Chữ Vạn trên ngực tượng Phật. Nguồn: quora. |
Trong cuốn Chư thiên & Linh vật Phật giáo, từ việc nghiên cứu tài liệu trong nước và nước ngoài, cộng với việc đi điền dã nhiều năm tại các ngôi chùa trong Nam ngoài Bắc, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình đã trình bày một tập đại thành các chư thiên, linh vật và biểu tượng Phật giáo.
Biểu tượng tốt lành
Tác giả cũng trình bày chi tiết, cặn kẽ về xuất xứ, tín niệm, cũng như nội dung và ý nghĩa của những bức tượng, phù điêu, tranh vẽ, biểu tượng… đặc trưng của nhà Phật. Một trong số đó là biểu tượng chữ Vạn thường được trang trí ở trước tượng Phật (thường đặt trước ngực), hoặc trên mái nhà, trong điện đường của chùa miếu.
Nói về tín niệm chữ Vạn ở một số tôn giáo, tác giả sách cho biết trong Hindu, chữ Vạn, Phạn ngữ Svastika/swastika (chữ thập ngoặc) là từ ngữ được cấu thành bởi ba thành tố. Su (tốt lành), asti (là). Suasti do đó có nghĩa là “thịnh vượng, sung túc, khỏe mạnh và hạnh phúc”. Với hậu tố tiếp vĩ ngữ ka (linh hồn / người), nó mang ý nghĩa để chỉ sự tốt đẹp tương ứng với bùa may hoặc vật cát tường.
Trong kinh Veda, chữ Vạn được dùng để chỉ “bánh xe Mặt Trời”. Nó biểu thị tiến trình vũ trụ và sự tiến hóa quanh trục cố định. Nó cũng biểu thị cho nguyên lý của cuộc sống và sự vận động từ to đến nhỏ, từ vi mô đến vĩ mô. Nói cách khác là nó là biểu tượng của sự hoạt động, của biểu hiện, của chu kỳ và của sự tái sinh bất tận.
Còn trong tín niệm Phật giáo, chữ Vạn là biểu tượng Cát tường hải vân. Chữ Vạn còn là 1 trong 32 tướng tốt và 1 trong 80 vẻ đẹp của Phật, là tướng biểu thị công đức ở nơi ngực… của Phật và Bồ tát Thập Địa.
Trong kinh Đại Bản trong trường A-hàm, kinh Đại Tát-già Ni-càn-tử Sở Thuyết 6, kinh Đại Bát-nhã 381… đều nói trước ngực, tay chân của Phật có chữ Vạn. Trên tảng đá Phật Túc đào được tại Amaravati ở Ấn Độ hiện nay cũng có khắc máy chữ Vạn.
Sách Chư thiên & Linh vật Phật giáo. Ảnh: QM. |
Dấu hiệu đại biểu cho Phật giáo
Đề cập đến nguồn gốc của biểu tượng chữ Vạn, tác giả sách Chư thiên & Linh vật Phật giáo cho rằng hình chữ Vạn vốn là dấu hiệu biểu thị tốt lành ở Ấn Độ thời xưa. Ngoài Ấn Độ, thì Ba Tư, Hy Lạp cũng đều có phù hiệu này, thông thường được xem là tượng trưng cho Mặt trời, ánh chớp lửa, nước chảy.
Ở Ấn Độ thời xưa, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỷ Na giáo đều sử dụng chữ này. Đầu tiên, người Ấn Độ cho rằng phù hiệu này là sợi lông xoắn ở ngực của Phạm Thiên Brahma Vishnu, Krishna và coi đây là dấu hiệu của sự tốt lành, thanh tịnh, tròn đầy.
Trong Phật giáo, chữ Vạn là tướng tốt lành ở trước ngực của Phật và hạng Bồ-tát Thập Địa, sau dần trở thành dấu hiệu đại biểu cho Phật giáo.
Đề cập đến việc dịch biểu tượng chữ Vạn từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, tác giả Huỳnh Thanh Bình cho biết, xưa nay có nhiều thuyết về Hán dịch chữ “Vạn”. Cụ thể như: Cưu-ma-la-thập và Huyền Trang dịch là chữ “Đức”, ngài Bồ-đề-lưu-chi thì dịch là chữ “Vạn”, biểu thị ý nghĩa công đức tròn đầy.
Còn trong Tống Cao Tăng Truyện 3 thì cho rằng nếu chữ này mà dịch là Vạn thì chẳng phải dịch ý mà là dịch âm. Nhưng âm của chữ Srivatsalaksana ban đầu không được đưa vào kinh truyện, đến năm 639 thời Võ Tắc Thiên mới đặt ra chữ này, đọc là Vạn và cho rằng chữ này có ý nghĩa là nơi nhóm họp của muôn điều tốt lành.
Nhưng đây vốn là một ký hiệu chứ chẳng phải là một con chữ. Sở dĩ xưa nay đọc liền là “Vạn tự” một mặt là do tập quán, chủ yếu nhất là do lầm lẫn khi dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Vì chữ Phạn Laksana, dịch âm là Lạc-sát-nẵng, nghĩa là “tướng”; mặt khác chữ Phạn aksara dịch âm là Ác-sát-la, nghĩa là “Tự”. Có lẽ 2 âm Laksana và aksara gần giống nhau cho nên ý nghĩa của chúng bị lẫn lộn. Nói theo đây thì “Vạn tự nên đọc là tướng (vạn tướng) mới phù hợp với nghĩa gốc của chữ Phạn.
Hình trang trí chữ Vạn. Chiều xoay của biểu tượng chữ Vạn được sử dụng chưa thống nhất. Nguồn: picture-worl. |
Chiều xoay của biểu tượng chữ Vạn
Đề cập chiều xoay của biểu tượng chữ Vạn, tác giả sách cho biết, từ xưa, chữ Vạn đã có 2 trường hợp: xoay về bên tả và xoay về bên hữu. Đối với Ấn Độ giáo, phần nhiều dùng chữ xoay bên tả để biểu thị cho Nam tánh thần và chữ хоау về bên hữu biểu thị cho Nữ tánh thần.
Đối với Phật giáo, có ngôi tháp cổ hiện còn ở vườn Lộc Dã, chữ trên tháp toàn là chữ Vạn xoay về bên hữu, ngôi tháp này là di tích kiến trúc thời vua A Dục, được xây dựng để kỷ niệm nơi ngày xưa đức Phật đã nhập định.
Tại Tây Tạng, tín đồ Lạt-ma giáo thường dùng chữ Vạn quay về bên tả, tín đồ Bổng giáo thì dùng chữ Vạn quay về bên hữu. Tại Trung Quốc, qua nhiều đời đều dùng cả hai cách. Huệ Lâm Âm Nghĩa và Cao-ly Đại Tạng kinh đều chủ trương chữ Vạn xoay về bên tả, Nhật Bản Đại Tạng kinh cũng mô phỏng theo song sử dụng chữ Vạn xoay về bên hữu, còn 3 bản tạng kinh đời Tống, Nguyên, Minh đều dùng chữ Vạn xoay về bên hữu.
Sự phân chia chữ xoay về bên tả và bên hữu chủ yếu là do nơi lập trường khác nhau. Trong kinh có nhiều chỗ nói “xoay về bên hữu”, sợi lông trắng giữa 2 đầu chân mày của Phật cũng uyển chuyển xoay về bên hữu, lại như khi lễ kính Phật, Bồ Tát cũng phải đi nhiễu về bên hữu, cho nên từ ngữ “xoay về bên hữu” đã thành luận thuyết nhất định, nhưng rốt cuộc thì “chữ Vạn” là xoay về bên phải hay là xoay về bên trái vẫn còn là đầu mối gây nhiều tranh luận.
Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn thì Vạn tự, Phạn là Svastika, chữ Vạn, cũng gọi là Kiết tường. “Ấy là một chữ linh bên Ấn Độ, chữ ấy có sức đưa lại, nêu ra các điểm tốt, lành, vui vẻ, phước đức. Vì vậy nên gọi là: Kiết tường, Vạn tự, Đức tự. Sức lành của chữ Vạn sâu, rộng như biển, cao, lớn như mây. Chư Phật Thế tôn đều có hình chữ Vạn nổi ở ngực. Ấy là tướng quí của các Ngài.
Và tóc của các Ngài cũng có hình chữ Vạn nữa. Vì chữ Vạn tiêu biểu cho các điều may mắn, phước đức, tốt lành, cho nên ở trước các ngôi chùa Phật, người ta thường thấy vẽ hình chữ ấy.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.