Rạng sáng 7/7/2016, một cô gái 18 tuổi chợt nhận ra bản thân đang lạc lõng giữa quảng trường Plaza del Castillo tại thành phố Pamplona, phía bắc Tây Ban Nha. Thành phố này đang tổ chức lễ hội chạy đua với bò, vốn là dịp để người dân tưởng nhớ và vinh danh Thánh Fermin, vị thánh bảo hộ của Pamplona.
Mỗi ngày, vào lúc 8h sáng, những người tham gia lễ hội sẽ dấn thân vào trò chơi mạo hiểm cùng những chú bò tót chạy thục mạng.
Lễ hội cũng nổi tiếng về những hành vi xấu xí. Người dân địa phương thường xuyên phàn nàn về việc khách du lịch biến Pamplona thành một thành phố hỗn loạn, theo Guardian.
Sau khi những bức ảnh chụp phụ nữ trẻ bị các nhóm đàn ông sàm sỡ lan truyền vào năm 2013, thành phố đã phải phát động một chiến dịch chống tấn công tình dục. Hình ảnh bàn tay đỏ được dán trên các bảng quảng cáo, tường và xe buýt.
Một tấm biển ghi "chúng tôi hú lên như bầy đàn" trong một cuộc biểu tình tại Madrid năm 2018. Ảnh: AFP. |
Giây phút kinh hoàng
Cô gái vừa kết thúc năm nhất đại học đã uống rượu với một vài người mới gặp, nhưng cô đã mất dấu sau khi họ tham gia nhảy múa. Khi cô lách qua đám đông để đến chiếc ghế ở rìa quảng trường, một người đàn ông đã bắt chuyện với cô.
Tên người này là José Ángel Prenda, một thanh niên 26 tuổi đến từ Seville với khuôn mặt rộng và cái bụng ghi nguệch ngoạc tên mình. Prenda đến lễ hội với một nhóm bạn tự gọi mình là “la Manada”, có nghĩa là bầy sói.
Alfonso Jesús Cabezuelo, một thành viên trong nhóm, có hình xăm một con sói hú trên chân cùng với dòng chữ “sức mạnh của con sói nằm ở bầy đàn”. Một thành viên khác là Jesús Escudero có hình xăm chân sói trên lồng ngực. Hai tân binh còn lại của nhóm là Antonio Manuel Guerrero và Ángel Boza.
Cô gái và Prenda so sánh hình xăm và nói chuyện bóng đá trong khi những thành viên còn lại lượn lờ xung quanh. Trong hồi ức của cô, cuộc trò chuyện rất thân thiện nhưng không có gì đáng nhớ.
Sau 10 phút, cô cảm thấy mệt mỏi và nói sẽ quay trở lại xe của một người bạn để qua đêm. Nhóm của Prenda đề nghị đưa cô đi đến chiếc xe.
Những người biểu tình ở Madrid vào tháng 5/2018. Ảnh: AFP. |
Khi cô nói rằng cô đã ở gần chiếc xe, Prenda đột nhiên lao về phía trước, đuổi kịp một phụ nữ đang bước vào tòa nhà chung cư gần đó. Prenda giả làm người đã thuê phòng, giữ cửa cho cư dân và lẻn vào sảnh.
Ở bên ngoài, một người bắt đầu hôn cô. Một lúc sau, Prenda ra hiệu cho mọi người đi vào. Trước khi hình dung được điều gì đang xảy ra, cô gái đã bị kéo về phía sau sảnh và bị lột sạch đồ. Trong 20 phút tiếp theo, năm người thay phiên nhau cưỡng hiếp cô. Cô nhắm mắt lại và chờ mọi thứ kết thúc.
Vào lúc 3h27 sáng, theo đoạn phim CCTV, năm người đã lẻn ra khỏi tòa nhà. Cô gái mặc quần áo và tìm điện thoại để gọi cho một người bạn. Tuy nhiên, điện thoại của cô đã bị một người đánh cắp.
