Xe tăng T-14 Armata của Nga trong lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ, Moscow nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít. Ảnh: Spunik |
Sự ra đời của tăng T-14 Armata
Mẫu xe tăng mới nhất của Nga đang thu hút sự chú ý của cả thế giới sau khi ra mắt trong buổi diễu binh mừng 70 năm chiến thắng Phát xít trên Quảng trường Đỏ, thủ đô Mosow. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ người ta mới quan tâm tới sự ra đời của một chiếc xe tăng. Bản thân T-14 mang những đột phá công nghệ, giúp đáp ứng tốt hơn các yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại.
Theo các chuyên gia quân sự Nga, tháp pháo của T-14 có khả năng hoạt động nhờ điều khiển từ xa. Nó cũng có thể bắn nhiều loại đạn, trong đó có đạn xuyên giáp dày hoặc tên lửa chống tăng. Thiết kế của T-14 tương đối độc lập với các mẫu trước đó. Nếu Moscow trang bị 2.300 chiếc T-14, nó sẽ tạo ra sức mạnh chiến đấu đáng kể cho quân đội. Ngoài ra, Nga có thể xuất khẩu loại xe tăng này cho các quốc gia khác trong khu vực, tạo ra sức ảnh hưởng sâu rộng hơn, Sputnik đưa tin.
Chiến trường là các đô thị
Trong chiến tranh hiện đại, chiến trường chủ yếu là các đô thị chật chội, nơi các loại vũ khí tầm xa khó phát huy hiệu quả. Điều kiện chiến đấu này khiến tên lửa chống tăng dẫn đường bị hạn chế khả năng. Trong khi đó, lớp giáp của xe tăng ngày càng được cải thiện, giúp giảm thiểu tác động của đầu đạn tới thân xe và kíp chiến đấu.
Ngược lại, môi trường đô thị giúp xe tăng phát huy tối đa hiệu quả tác chiến. Nó dễ dàng phá hủy cứ điểm hỏa lực của đối phương hay các tòa nhà mà địch ẩn nấp. Độ chính xác từ hỏa lực xe tăng vượt trội và linh hoạt hơn hẳn các loại chiến đấu cơ di chuyển với vận tốc lớn.
Xe tăng M1A2 của Mỹ. Ảnh: AFP |
“Đất dụng võ” của xe tăng
Ở Đông Á, nỗ lực phát triển xe tăng liên tục được đẩy mạnh từ những năm 1980. Năm 2014, Hàn Quốc ra mắt chiếc K2 Black Panther, mẫu xe tăng đắt giá nhất hành tinh. Nhật Bản cũng vừa cho ra mắt chiếc Type 10 trong khi Triều Tiên tiếp tục phát triển Pokpung-ho dựa theo T-90 của Nga. Trung Quốc cũng chú trọng chế tạo Type 96 và Type 99 dù đây không phải trọng tâm phát triển của Bắc Kinh.
Trong khi đó, xe tăng cũng hiện diện nhiều trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine hay Dải Gaza. Trước đó, chúng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan trong suốt một thập niên tham chiến.
Cuộc chạy đua xe tăng tiềm năng
Trong suốt nhiều thập niên qua, xe tăng của các quốc gia phương Tây dường như không đổi mới nhiều so với các phiên bản trước. Áp lực kinh tế khiến quá trình nghiên cứu, chế tạo không được chú trọng. Tuy nhiên, sự bất hòa trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ khí mới, trong đó có công nghệ xe tăng.
Pháp và Đức đã bắt đầu phát triển Leopard 3. Nước Anh không tham gia dự án này nhưng có thể các nhà thầu quốc phòng sẽ vận động phát triển một mẫu xe tăng mới vì những quan ngại trong mối quan hệ với Nga.