Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Bộ Tài chính. |
Sáng 12/6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết trong nửa đầu năm, công tác điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đối với giá xăng dầu cơ bản không có nhiều biến động.
Hàng không đã có nhiều chuyến bay giá rẻ
"Tính đến ngày 6/6, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 23 kỳ điều hành giá. Trong 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước cơ bản có xu hướng tăng, từ cuối tháng 4 cho đến nay liên tục giảm về mức giá gần tương đương so với đầu năm", Thứ trưởng Bộ Tài chính báo cáo.
Về giá vé máy bay, hiện giá vé đã giảm so với giai đoạn cao điểm trước đó. Giá vé (chưa gồm thuế, phí, dịch vụ tăng thêm…) của các hãng trong giai đoạn tháng 5 trên các đường bay nội địa hạng phổ thông dao động khoảng 30-70% mức trần giá theo quy định.
"Để chuẩn bị cho mùa du lịch hè sắp tới và giai đoạn đến cuối năm, các hãng hàng không đều có các dải vé với đa dạng mức giá khác nhau, trong đó đã có thêm nhiều chuyến bay đêm có giá rẻ cho hành khách lựa chọn. Do đó đã góp phần giảm nhiệt giá vé máy bay trong dịp hè", ông Cận nói thêm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cũng tăng nhanh trở lại từ đầu tháng 5 do bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang tại Biển Đỏ, tắc nghẽn cục bộ tại cảng Singapore...
Bộ Tài chính ước tính lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72-4,5%. Ảnh: Bộ Tài chính. |
Ngoài ra, giá một số mặt hàng như gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá heo hơi cũng tăng 3-10% trong tháng 5, giá thịt gà công nghiệp tăng, giá thịt bò hơi ổn định. Bên cạnh đó, giá một số loại rau xanh tăng do nhu cầu tiêu thụ mạnh do thời tiết diễn biến bất thường…
Dự báo giá cả thị trường thời gian tới, Thứ trưởng Cận cho rằng những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá vẫn là giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện do tới kỳ điều chỉnh theo lộ trình. Giá vé máy bay trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh chung của giá vé máy bay thế giới.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có biến động tăng như giá xăng dầu do những biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới. Đồng thời, giá gạo xuất khẩu có thể vẫn duy trì ở mức cao, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tăng mạnh...
Đề xuất thời điểm, mức độ chỉnh giá điện, y tế, giáo dục trước 30/6
Trước ý kiến của các bộ, ngành, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu cần có phương án điều chỉnh giá đánh giá mức độ, thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Ông yêu cầu các bộ, ngành cần xây dựng kịch bản điều hành giá, trong đó có đề xuất về thời điểm, mức độ điều chỉnh giá 3 mặt hàng chủ lực gồm giá điện, dịch vụ y tế và giáo dục.
"Hạn chót là 30/6 phải có kịch bản để trên cơ sở đề xuất, Ban chỉ đạo điều hành giá sẽ cân nhắc, cho ý kiến. Nếu không đảm bảo thời gian và để tác động đến CPI thì các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận thời gian tới, có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước như giá năng lượng dự báo vẫn biến động phức tạp; tỷ giá tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu; giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển tăng mạnh... Điều này đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm.
Để chủ động ứng phó, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.
"Đồng thời kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát trong giới hạn 4-4,5%", lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.
Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường. Thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.