Cựu Thủ tướng Imran Khan vào hôm 13/5 đã kêu gọi người ủng hộ tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp Pakistan. Ảnh: Reuters. |
"Tự do không đến một cách dễ dàng. Bạn phải giành lấy nó. Bạn phải hy sinh vì nó", cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan phát biểu trong video được đăng tải lên YouTube vào tối 13/5.
Theo AFP, ông Khan kêu gọi người ủng hộ " tổ chức biểu tình tại mỗi con phố và ngôi làng mà họ sinh sống" trên khắp cả nước vào ngày 14/5. Nhà cựu lãnh đạo Pakistan cũng tuyên bố ý định trở lại quá trình vận động kể từ ngày 17/5 cho cuộc bầu cử sắp tới ở quốc gia Nam Á.
Cựu Thủ tướng Khan, ngôi sao cricket một thời ở Pakistan, đang đối mặt với hàng chục vấn đề pháp lý kể từ khi bị bãi nhiệm vào tháng 4/2022. Vào hôm 10/5, ông Khan đã bị bắt giữ bên ngoài tòa án ở thủ đô Islamabad vì cáo buộc liên quan đến án tham nhũng.
Tuy nhiên, Tòa Tối cao Pakistan hôm 11/5 đã tuyên bố vụ bắt giữ ông Khan là "bất hợp pháp", từ đó yêu cầu trả tự do cho vị cựu thủ tướng này.
Trong quá trình ông Khan bị giam giữ, người ủng hộ của ông đã biểu tình trên cả nước. Những người biểu tình đốt cháy một số tòa nhà chính phủ, chặn các tuyến đường và phá hoại thiết bị của quân đội Pakistan, lực lượng được cho là đứng sau vụ bắt giữ ngày 10/5.
Ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 4.000 người đã bị bắt trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.
Trong nhiều tháng qua, nhà lãnh đạo đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích quân đội của quốc gia này. Mặc dù vậy, ông Khan cũng phủ nhận việc những thành viên trong đảng của mình có liên quan đến hành vi phá hoại tài sản quân đội trong tuần qua, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về vụ việc này.
Quân đội Pakistan hôm 13/5 cũng lên tiếng cảnh báo những cá nhân có hành vi tạo ra "nhận thức sai lầm" về lực lượng này.
Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
“Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.