Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Putin để ngỏ khả năng tham gia không kích tiêu diệt IS

Khi được hỏi về khả năng Nga tham gia chiến dịch không kích tiêu diệt IS sau cuộc họp với Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Putin cho hay, Moscow không loại trừ bất kỳ phương án nào.

Tổng thống Obama bắt tay cùng Tổng thống Putin trước cuộc gặp song phương ở trụ sở LHQ. Ảnh: AFP
Tổng thống Obama bắt tay cùng Tổng thống Putin trước cuộc gặp song phương ở trụ sở Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin lần đầu họp riêng bên lề kỳ họp của Liên Hợp Quốc ngày 28/9 (giờ địa phương) sau hai năm quan hệ lạnh nhạt. 

Cuộc họp kín giữa Tổng thống Obama và ông Putin diễn ra lúc 17h ngày 28/9 (giờ địa phương, khoảng 4h ngày 29/9 giờ Hà Nội).

Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, hai nhà lãnh đạo chỉ có 55 phút cho buổi đối thoại song phương do lịch trình công việc bận rộn của đôi bên. Trên thực tế, cuộc họp kín giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin diễn ra hơn 90 phút.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình quốc tế, đặc biệt chú trọng về vấn đề Syria, Ukraine và mối quan hệ với Mỹ. "Mối quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp. Nhưng đây là sự lựa chọn của họ, không phải của chúng tôi", ông Putin nói tại cuộc gặp gỡ báo chí sau buổi họp kín với Tổng thống Obama.

Tổng thống Putin mô tả, cuộc họp với ông Obama "rất hữu ích và thẳng thắn". Ông chủ điện Kremlin nói, Moscow sẵn sàng cải thiện quan hệ với Washington. 

Vị nguyên thủ Nga cho biết, lãnh đạo hai nước đồng thuận "hợp tác để cùng vượt qua những bất đồng hiện tại". "Chính sách cấm vận và trừng phạt không còn hiệu quả trong nền chính trị của thế giới hiện đại. Những nỗ lực nhằm cô lập Nga với thế giới của Mỹ đã thất bại".

Về vấn đề Syria, Tổng thống Putin khẳng định các chiến dịch không kích không hợp pháp vì nó diễn ra mà không có sự thông qua của Liên Hợp Quốc. "Nếu chúng tôi phải đưa ra giải pháp cho tình hình Syria, nó chắc chắn sẽ tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế", ông nói.

"Mỹ không kích ở Syria hàng chục lần trong một ngày, nhưng không ai biết kết quả chắc chắn. Loại hình chiến đấu này cần sự điều phối nếu muốn đạt hiệu quả", ông Putin nói, đồng thời khẳng định "tương lai Syria phải do nhân dân nước này tự quyết định chứ không phải Tổng thống Obama hay Tổng thống Hollande".

Tại cuộc họp báo, khi một phóng viên đặt ra khả năng máy bay Nga sẽ tham gia liên quân quốc tế tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Tổng thống Putin trả lời: "Chúng tôi đang suy nghĩ về điều này và không loại trừ bất kỳ khả năng nào".

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Nga sẽ không bao giờ tham gia vào chiến dịch quân sự mặt đất ở Syria chống IS. Cuộc chiến chống khủng bố cần diễn ra song song với những nỗ lực chính trị về tình hình Syria". 

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan có thể cùng gia nhập liên minh chống khủng bố rộng lớn hơn trong tương lai.

Trong khi đó, Tổng thống Obama khẳng định rằng, tương lai ổn định không thể diễn ra ở Syria nếu Tổng thống Bashar al-Assad còn nắm quyền. Ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ lo ngại về việc các bên thực hiện thỏa thuận Minsk về tình hình Ukraine, bao gồm vấn đề phiến quân ly khai dự định tổ chức những cuộc bầu cử địa phương.

Trong bài phát biểu buổi sáng 28/9 trước Đại hội đồng, ông chủ Nhà Trắng và Điện Kremlin công khai bày tỏ quan điểm trái chiều. Tổng thống Obama gọi nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad là "bạo chúa", "kẻ độc tài". Trong khi Tổng thống Putin ca ngợi chính phủ của ông Assad đang là lực lượng chính chống lại IS. Tuy nhiên, ông Obama phát biểu rằng Mỹ sẵn sàng làm việc với các quốc gia khác vì vấn đề Syria, kể cả hợp tác với Nga và Iran. 

Mối quan hệ Mỹ - Nga lạnh nhạt từ sau khi Washington áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Moscow năm ngoái. Mỹ không công nhận việc bán đảo Crimea sáp nhập về Nga, cáo buộc Nga là tác nhân liên quan trong tình hình khủng hoảng ở Ukraine.

Lần gần nhất hai nhà lãnh đạo đối thoại trực tiếp là tại cuộc họp thượng đỉnh G8 ở Belfast, Anh, tháng 6/2013. Hồi tháng 9 cùng năm, ông Obama và ông Putin cũng có cuộc gặp riêng chóng vánh bên lề hội nghị cấp cao G20 ở St. Petersburg, Nga. Từ đó đến nay, phần lớn các cuộc nói chuyện của hai ông đều thông qua điện đàm, chủ yếu bàn về tình hình Syria và Ukraine.

Putin: Hợp tác sẽ giúp thế giới ổn định và an toàn hơn

"Tôi tin rằng, bằng việc hợp tác với nhau, chúng ta sẽ giúp thế giới ổn định và an toàn hơn", Tổng thống Nga Putin nêu quan điểm trước các nhà lãnh đạo tại Đại hội đồng LHQ.

Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga về vấn đề Syria

Tổng thống Mỹ phát biểu trước Liên Hợp Quốc rằng nước này sẵn sàng làm việc với các quốc gia khác về vấn đề Syria, kể cả hợp tác với Nga và Iran.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm