Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Với nước cờ Syria, Nga quay trở lại Trung Đông

Chiến dịch triển khai binh lực tới Syria đang giúp Nga quay trở lại Trung Đông và khẳng định vị thế cũng như ảnh hưởng đối với an ninh toàn cầu.

Chiến đấu cơ Su-25 của Nga. Ảnh minh họa: Pinterest.com
Chiến đấu cơ Su-25 của Nga. Ảnh minh họa: Pinterest.com

Chỉ vài tuần trước, Nga còn bị phương Tây tẩy chay và nền kinh tế chìm sâu trong suy thoái vì cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. Nhưng hôm nay, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), tất cả các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ phải lắng nghe chăm chú. Bởi ông Putin, người từng bị Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả là “tàn tích của quá khứ”, giờ đang là “đối trọng chiến lược” ở Trung Đông và có thể nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa đến với hòa bình ở Syria.

Tương tự những điều xảy ra tại Crimea, Tổng thống Putin ra lệnh triển khai quân đội và khí tài đến căn cứ ở Syria một cách lặng lẽ và thần tốc, khiến Mỹ và phương Tây ngỡ ngàng, không kịp phản ứng.

Mục tiêu đầu tiên, như chính ông Putin thừa nhận ở New York, là hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người bị phương Tây lên án là nguyên nhân châm ngòi xung đột Syria. Nhưng ý đồ chiến lược của Nga không chỉ có thế.

Nga luôn có ảnh hưởng và lợi ích đáng kể ở Trung Đông. Người Hồi giáo chiếm gần 15% dân số Nga, tập trung ở các vùng phía nam, có nguy cơ dễ tiếp nhận ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan từ Trung Đông.

Khu vực này cũng là vùng trọng yếu, quyết định giá dầu và khí đốt thế giới, những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga. Do đó, lợi ích của Nga ở Trung Đông cao hơn nhiều quốc gia châu Âu như Anh hay Pháp.

Cuối thập niên 1970, ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông sụp đổ sau khi Liên Xô sa lầy tại Afghanistan. Trong nhiều năm qua, vai trò của Nga tại đây rất hạn chế. Tiếng nói của Nga bị gạt ra bên lề khi Mỹ và phương Tây tấn công Iraq hồi năm 2003 và can thiệp vào Libya năm 2011. Syria là đồng minh cuối cùng của Nga ở Trung Đông, là nơi duy nhất quân đội Nga còn căn cứ quân sự. Và đây là nơi Tổng thống Putin quyết giữ ảnh hưởng.

Việc Nga triển khai binh lực tới Syria là mũi tên bắn trúng nhiều đích. Các quan chức Mỹ nhận định, với sự hiện diện của lực lượng Nga tại Syria, kể cả nếu ông Assad sụp đổ thì người kế nhiệm sẽ không thể nắm quyền nếu không có sự ủng hộ của Nga. Binh sĩ Nga cũng sẽ có thể bảo vệ hải cảng trọng yếu Tartus có vai trò lớn đối với Nga ở Địa Trung Hải.

Quan trọng hơn, bước đi của ông Putin ở Syria đang khiến phương Tây phải cân nhắc lại việc trừng phạt nền kinh tế Nga vì khủng hoảng Ukraine để đổi lấy sự hợp tác rất cần thiết của Moscow về vấn đề Syria. Mới đây, Mỹ đã chấp nhận nối lại các kênh liên lạc quân sự với Nga, bị cắt đứt sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm ngoái.

Sức ép đối với phương Tây càng trở nên lớn hơn khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hay các nhà lãnh đạo Palestine đã công khai chấp nhận vai trò của Nga ở Trung Đông. Đến thăm Nga, Thủ tướng Israel Netanyahu thảo luận với ông Putin về kế hoạch Syria và đạt thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước.

Giới quan sát đánh giá ông Putin đã rất khéo léo khi vừa lên tiếng bảo vệ Tổng thống Syria Assad vừa khẳng định quyết tâm xây dựng “mối quan hệ đặc biệt” với Israel. Và mới đây, Nga cùng Iran, Syria và Iraq đạt thỏa thuận hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Điều đó có nghĩa là ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông càng mở rộng.

Với các động thái được tính toán cẩn trọng, ông Putin đang trực tiếp cạnh tranh với hai mục tiêu của Tổng thống Mỹ Obama là tìm hòa bình cho Syria và chống IS. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và phương Tây đang bối rối trước Nga. Tổng thống Mỹ Obama đã phải chấp nhận gặp song phương ông Putin ở New York sau gần một năm lạnh nhạt.

Các nhà lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron cũng không còn gay gắt đòi Tổng thống Syria Assad phải từ chức để mở đường cho hòa bình Syria. Theo Wall Street Journal, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ, ông Obama có thể cũng phải chấp nhận giải pháp để ông Assad nắm quyền trong thời kỳ chuyển đổi ở Syria.

Dù khen hay chê Putin, dư luận đều không thể không ngả mũ thán phục những nước cờ chiến lược đầy tính toán của ông chủ Điện Kremlin.

Tổng thống Putin: Nga sẽ ngăn thảm cảnh Libya ở Syria

Tổng thống Putin ngày 27/9 trả lời phỏng vấn chương trình 60 Minutes của đài CBS và tin rằng hành động của Nga sẽ giúp Syria tránh được thảm họa như Libya.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm