ASEAN là chủ đề thú vị cho những ai muốn nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters. |
“ASEAN trong chiến lược nước lớn”, “Đông Nam Á - Hội tụ các siêu cường Mỹ - Trung” và “Hợp tác khu vực châu Á: Nhân tố ASEAN và Ấn Độ” là các cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu thêm về ASEAN và môi trường đối ngoại mà tổ chức này hoạt động.
ASEAN trong chiến lược nước lớn
Cuốn sách đề cập và phân tích 9 vấn đề lớn như: Châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI; Chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương: Từ “Tái cân bằng” đến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”; Điều chỉnh chính sách khu vực của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc; ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực và triển vọng đến năm 2030…
Trên cơ sở đó, cuốn sách phác họa bức tranh sống động trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương; những tính toán, điều chỉnh chính sách, cọ xát chiến lược của nước lớn ở khu vực này; những bước đi cần thiết cho một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 11/2020, tái bản tháng 9/2021.
Đông Nam Á - Hội tụ các siêu cường Mỹ - Trung
Xuất phát từ quan điểm khá khác biệt rằng Mỹ đang bị đánh giá quá thấp ở Đông Nam Á trong khi Trung Quốc lại được đánh giá quá cao, học giả người Mỹ David Shambaugh mô tả cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung như một cuộc thi đấu giữa Trung Quốc và Mỹ ở Đông Nam Á mà không có một đối thủ nào khác góp mặt, kể cả các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Với những tiềm lực và lợi thế so sánh riêng, cuốn sách cho thấy cả hai đối thủ kình địch này đều sở hữu và triển khai đa dạng nhiều công cụ trên các lĩnh vực ngoại giao, thương mại, văn hóa, quân sự, công nghệ… và họ mang những năng lực toàn diện này để vừa khuếch trương với các nước trong khu vực, vừa sử dụng cuộc cạnh tranh ban đầu với nhau.
Đây là tài liệu tham khảo hữu ích với những nhà hoạch định chính sách trong khu vực và độc giả quan tâm đến tình hình hiện nay của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 12/2021.
Hợp tác khu vực châu Á: Nhân tố ASEAN và Ấn Độ
Nội dung cuốn sách gồm 5 chương, đi sâu tìm hiểu, phân tích một cách tổng thể và liên tục bản chất của quá trình hình thành, vận hành các cơ chế hợp tác khu vực châu Á, thông qua việc nghiên cứu về lịch sử và lý thuyết hợp tác khu vực, đánh giá khoa học về tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, an ninh, bản sắc văn hóa, thể chế đối với quá trình hợp tác khu vực cũng như sự ra đời, phát triển và mở rộng các cơ chế hợp tác.
Trong tất cả quá trình này, nổi lên vai trò của ASEAN và Ấn Độ. Chính sự tham gia của Ấn Độ vào cơ chế Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) đã làm thay đổi bức tranh hợp tác khu vực châu Á, làm cho bức tranh hợp tác trải rộng hơn, đậm nét và sinh động hơn.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 1/2018.