Cô bắt đầu khóc và rời khỏi tòa nhà, gục xuống một chiếc ghế dài. Một cặp vợ chồng đi ngang qua đã dừng lại và nói chuyện với cô. Khi cô kể những gì đã xảy ra, họ đã gọi cảnh sát và đưa cô tới một bệnh viện địa phương.
Trong khi đó, “bầy sói” quay lại trung tâm thành phố. Vào lúc 6h50, Prenda gửi tin nhắn cho một vài người bạn khác ở Seville rằng anh ta có video quay lại sự việc.
Sáng hôm ấy, khi các nhân viên cảnh sát đến gần, năm người vẫn mải mê chạy với bò. Đến tối hôm đó, năm người đã ở sau song sắt.
Kẽ hở luật pháp
Trong hai năm tiếp theo, vụ án “bầy sói” trở thành tâm điểm của báo chí. Vào tháng 4/2018, phán quyết cuối cùng được đưa ra. Tòa án kết luận năm người phạm tội “lạm dụng tình dục” thay vì “hiếp dâm”.
Tòa cho rằng những bị cáo đã không sử dụng bạo lực để ép buộc quan hệ, do đó không thể phân loại là tấn công tình dục. Những người này chỉ bị kết án 9 năm tù thay vì 22-25 năm như công tố viên yêu cầu.
Đối với nhiều phụ nữ Tây Ban Nha, ngay trước khi phán quyết được đưa ra, họ đã nhìn thấy được kết quả. Vụ án đã phơi bày những sai lầm sâu sắc về phụ nữ trong xã hội Tây Ban Nha.
“Vụ án đã cho thấy điều tệ nhất trong xã hội chúng ta, điều tệ nhất trong hệ thống tư pháp và điều tệ nhất trên mạng xã hội”, luật sư Violeta Assiego nói.
Kết quả của phiên tòa đã thúc đẩy các nhà nữ quyền ở Tây Ban Nha hơn bao giờ hết. Nữ quyền trở thành một phong trào với tầm nhìn chưa từng có và mang quyền lực chính trị thực sự.
Một cuộc biểu tình phản đối việc các thành viên "bầy sói" được tại ngoại. Ảnh: AFP. |
Ngay sau phán quyết, hàng trăm nghìn phụ nữ đã tràn vào các quảng trường ở hàng chục thành phố của Tây Ban Nha để phản đối phán quyết, kêu gọi viết lại luật tấn công tình dục.
Vụ án không chỉ là bước ngoặt cho các nhà nữ quyền, nó còn trở thành cơ hội cho phe cực hữu. Khi ngày càng có nhiều phụ nữ xuống đường, một phong trào của những người cảm thấy khó chịu đã hình thành trên mạng xã hội.
Đảng cực hữu Vox của Tây Ban Nha tự khẳng định mình đại diện cho những người cảm thấy bị đe dọa bởi sự gia tăng của cái mà họ gọi là “nữ quyền cấp tiến”. Vào tháng 4/2019, Vox trở thành đảng cực hữu đầu tiên có ghế tại Quốc hội Tây Ban Nha kể từ sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco.
“Vox không phải trường hợp cá biệt. Đó là một xu hướng toàn cầu. Một số ít dân số cảm thấy đặc quyền của họ đang gặp nguy hiểm. Đó là lý do tại sao nữ quyền cần thể hiện sức mạnh”, Ada Colau, thị trưởng thành phố Barcelona, nói.
Những lời dối trá
Rất lâu trước khi phiên tòa bắt đầu, hầu hết người Tây Ban Nha đã đưa ra phán quyết của riêng mình. Trong nhiều tháng, các cuộc trò chuyện qua WhatsApp của “bầy sói” đã bị rò rỉ lên báo chí. Họ đã có ý định cưỡng hiếp trước chuyến thăm tới lễ hội Pamplona.
“Chúng ta có Burundanga (có tác dụng gây mê) không? Tôi đã mua được Reinoles (một loại thuốc gây mê khác) với giá tốt”, một tin nhắn viết.
“Chuyến đi này là một lễ rửa tội bằng lửa để trở thành một con sói”, một tin nhắn khác nói.
