Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh tường Khmer Nam Bộ khuyến thiện, răn ác thế nào?

Sách "Tranh tường Khmer Nam Bộ" là một công trình nghiên cứu công phu của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình.

Địa ngục. Tranh ở chánh điện chùa Nam Vi dưới, Tri Tôn, An Giang.

Sách đề cập từng khía cạnh của tranh tường Khmer Nam Bộ, từ lịch sử tổng quát, đặc trưng cơ bản đến kỹ thuật chế tác của thể loại mỹ thuật độc đáo này của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Đặc biệt, sách còn đi sâu làm rõ nội dung của tranh tường Khmer Nam Bộ qua từng đề tài cụ thể.

Theo tác giả Huỳnh Thanh Bình, đề tài của tranh tường Khmer Nam Bộ phong phú và đa dạng, bao gồm những kỳ tích của đức Phật lịch sử, những câu chuyện tiền thân của đức Phật, những Phật thoại, thần thoại và truyện kể dân gian…

Trong đó, các Phật thoại có nội dung khuyến thiện răn ác chiếm một tỷ lệ nhất định. Ở đó có những câu chuyện này người xem rút được những bài học về đạo lý thực tiễn.

Điển hình như câu chuyện về vị tu sĩ và người thợ săn chỉ ra hậu quả của những kẻ tà tâm.

Tranh tuong Khmer Nam Bo anh 1

Câu chuyện về vị tu sĩ và người thợ săn. Tranh ở chánh điện chùa Champa, Châu Thành, Sóc Trăng.

Các bức bích họa này kể rằng: Tên thợ săn dắt bầy chó săn vào rừng để săn thú. Người thợ săn gặp vị tu sĩ đi khất thực trong rừng.

Từ sáng không săn được con mồi nào, gã thợ săn cho rằng vì vị tu sĩ đó đi qua rừng đã khiến không có một con thú nào quanh đây. Hắn giận dữ xua bầy chó săn rượt cắn vị tu sĩ.

Vị tu sĩ sợ hãi trèo lên cây trốn. Gã thợ săn đứng dưới gốc cây hò hét và do vội vã trèo lên cây, chiếc y của vị tu sĩ xổ ra và rơi xuống phủ trùm lên gã thợ săn. Bầy chó đang cơn hăng máu tưởng gã thợ săn là đối tượng đã được chủ ra lệnh săn đuổi liền ào tới cắn xé. Gã thợ săn bị thương tích nghiêm trọng…

Đề tài khuyến thiện, răn ác phổ biến trong tranh tường Khmer là loại tranh tương tự với tranh “Địa ngục đồ” của Phật giáo Đại thừa của người Việt. Tuy nhiên, nội dung, cách thức thể hiện lại hoàn toàn mang dấu ấn riêng, đặc sắc Khmer.

Tranh tuong Khmer Nam Bo anh 2

Địa ngục. Tranh ở chánh điện chùa Nam Vi dưới, Tri Tôn, An Giang.

Đó là cảnh xử phạt các tội nhân về các hành vi bất thiện mà khi sinh tiền họ đã phạm phải: Tội nhân kẻ bị nhốt trong song sắt, người bị lôi đi, kẻ chịu cảnh đánh đập, đâm chém, đốt cháy, bị cưa, bị cắt, treo, leo cây gai… được thể hiện thành nhiều bức bích họa liên tiếp liền kề nhau.

Một đề tài phổ biến trong tranh tường Khmer là câu chuyện hiếu hạnh của Xá Lợi Phất. Chuyện kể rằng cha Xá Lợi Phất là một phú gia ở thành Benares/Ba La Nại thường phát tâm cúng dường đến các bậc chư tăng, Bà La Môn và bố thí rộng rãi cho những người nghèo khó.

Một hôm, phú gia bận đi làm ăn xa, trước khi đi dặn dò vợ chu toàn công việc bố thí cúng dường.

Tranh tuong Khmer Nam Bo anh 3

Xá Lợi Phất độ cho mẹ ở địa ngục. Tranh ở chánh điện chùa Phật Lớn, Rạch Giá.

Ông đi rồi, người vợ không những chểnh mảng trách nhiệm cúng dường được chồng giao phó mà còn biểu lộ thái độ khinh khi sỉ nhục những người nghèo khổ.

Vì tham lam, tạo ác nghiệp nặng nề nên khi từ trần bà tái sanh làm ngạ quỷ chịu nhiều khốn khổ dưới Diêm phủ.

Khi biết mẹ vì các ác nghiệp đã gây tạo nên giờ đây bị đọa vào cảnh khổ, không nhà cửa, không có đủ đồ ăn thức uống, luôn bị đói khát hành hạ…

Tôn giả phát tâm bố thí, cúng dường lên đức Phật và chư tăng khắp mười phương rồi hồi hướng công đức cho mẹ để thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ.

Tranh tuong Khmer Nam Bo anh 4

Tranh tường đồng hiện cảnh ngạ quỷ (mẹ tôn giả Xá Lợi Phất trong quá khứ) khẩn cầu ngài Xá Lợi Phất với ảo ảnh về địa ngục là hình phạt bị ném vào vạc dầu, chảo lửa … nhờ được ngài cứu độ mà người mẹ an tĩnh trên tòa sen. Sala chùa Rajakusala Bampenjaey, Rạch Giá.

Nhờ phước báo ấy mà mẹ tôn giả Xá Lợi Phất trong quá khứ được thoát kiếp ngạ quỷ, sanh lên cõi trời.

Các câu chuyện có nội dung khuyến thiện và răn ác đã tạo nên những dẫn dụ (khuyên nhủ, dẫn dắt) cho cuộc sống làm lành lánh dữ cho đông đảo công chúng, xác lập những chuẩn mực đạo lý cơ bản cho cộng đồng.

10 năm tìm về di sản Khmer Nam Bộ của nhà nghiên cứu trẻ

Huỳnh Thanh Bình cho biết để thực hiện cuốn "Tranh tường Khmer Nam Bộ", chị đã đi điền dã, tới hàng trăm ngôi chùa Khmer trong 10 năm để sưu tầm, chắt lọc tư liệu.

Minh Châu - Quỳnh My

Bạn có thể quan tâm