Ngày 1/11, tại Đường sách TP.HCM, NXB. Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu “Tìm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam Bộ” và giới thiệu bộ sách: Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa; Gốm Sài Gòn; Tranh tường Khmer Nam Bộ.
Sách Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa; Gốm Sài Gòn; Tranh trường Khmer Nam Bộ. Ảnh: Q.M. |
Nghệ thuật tranh tường với người Khmer Nam Bộ
Tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, tác giả cuốn Tranh tường Khmer Nam Bộ, đã chia sẻ về thị hiếu sáng tác bích họa tranh tường Khmer và những câu chuyện xung quanh di sản mỹ thuật độc đáo này.
Cô cho biết người Khmer từ lúc mới lọt lòng đến khi trưởng thành và từ giã cõi đời, đều lấy ngôi chùa làm trung tâm cuộc sống. Họ cũng tiếp thu tôn giáo, văn hóa thông qua nhiều con đường trong đó có nghệ thuật tranh tường.
Huỳnh Thanh Bình cũng cho biết để hoàn thành cuốn sách Tranh tường Khmer Nam Bộ, cô đã dành gần 10 năm đi điền dã nhiều tỉnh và tới hàng trăm ngôi chùa Khmer Nam Bộ để sưu tầm và chắt lọc tư liệu.
Đồng thời, tác giả tiến hành phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố các nghệ nhân vẽ tranh tường, cũng như những vị Acha, sư sãi, các trí thức, cán bộ văn hóa Khmer và người dân Khmer ở địa phương tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Trong cuốn sách, Huỳnh Thanh Bình đã đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer.
Cuốn sách còn đề cập nghề vẽ tranh tường do các thế hệ nghệ nhân Khmer tạo tác trên nội - ngoại thất ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Tràng và con gái - nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình. Ảnh: Q.M. |
Đề cập nội dung cuốn sách, nhà văn - nhà báo Vũ Gia cho biết: “Đọc Tranh tường Khmer Nam Bộ, tôi thấy rất thú vị. Mỗi bức tranh là một điển tích phật giáo. Và qua mỗi bức tranh đó, các nhà sư truyền bá giáo lý nhà phật như một giáo cụ trực quan”.
Còn nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng không giấu niềm tự hào về tác tác phẩm nghiên cứu tiếp theo của con gái.
“Trước kia, tôi rất quan tâm lĩnh vực hội họa của đồng bào Khmer nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu. Tôi chủ yếu nghiên cứu về văn học dân gian, nghệ thuật biểu diễn. Thành tựu nghiên cứu của con gái hôm nay bổ sung cho nhiều khoảng trống nghiên cứu những năm trước của tôi”, ông nói.
Tái hiện những dòng gốm Nam Bộ đã thất truyền
Cũng tại buổi giao lưu nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và nhóm tác giả đã chia sẻ về bộ sách gốm: Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa; Gốm Sài Gòn, Gốm Lái Thiêu (đang thực hiện).
Bộ sách là sự cộng tác giữa nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Phúc, hai cộng sự trẻ Lưu Kim Chung - Nguyễn Đức Huy, nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt, nhà sưu tập Hồ Hoàng Tuấn cùng sự giúp sức của nhiều nhà sưu tập khác…
Chia sẻ về quá trình sưu tầm tư liệu về các dòng gốm ở Nam Bộ, tác giả Lưu Kim Chung cho biết: “Gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn - là những dòng gốm đã thất truyền và không được sản xuất từ đầu thế kỷ 20. Cả 3 dòng gốm này đều bắt nguồn từ những di dân người Hoa đến Sài Gòn - Chợ Lớn, Biên Hòa và Bình Dương xưa nên những thư tịch cổ, tài liệu đều bằng chữ Hán. Do đó, để truy tìm chủ nhân của dòng gốm này hầu như vô vọng”.
“Nhưng may mắn thay, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã lần theo các thư tịch cổ, tài liệu xưa, cũng như minh văn bằng chữ Hán trên các sản phẩm gốm. Chúng tôi đã tìm gặp được một số người là hậu duệ của các nghệ nhân làm gốm xưa và có cơ hội kiểm chứng, đối chiếu với những thông tin thu thập được để sửa chữa, bổ khuyết vào nội dung cho ra các tập sách nêu trên ra mắt độc giả”, tác giả Lưu Kim Chung nói.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ký tặng sách tại buổi giao lưu sáng 1/11. Ảnh QM. |
Gốm Cây Mai là tác phẩm mở đầu cho dòng sách về gốm, khởi nguồn từ lý do lịch sử xuất hiện lần lượt của các dòng gốm tại vùng đất Nam Kỳ xưa.
Điểm nổi bật của dòng gốm này là sành cứng, có men màu với xương gốm chắc bền vững hơn. Bảng màu tuy không phong phú (màu xanh lam, màu xanh ve chai; các màu bổ trợ là màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ, nâu và trắng), tạo ra sắc thái riêng, nằm giữa sự mộc mạc và mỹ lệ, như một tạo tác hình khối mãnh liệt.
Đổi lại, gốm Cây Mai sở hữu hầu như tất cả kỹ pháp trang trí để xuất hiện phổ biến khắp các công trình gốm gia dụng, gốm xây dựng, gốm gia dụng bài trí, gốm thờ tự, tượng thờ, tượng trang trí, ngõa tích trang trí…
Tác phẩm thứ 2 của dòng sách về gốm là cuốn Gốm Sài Gòn. Đây là tên gọi để chỉ một dòng sản phẩm gốm sứ ra đời từ những thập niên đầu thế kỷ XX.
Cùng chung số phận với gốm Cây Mai, vào giữa thế kỷ XX, dưới sức ép đô thị hóa của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng thời với sự cạn kiệt dần nguồn nguyên liệu sản xuất, nhiều lò gốm buộc phải di dời về tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) và một số chủ lò vẫn tiếp tục giữ thương hiệu cũ.
Với mong muốn giữ gìn dòng chảy lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ nhà nghiên cứu đã cố gắng đem lại cho công chúng những thông tin xác thực và những kiến thức căn bản, trước sự mai một đã báo động và đang biến mất rất nhanh trong đời sống hiện nay.
Qua đó, những tập sách ảnh trên muốn chạm vào cảm xúc và lưu giữ cùng bạn đọc ký ức thời gian của di sản mỹ thuật truyền thống Nam Bộ xưa.