Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu ngày 20/3. Ảnh: Reuters. |
Một cuộc bầu cử phải được tổ chức 45-60 ngày sau khi giải tán Hạ viện. Việc giải tán Quốc hội có hiệu lực ngay lập tức, Reuters đưa tin.
Ngày bầu cử vẫn chưa được công bố, song Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam trước đó cho biết cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vào ngày 14/5 nếu Hạ viện bị giải tán vào ngày 20/3.
“Đây là việc trả lại quyền ra quyết định chính trị cho người dân một cách nhanh chóng để giúp chính phủ dân chủ tiếp tục hoạt động với nhà vua là nguyên thủ quốc gia”, sắc lệnh được công bố ngày 20/3 cho biết.
Theo quy định, Ủy ban Bầu cử phải xác nhận ngày bầu cử trong một thông báo riêng trong vòng 5 ngày. Việc giải tán sẽ cho phép Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha có thêm thời gian để vận động và tuyển chọn thành viên tranh cử cho đảng mới của mình.
Người phát ngôn chính phủ Anucha Burapachaisri cho biết chính phủ của ông Prayuth sẽ chuyển sang chế độ tạm quyền cho đến khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức, dự kiến vào đầu tháng 8.
Cuộc bầu cử ở Thái Lan được cho là sẽ chứng kiến một cuộc cạnh tranh kéo dài giữa gia đình Shinawatra và giới quân sự của đất nước.
Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng trong các cuộc thăm dò ý kiến.
Bà Paetongtarn từng cho biết bà tự tin sẽ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử này.
Bên cạnh đó, qua việc giải tán Hạ viện sớm, Thủ tướng Prayuth đã cho các nghị sĩ thêm thời gian để chuyển đảng.
Nếu nhiệm kỳ Quốc hội kết thúc như dự kiến vào ngày 23/3, các ứng cử viên cần phải là thành viên của một đảng trong ít nhất 90 ngày trước cuộc bầu cử.
Thời hạn đó được rút ngắn xuống còn 30 ngày trong trường hợp Quốc hội giải tán, theo hiến pháp.
Thượng viện, bao gồm 250 thượng nghị sĩ do chính phủ bổ nhiệm, sẽ giữ nguyên vị trí trong suốt cuộc bầu cử và đóng vai trò chính trong việc lựa chọn thủ tướng tiếp theo.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.