Khủng khiếp hơn, một đoạn video bị rò rỉ từ nhóm WhatsApp cho thấy bốn trong số năm thành viên “bầy sói” đã sàm sỡ và hôn một người phụ nữ bất tỉnh tại một lễ hội khác ở Andalucía, hai tháng trước khi lễ hội tại Pamplona diễn ra. Một cuộc điều tra riêng đã được tiến hành.
Vào ngày đầu tiên của phiên tòa xét xử, cô gái đã nhấn mạnh trong suốt 40 phút rằng “bầy sói” chưa bao giờ đề cập đến vấn đề tình dục khi nói chuyện với cô. Khi được dẫn vào sảnh, cô đã bị “đóng băng” và sốc. Do nhắm mắt nên cô không biết rằng năm bị cáo đã quay phim lại.
Sau vụ tấn công, cô đã rơi vào vòng xoáy tự trách mình, xấu hổ và tội lỗi. Cô đã phải chịu đựng những cơn ác mộng, mất ngủ và khó tập trung. Nhiều tháng sau, cô không thể tham gia kỳ thi của trường.
Angel Boza, một thành viên của "bầy sói" rời khỏi tòa án tại Seville vào năm 2019. Ảnh: Reuters. |
Ngược lại, lời khai của năm bị cáo giống như kịch bản phim khiêu dâm. Họ nói rằng năm người đang bận tâm đến công việc của mình thì một phụ nữ trẻ hấp dẫn xuất hiện. Trong vòng năm phút, cô tuyên bố sẽ lên giường với bất kỳ ai. Tất cả năm người đều tuyên bố rằng họ chưa bao giờ hỏi cô về việc quan hệ tình dục.
Cả nhóm đều khẳng định rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi một người lạ 18 tuổi sẽ đồng ý quan hệ tình dục trong “bối cảnh lễ hội”. Guerrero khẳng định rằng nhóm mình vô tội. Khi cảnh sát thông báo về cáo buộc hiếp dâm, người này đã yêu cầu gặp cấp trên và đưa ra đoạn phim đã quay trên điện thoại để làm bằng chứng minh oan.
Luật sư của năm bị cáo cho rằng nguyên đơn thay đổi giọng điệu vì cô sợ những người đàn ông sẽ làm rò rỉ đoạn phim và làm hoen ố danh tiếng của cô.
Hầu hết phiên tòa đều được xét xử kín để bảo vệ quyền riêng tư của những người liên quan. Tuy nhiên, điều đó không còn quan trọng. Thông tin rò rỉ liên tục được cung cấp đến báo chí địa phương và công chúng.
Yếu tố đáng kinh ngạc nhất của phiên tòa là những gì được chấp nhận là bằng chứng và và những gì không. Ba chủ tọa của phiên tòa, bao gồm hai nam và một nữ, đã phán quyết rằng cuộc sống cá nhân và hoạt động trên mạng xã hội của các bị cáo là không liên quan, nhưng lại có quan điểm khác khi nói đến nạn nhân.
Trong giai đoạn thẩm vấn, đoàn chủ tọa thừa nhận một báo cáo được biên soạn bởi một điều tra viên tư nhân. Người này được gia đình của một trong những bị cáo thuê để theo dõi hành vi của nguyên đơn trong những tháng sau vụ tấn công. Báo cáo kết luận rằng nguyên đơn đang có “cuộc sống như bình thường”.
Hành động này đã làm nhiều phụ nữ Tây Ban Nha tức giận. Khẩu hiệu “Yo Si Te Creo” (có nghĩa là “Tôi tin bạn”) trở nên phổ biến trong các cuộc biểu tình.
Cuộc biểu tình nữ quyền tự phát lớn nhất
Hai trong số ba thẩm phán chủ tọa phiên tòa thừa nhận họ tin rằng nguyên đơn đã không đồng ý với hành động của nhóm bị cáo. Tuy nhiên, việc kết tội hiếp dâm là không thể do cô không bị ép buộc.
Thậm chí thẩm phán thứ ba còn có quyết định tha bổng cho “bầy sói”. Ông cho rằng những gì ông thấy trong đoạn phim là “bầu không khí vui vẻ”.
