Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vực thẳm Syria ngăn cách Obama, Putin

Bất chấp tuyên bố hợp tác để giải quyết khủng hoảng Syria, Tổng thống Mỹ Barack và Tổng thống Nga Putin đối nghịch nhau như nước với lửa ở hội nghị của Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama trước cuộc gặp bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 28/9. Ảnh: Getty

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York và trong cuộc gặp song phương sau đó, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều khẳng định cần sự hợp tác quốc tế để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chấm dứt cuộc xung đột Syria đã khiến hơn 200.000 người thiệt mạng. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga cùng đồng ý rằng IS là mối đe dọa lớn.

Tuy nhiên, sự đồng thuận đó bị phủ bóng hoàn toàn bởi những quan điểm khác biệt quá sâu sắc giữa Nga và Mỹ về chiến tranh Syria. Cả ông Obama và ông Putin đều dùng bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để đổ lỗi cho bên kia về cuộc chiến mẫu máu kéo dài 4 năm qua và cuộc khủng hoảng di cư đang làm chấn động châu Âu.

Ông Putin mô tả việc không hợp tác với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ là “sai lầm khổng lồ”. Còn ông Obama cho rằng từ năm 2011 ông Assad đã giết hại thường dân, gây xung đột, tạo cơ hội cho IS lợi dụng trỗi dậy. Ông cáo buộc lực lượng Assad dùng vũ khí hóa học và bom thùng gây chết chóc ở Syria.

Trên lý thuyết, hai bên đều có không gian để nhượng bộ và đạt thỏa thuận. Như lịch sử đã chứng minh ở Iraq và Libya, việc thế lực nước ngoài phá vỡ tổ chức nhà nước sẽ dẫn tới sự hỗn loạn. Do đó, giới quan sát cho rằng liên minh chống IS cần đảm bảo cơ cấu nhà nước Syria tiếp tục hoạt động. Ông Obama cũng cam kết Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran để giải quyết xung đột Syria. Đây được đánh giá là một điểm mới trong các tuyên bố của Mỹ.

Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Washington - Moscow sẽ hợp tác và chính quyền Assad cùng phe nổi dậy đạt được một sự nhượng bộ cần thiết. Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Putin đề xuất một nghị quyết Hội đồng Bảo an nhằm thành lập “một liên minh quốc tế thực sự” để chống IS. Theo quan điểm của các quan chức Mỹ, sáng kiến của ông Putin nhằm mục tiêu thay thế liên minh do Mỹ lãnh đạo đang không kích IS ở Syria và Iraq.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo quốc tế, cả ông Obama và Putin đều tận dụng cơ hội chỉ trích nhau với những ngôn từ sắc nhọn về khủng hoảng Ukraine, Iraq, Syria và vấn đề dân chủ. Ở cuộc gặp bên lề hội nghị, cả hai ông đều không cho thấy bất cứ dấu hiệu tiến bộ nào trong quan hệ song phương, chưa nói đến khả năng hợp tác.

Giới chuyên gia và truyền thông quốc tế đều đưa ra những nhận định bi quan về cơ hội hợp tác Mỹ - Nga nhằm giải quyết khủng hoảng Syria. Báo New York Times đánh giá cuộc gặp Obama - Putin không đem lại hy vọng nào cho một giải pháp Syria. CNN mô tả sự khác biệt về quan điểm giữa hai ông là “quá nguy hiểm“. Washington Post đánh giá quan điểm của tổng thống Mỹ và Nga “đụng độ nhau chan chát”.

Ông Obama và Putin tỏ ra lạnh lùng khi cụng ly trong tiệc trưa tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Getty

Nhà phân tích Andrew S. Weiss, phó chủ tịch tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nhận định có thể Mỹ sẽ hợp tác với Nga ở một số vấn đề ít căng thẳng như lập các vùng an toàn ở Syria.

"Tuy nhiên, lộ trình mà ông Putin đưa ra là lập liên minh và hợp tác với Assad để chống IS hoàn toàn đối nghịch với quan điểm của Mỹ rằng ông Assad là nguyên nhân của khủng hoảng", ông Weiss nhấn mạnh.

Nhà phân tích Frida Ghitis của CNN cho rằng ít nhất Nga đang có một kế hoạch cụ thể ở Syria là bảo vệ chế độ Assad và đang hỗ trợ lực lượng của ông ta. Còn Mỹ không có kế hoạch hay chiến lược hiệu quả nào. Nhưng vấn đề là không có sự hợp tác quốc tế hiệu quả, khủng hoảng Syria nhiều khả năng sẽ tiếp tục bế tắc.  

Bởi Nga đang vật vã với giá dầu sụt giảm và kinh tế suy thoái nên không rõ Điện Kremlin có thể đổ bao nhiêu tài lực vào Syria và sự hỗ trợ này sẽ kéo dài bao lâu. Còn ông Obama chưa tìm ra câu trả lời nào. Chiến dịch không kích IS tỏ ra không hiệu quả, và nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một lực lượng nổi dậy đủ mạnh ở Syria cũng đã thất bại thảm hại.

Ở New York, cái cụng ly lạnh lùng giữa ông Obama và ông Putin đã cho thấy rõ sự cách biệt giữa hai quốc gia. Và trong khi các nhà lãnh đạo quốc tế còn mải cãi cọ, máu tiếp tục đổ ở Syria. Hơn 200.000 người đã thiệt mạng tại đây, và hàng triệu người khác phải bỏ xứ ra đi, buộc châu Âu gồng mình tiếp nhận. Cuối cùng, chỉ người dân Syria khổ.

Với nước cờ Syria, Nga quay trở lại Trung Đông

Chiến dịch triển khai binh lực tới Syria đang giúp Nga quay trở lại Trung Đông và khẳng định vị thế cũng như ảnh hưởng đối với an ninh toàn cầu.

Tổng thống Putin: Nga sẽ ngăn thảm cảnh Libya ở Syria

Tổng thống Putin ngày 27/9 trả lời phỏng vấn chương trình 60 Minutes của đài CBS và tin rằng hành động của Nga sẽ giúp Syria tránh được thảm họa như Libya.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm