Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam cần thêm 56 GW điện tái tạo để đạt net zero vào năm 2050

Các chuyên gia cho rằng để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam cần phải có thêm 56 GW điện tái tạo vào năm 2030.

Việt Nam có điều kiện để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Ảnh: Quỳnh Danh.

Báo cáo "Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến Phát thải ròng bằng không" (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) kết hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch vừa công bố đánh giá Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050.

Tuy nhiên, báo cáo ước tính để đạt được mục tiêu này, phát thải CO2 của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.

Cần điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải

"Với tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam có điều kiện tốt để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và tận dụng các nguồn tài nguyên", báo cáo đánh giá.

Việt Nam có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu.

Theo phân tích của báo cáo, để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 thì cần phải có thêm 56 GW điện tái tạo (17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời) vào năm 2030.

net zero anh 1

Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nhằm cắt giảm đáng kể lượng phát thải. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch.

Báo cáo cũng cho thấy trong thời gian tới, các nhà máy điện than của Việt Nam có thể giảm công suất các nguồn điện than để ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo 3 nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác có thể được triển khai.

Để thực hiện tham vọng xây dựng 84 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải.

Việt Nam nên nghiên cứu sâu hơn vai trò điện hạt nhân

Đáng chú ý, tại báo cáo này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra năng lượng hạt nhân có thể đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho năng lượng tái tạo trong dài hạn trong các kịch bản giảm phát thải cao.

"Điện hạt nhân có vai trò nhất định trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và có thể trở thành một phần của cơ cấu nguồn điện tối ưu về chi phí vào năm 2050 theo kịch bản phát thải ròng bằng không (NZ). Với kịch bản có mục tiêu khí hậu cao hơn (kịch bản NZ+), kéo theo nhu cầu điện tăng cao, công suất điện hạt nhân lên tới khoảng 28 GW vào năm 2050.

Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam nên nghiên cứu sâu hơn về vai trò của điện hạt nhân trong hệ thống điện tương lai, bao gồm đa dạng hóa loại hình nguồn điện, vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện với tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo cao.

"Điện hạt nhân là giải pháp công nghệ sản xuất điện không phát thải. Điện hạt nhân không nằm trong cơ cấu nguồn điện được dự báo trong các kịch bản cơ sở và kịch bản tăng trưởng xanh, và chỉ có một lượng công suất nhỏ lần lượt là 1,3 GW và 3 GW là tối ưu về chi phí trong kịch bản phát thải ròng bằng 0 và kịch bản giao thông xanh", báo cáo nhìn nhận.

net zero anh 2

Năm 2008, thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận được quy hoạch làm dự án nhà máy điện hạt nhân 1. Ảnh: Xuân Hoát.

Chỉ trong kịch bản NZ+, là kịch bản có nhu cầu điện và mục tiêu giảm phát thải cao nhất, công suất điện hạt nhân mới đạt 28 GW vào năm 2050. Đầu tư điện hạt nhân tập trung vào công nghệ lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR), một lựa chọn công nghệ mới nổi, có ưu điểm là thời gian xây dựng ngắn và lắp đặt phân tán.

"Vị trí vùng cũng là một yếu tố liên quan khi xem xét vai trò tiềm năng của điện hạt nhân ở Việt Nam. Các nhà máy điện hạt nhân truyền thống được giả định xây dựng ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, tuy nhiên không hiệu quả về chi phí trong mọi kịch bản", báo cáo đánh giá.

Thay vào đó, đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân SMR chủ yếu ở Bắc Bộ hoặc Đông Nam Bộ là giải pháp có chi phí tối ưu để cung cấp điện cho các trung tâm phụ tải lớn do không cần phải đầu tư thêm vào lưới truyền tải liên vùng.

Chuyên gia cho rằng năng lượng hạt nhân có thể trở nên cạnh tranh về mặt chi phí trong một số vùng khi điện mặt trời mặt đất đã được khai thác hết tiềm năng ở những nơi có nhu cầu sử dụng điện cao.

"Việc lựa chọn công nghệ hạt nhân cần phải được cân nhắc kỹ, trong khi đó nên ưu tiên các công nghệ tái tạo trong nước cùng với hệ thống lưu trữ và nghiên cứu sâu hơn về vai trò tiềm năng của điện hạt nhân trong hệ thống điện tương lai, đặc biệt là đa dạng hóa loại hình nguồn điện", các chuyên gia lưu ý.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Thứ trưởng Công Thương: Giá điện không chỉ tăng mà sẽ có giảm

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đã chỉ đạo giá điện có tăng thì sẽ có giảm, thời gian và mức điều chỉnh sẽ được quyết định dựa trên kết quả kiểm tra giá sản xuất điện.

Phó thủ tướng yêu cầu có kịch bản điều hành giá điện trước 30/6

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần xây dựng kịch bản điều hành giá, trong đó đề xuất về thời điểm, mức độ điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục trước 30/6.

Canada chia sẻ bài học đáng giá về Net-Zero với Việt Nam

Trong sự kiện phái đoàn thương mại Canada đến Việt Nam, hai nước xác định hợp tác để nâng cao lợi ích chung trong quản lý phát thải và đổi mới công nghệ xanh, sạch.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm