Trong cuốn Biểu tượng thần thoại về Chư thiên & Linh vật Phật giáo, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình đã trình bày một hệ thống chư thiên - một loại chúng sinh cõi trời và các vị thần / thần linh sống nơi cõi trời hoặc trong vũ trụ Phật giáo, thuộc về thiện đạo trong lục đạo luân hồi (thiên, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục).
Vị thần Hộ pháp chủ về việc ban phúc đức
Nhiều vị trong số này có nguồn gốc từ Ấn giáo hay từ các điện thần Bà La Môn giáo trước đây và đã được tin là đã quy hướng và trở thành những vị hộ pháp, hoặc những biểu tượng tốt lành trong Phật giáo. Một trong số những vị đó là Cát tường thiên nữ / Thiên mẫu - vị thần Hộ pháp có công năng ban phát phúc đức, đáp ứng những mong cầu về tiền tài, giàu sang, giúp chúng sinh có được cuộc sống hạnh phúc.
Về từ nguyên, tác giả sách cho biết, Cát Tường thiên, Phạn ngữ: Sri-maha-devi; Hán âm: Thất-lợi-ma-ha-đề-tỳ, Ma-ha-thất-lợi; Hán dịch: Thất-lợi Thiên nữ, Cát tường Thiên nữ, Cát Tường Công Đức Thiên, Bảo Tạng Thiên nữ, Đệ Nhất Oai Đức Thành Tựu Chúng Sự Đại Công Đức Thiện.
Tượng Lakshmi. |
Trong tín niệm của Hindu giáo, Cát Tường Thiên nữ vốn là nữ thần Lakshmi - vị thần của sự giàu sang và thịnh vượng (cả về vật chất và tình thần), của vận mệnh và hiện thân của cái đẹp. Nữ thần là người vợ và năng lực tích cực của thần Vishnu. Bốn tay nữ thần biểu trưng cho bốn mục đích của đời người được xem như là cách sống chính đáng của tín đồ Hindu: Dharma (Pháp), Kama (Ái dục), Artha (Giàu sang) và Moksha (Sự giải thoát).
Còn trong đạo Bà Là Môn và Ấn Độ giáo, Cát Tường Thiên nữ là vị nữ thần được tín phụng có công năng ban bố phước đức, vận mệnh tiền tài và sự giàu có, mỹ lệ hạnh phúc. Về sau Ngài được Phật giáo thu nạp làm Thần Hộ pháp chủ về việc ban phúc đức.
Trong thần thoại Ấn Độ, Cát Tường Thiên nữ là phi tần của Na-da-diên-thiên (Vishnu / Narayân), mẹ của ái dục Kama. Về sau nữ thần này cùng với Đế Thích, Ma-hê-thủ-la, Tỳ-thấp-nô… trở thành thiên thần ủng hộ Phật giáo.
Theo truyền thuyết của Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu, vị thiên thần này là phi tần của Tỳ-sa-môn thiên, cha là Long vương Đức Xoa Già / Đức Xoa Ca (Taksaka), mẹ là Quỷ Tử Mẫu (Hariti).
Phật giáo xếp Cát Tường Thiên nữ vào hàng ngũ các thần Hộ pháp, tiếp thu hình ảnh bà rải tiền như nước chảy, có đặc điểm là nắm được tiền bạc và sự giàu có, đồng thời còn cho rằng bà là em gái của một trong Tứ Đại Thiên vương là Bắc Đa Văn Thiên vương. Vì bà bố thí tiền tài và sự giàu có, đem lại cát tường rải rác khắp nơi, được đại công đức với chúng sinh, cho nên gọi bà là “Công Đức Thiên”.
Có thuyết cho rằng, nữ thần còn được Kim Cương Thủ Bồ Tát hàng phục, trở thành Hộ pháp quan trọng trong Phật giáo. Còn trong Mật giáo, vị thiên nữ này được cho là do Đại Nhật Như Lai của Thai Tạng biến ra, cũng là Minh Phi của Tỳ Sa Môn Thiên vương do Đại Nhật Như Lai ở Kim Cương giới biến thân thành. Nhìn chung, các giả thuyết đều cho rằng bà có mối quan hệ rất mật thiết với Tỳ Sa Môn Thiên vương. Do Tỳ Sa Môn là Thần Tài, nên Cát Tường Thiên nữ cũng được coi là nữ thần tài.
Sách Biểu tượng thần thoại về Chư thiên & Linh vật Phật giáo. Ảnh: QM. |
Hình tướng của Cát tường Thiên nữ
Đề cập đến hình tướng của Cát Tường Thiên nữ, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình cho biết trong các thuyết có liên quan cũng không có sự thống nhất.
Ở Trung Quốc, sau khi Phật giáo truyền vào, Công Đức Thiên (Cát tường Thiên nữ) có hình tướng đoan trang, hoa lệ cao quý, đầu đội mũ hoa quan, ăn mặc lộng lẫy, đeo những trang sức hoa tai, kim hoàn vòng xuyến… Cũng có hình tượng là kiểu trang sức của một hậu phi chốn cung đình.
Từ giữa thời kỳ nhà Minh về sau, hình tượng của Công Đức Thiên hoàn toàn bị Trung Quốc hóa, hình tướng điển hình của bà là: trang sức như một hậu phi Trung Quốc hoa lệ, quý phái, ung dung tự tại, tay đặt trước ngực, mân mê hòn ngọc như ý, phía sau là một con voi trắng sáu ngà đi theo.
Con voi dùng vòi lăn một chiếc bình bằng mã não, trong bình không ngừng tuôn chảy ra vô vàn châu báu bảo vật. Ở bên phải của bà có một người Hồ lớn tuổi tay cầm lò hương cán dài, mặc quần áo màu trắng theo hầu. Người Hồ đây chính là “Chú Sư”, ông ta niệm thần chú giùm cho Công Đức Thiên, khiến bảo vật trong bình không ngừng chảy ra.
Theo Kỳ sa môn Thiên vương kinh, hình tướng của Cát tường Thiên nữ có mắt dài, mặt hiền hậu an lành, đầu đội thiên quan, trang sức vòng ngọc, kiềng. Tay phải bắt ấn vô úy, tay trái cầm như ý, mình mặc Thiên y. Hai bên có mây lành ngũ sắc, sau lưng có Thất bảo sơn, trong mây ngũ sắc có voi sáu ngà.
Theo sách Chư thiên truyện, quyển hạ, ngài có thân hình đoan chính, hai tay trắng, đỏ, tay trái cầm ngọc như ý, tay phải kết ấn Vô úy, ngồi trên tòa quý. Phạm Thiên ở bên trái, tay cầm gươm báu; Đế thích thiên ở bên phải, đang tán hoa cúng dàng.
Trong Bảo tạng thiên nữ Đà La pháp lại ghi: “Thiên nữ thân cao 2 thước 5 tấc, đầu kết mũ hoa, tay phải cầm hoa sen, ngồi điểm hoa với tư thế đoan chính, đẹp đẽ; đai vàng, giày đen, tay phải cầm hoa sen, tay trái cầm ngọc như ý”.
Trong Mật tông Tây Tạng, Cát Tường Thiên còn gọi là Cát Tường Thiên mẫu được thờ làm bản tôn để sám hối tội lỗi gọi là Cát Tường Thiên nữ Pháp, hay Cát Tường Hối Quá Pháp.
Trong quá trình Mật Tông được truyền bá vào Tây Tạng, Thiên Mẫu đã dần thế chỗ một vị nữ thần khác của Bôn giáo (Đạo Bon - tôn giáo cổ đại của Tây Tạng) trở thành vị thần Hộ pháp và chủ quản dục vọng của thế gian, đứng đầu nhóm nữ thần Hộ pháp. Cát Tường Thiên mẫu thường xuất hiện dưới hai hình tướng phẫn nộ và an tĩnh.
Đề cập đến việc sùng bái vị nữ thần này, tác giả sách Biểu tượng thần thoại về Chư thiên & Linh vật Phật giáo cho biết, ở từng quốc gia khác nhau thì việc sùng tín thần cũng khác nhau, không đồng đều.
Phật giáo Tây Tạng thì coi Cát Tường Thiên là vị thần Hộ pháp đặc biệt quan trọng. Ở Nhật Bản, từ xưa đến nay Cát Tường thiên nữ rất được tin tưởng tôn thờ. Riêng ở Việt Nam, Cát Tường Thiên nữ ít nhiều được nhắc đến trong kinh văn Phật giáo song hầu như không thấy được thờ tự trong điện thờ Phật như một số quốc gia khác.
Tóm lại, từ một vị nữ thần quan trọng và mỹ lệ của Hindu giáo, Cát Tường Thiên nữ đã trở thành một nữ thần Hộ Pháp quan trọng của Phật giáo. Ở điện thờ Phật giáo, vị nữ thần này là một đại phúc thần có khả năng tăng phúc đức, trí tuệ…, giúp chúng sinh có được cuộc sống hạnh phúc.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.