc người dùng ủng hộ hay phản đối các bài đăng và bình luận trong một chuỗi thảo luận.
"Mọi người dùng Reddit đều đóng vai trò quyết định nội dung nào sẽ xuất hiện trên nền tảng, và việc làm suy yếu Điều 230 có thể vô tình làm tăng trách nhiệm pháp lý cho người dùng", Ben Lee, cố vấn luật của Reddit, nói.
“Liệu chúng ta, với tư cách người dùng, có thể bị lôi vào một vụ kiện chỉ vì đã đánh giá 2 sao cho một nhà hàng, hoặc vì dislike một bài đăng hay không", vị này đặt câu hỏi.
Wikipedia khó tồn tại nếu không còn Điều 230
Wikimedia, tổ chức quản lý Wikipedia, cũng lo lắng rằng cách diễn giải mới với Điều 230 có thể dẫn đến việc các biên tập viên tình nguyện bị đưa ra tòa vì cách họ biên tập nội dung do người dùng gửi về. Tất cả thông tin trên Wikipedia đều do các biên tập viên tình nguyện kiểm tra, chỉnh sửa và sắp xếp.
Wikipedia dựa vào các biên tập viên tình nguyện để chỉnh sửa và sắp xếp nội dung. Ảnh: Reuters. |
“Không có Điều 230, Wikipedia không thể tồn tại”, Jacob Rogers, cố vấn tại Wikimedia Foundation, nói. Trong bản cung cấp thông tin bên thứ ba của mình, Wikimedia cảnh báo rằng những thay đổi về trách nhiệm pháp lý sẽ khiến các công ty công nghệ nhỏ hơn không thể cạnh tranh với các công ty lớn hơn, vì họ không có khả năng chống lại một loạt vụ kiện.
“Chi phí bảo vệ trước các vụ kiện về nội dung được lưu trữ trên các trang web sẽ là mối đe dọa cho sự tồn tại của Wikimedia", các luật sư của tổ chức viết.
Lee lặp lại quan điểm này, lưu ý rằng Điều 230 cũng bảo vệ các công ty Internet nhỏ hơn, và khi điều luật này thay đổi, người dùng sẽ không còn muốn tham gia đóng góp hay chỉnh sửa nội dung cho các trang như Reddit hay Wikipedia.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.