Chỉ trong vài giờ, hàng trăm nghìn phụ nữ trên khắp Tây Ban Nha đã tràn ra ngoài đường phố, trở thành cuộc biểu tình nữ quyền tự phát lớn nhất đất nước này. Đêm ấy, phụ nữ trên khắp đất nước đã đập nồi và chảo. Hashtag #Cuéntalo kể về bạo lực tình dục đã được retweet 3 triệu lần và lan rộng đến 70 quốc gia.
Một làn sóng chống nữ quyền cũng được hình thành. Một trong những trung tâm của làn sóng này là diễn đàn web nổi tiếng của Tây Ban Nha có tên ForoCoches (có nghĩa là “diễn đàn xe hơi”). Trong suốt phiên tòa, diễn đàn là nơi tập trung người dùng để bày tỏ sự cảm thông với bị cáo và chê bai nguyên đơn.
Sau khi phán quyết được đưa ra, người dùng ForoCoches thậm chí đã đăng thông tin nhận dạng nạn nhân.
Trong tuyên bố công khai, Guerrero đã viết một bức thư cảm ơn các thành viên ForoCoches vì “không đi theo bầy đàn”. Người này tấn công phong trào nữ quyền và cảnh cáo điều xảy ra với anh ta “có thể xảy ra với anh trai, cha, con trai hoặc thậm chí là bạn”.
“#IDon'tBelieveYou Cái quái gì vậy, nếu bất kỳ cô gái nào hối hận vì đã quan hệ tình dục với bạn, ngày hôm sau bạn có thể bị báo cáo về tội hiếp dâm. Sau đó tất cả các nhà nữ quyền sẽ ra trận vì cô ta. Thật đáng sợ”, một tweet viết.
Người biểu tình giơ biểu ngữ phản đối phán quyết tại Pamplona. Ảnh: AP. |
Trên các phương tiện truyền thông, thuật ngữ “bầy sói” trở thành đại diện cho bất kỳ vụ tấn công tình dục theo nhóm nào. Nhiều trường hợp đã được báo cáo tại Barcelona, Alicante hoặc Madrid. Điều này giống như một câu chuyện cổ tích hiện đại cảnh báo phụ nữ trẻ về sự nguy hiểm của việc ra ngoài một mình vào ban đêm.
Một số nhà báo đã lo lắng rằng việc đưa tin về “bầy sói” có thể gây ra tội phạm bắt chước.
Hai tháng sau phán quyết, năm bị cáo bất ngờ được tại ngoại trong khi chờ kháng cáo. Các thẩm phán cho rằng những người này “bị mất sự ẩn danh” khiến việc trốn khỏi đất nước hoặc phạm tội tương tự là “không thể xảy ra”.
Đáp lại, hàng trăm nghìn phụ nữ một lần nữa tràn ngập đường phố để phản đối. Ngay sau đó, Bộ trưởng Carmen Calvo đã tuyên bố rằng chính phủ sẽ đề xuất một luật tấn công tình dục mới nhằm loại bỏ sự phân biệt giữa hiếp dâm và lạm dụng tình dục.
Theo luật của Tây Ban Nha, nạn nhân của bạo lực giới được phép làm chứng từ xa và cần được chỉ định luật sư có chuyên môn. Tuy nhiên vì nạn nhân trong vụ án bầy sói bị tấn công bởi người lạ, cô không được hưởng những đặc quyền này. Thay vào đó, cô phải đến Pamplona để làm chứng. Carlos Bacaicoa, luật sư được chỉ định, không có chuyên môn cụ thể về bạo lực giới.
Bacaicoa được chỉ định đơn giản là vì anh tình cờ có mặt trong đêm vụ việc diễn ra. Ông cho rằng vụ việc là “trải nghiệm tồi tệ nhất trong 37 năm” vì những thiệt hại mà nó gây ra cho ông. Ông gọi nhóm bị cáo là “những con vật” và không đồng ý với tòa án nhưng tôn trọng phán quyết.
“Chúng lẽ ra phải bị kết tội hiếp dâm. Nhưng công lý được thực thi trong tòa án, không phải đường phố”, Bacaicoa nói.